OpenAI, công ty đứng sau ChatGPT tuyên bố công cụ này tương tác theo cách đối thoại, có thể trả lời các câu hỏi nối tiếp, thừa nhận sai lầm, thách thức thông tin không chính xác và từ chối các yêu cầu không phù hợp. Tuyên bố này gợi ý AI có thể suy nghĩ, cảm nhận và phản ứng như một con người, khiến nó thu hút sự hứng thú lớn.
Nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra xoay quanh ChatGPT và các công cụ AI tương tự về khả năng chúng sẽ tạo điều kiện cho học sinh gian lận hoặc thay thế nhân sự một số ngành nghề. Mặt khác, chúng cũng được cho là có tiềm năng giải phóng sức lao động, giúp con người tiết kiệm thời gian để làm những công việc khác.
Dễ thấy y tế và chăm sóc sức khỏe là những lĩnh vực có thể sớm áp dụng AI một cách rộng rãi. Đây cũng là những lĩnh vực mà AI có nhiều khả năng bị lợi dụng và sử dụng sai mục đích, nhất là khi ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận những công cụ này trên internet. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có nhiều phân tích về tiềm năng và rủi ro của các công cụ AI trong những lĩnh vực này.
Vừa qua, tỉ phú Bill Gates chia sẻ rằng ông đã nhìn ra những "lợi ích hiển nhiên" của ChatGPT đối với ngành y tế và các lĩnh vực có nhiều thông tin cần xử lý. Theo Bill Gates, AI có thể trợ giúp bác sĩ kê đơn và giải thích hóa đơn y tế cho bệnh nhân, hoặc hỗ trợ cả việc triển khai cũng như giúp hiểu rõ hơn các văn bản pháp luật.
Alan Petersen, Giáo sư xã hội học đến từ Đại học Monash (Úc) đã bày tỏ sự quan ngại trước những dự đoán này trên trang web của trường. Theo ông, nhận định trên là diễn ngôn hứa hẹn về các công nghệ y tế mới và rất đáng lo ngại.
Giáo sư Alan Petersen chia sẻ: "Thoạt nhìn, một chatbot tinh vi có khả năng sản xuất thông tin gần như tức thì thực sự hấp dẫn. Chatbot đã được sử dụng rộng rãi trong một thời gian, mặc dù cũng có lúc hữu ích nhưng vẫn có nhiều hạn chế. Là AI, chúng phụ thuộc vào những thông tin thu thập được từ nhiều nguồn trên mạng, trong đó có những nguồn chưa đủ độ tin cậy và thiếu khách quan, bao gồm những thông tin được đưa ra dựa trên sự khác biệt giới tính, giai cấp, chủng tộc và tuổi tác. Nhiều thông tin trên mạng còn được cá nhân hóa để tạo ra sự đồng cảm, thu hút người dùng. Có những cơ chế khai thác cảm xúc trực tuyến được thiết kế để lừa người dùng, chi phối cảm xúc và hành động của họ theo một số cách nhất định, thường là để khuyến khích người ta tiếp tục online và mua hàng. Viễn cảnh về một trí tuệ nhân tạo có khả năng tư duy, có cảm xúc và tri giác là rất xa vời, nhưng lại ăn sâu vào khoa học viễn tưởng và trí tưởng tượng của số đông. OpenAI nhận được sự ủng hộ bởi những cá nhân quyền lực như Bill Gates (nhà sáng lập Microsoft), Elon Musk (chủ sở hữu hiện tại của Twitter), Peter Thiel (nhà sáng lập PayPal) và các nhà sáng lập doanh nghiệp công nghệ lớn khác. Họ không hề vô tư khi nói về lợi ích của AI. Họ và các tỉ phú khác chắc chắn sẽ xem xét lợi nhuận khổng lồ có thể đạt được từ AI trong lĩnh vực y tế và sức khỏe, cùng các ngành nghề khác".
Điều khiến Giáo sư Alan Petersen bận tâm là việc mọi người sử dụng ChatGPT và các công cụ tương tự để tự khám chữa bệnh, tự chẩn đoán.
"Việc lên mạng internet để tự bắt bệnh là rất phổ biến. Nhiều người lên mạng ngay khi vừa có bệnh để tìm hiểu thêm về tình trạng của họ, tra thông tin và cách điều trị. Người ta tìm kiếm cách trị bệnh trên mạng với kỳ vọng có thể tìm ra "đường tắt" giúp đơn giản hóa những quyết định phức tạp. AI chắc chắn sẽ được sử dụng rộng rãi trong nhóm những người muốn tìm kiếm câu trả lời nhanh chóng liên quan đến việc điều trị bệnh, trong đó có nhiều tình trạng bệnh phức tạp. Người ta còn phải bàn nhiều về những nguy hiểm mà những phát minh như AI có thể gây ra, dù có nhiều hứa hẹn song cũng tiềm tàng những rủi ro lớn. Tôi không thấy được rằng AI có thể thay thế bác sĩ trong tương lai, bởi giữa bác sĩ và bệnh nhân có những tương tác mà AI không thể sao chép được" - Giáo sư Alan Petersen nhận định.
Hỏi khó ChatGPT: siêu thông minh nhưng có lúc 'ngớ ngẩn'?
Bình luận (0)