Chuyên gia: Mối đe dọa với Ukraine đến từ 'bên dưới'

Khánh Như
Khánh Như
20/07/2023 11:29 GMT+7

Kể từ khi bắt đầu phản công, lực lượng bộ binh Ukraine đã chịu sức ép lớn từ các trực thăng tấn công và năng lực không quân của Nga. Tuy nhiên, hiện vấn đề đau đầu nhất của Ukraine đang đến từ "bên dưới" chứ không phải "bên trên".

Ukraine nhận được rất nhiều thiết giáp phương Tây, như xe tăng Leopard và xe chiến đấu bộ binh Bradley, nhưng chừng đó là không đủ để xuyên thủng tuyến phòng ngự kiên cố của Nga.

Cần thiết bị gỡ mìn

Hệ thống phòng thủ đáng gờm của Nga, đặc biệt là các bãi mìn đã làm chậm đáng kể tốc độ phản công của Ukraine. Tờ Business Insider dẫn lời giới quan chức quân sự Mỹ nhận định rào cản lớn nhất đối với các lực lượng của Kyiv là các bãi mìn với nhiều lớp trải dài ở khắp vùng đông và nam Ukraine chứ không phải năng lực không quân vượt trội của Nga.

Chuyên gia: Mối đe dọa với Ukraine đến từ 'bên dưới' - Ảnh 1.

Lực lượng Ukraine rà phá bom mìn chưa nổ ở tỉnh Donetsk hồi tháng 3

REUTERS

Tờ The New York Times đưa tin, trong vài tuần đầu tiên của cuộc phản công, Ukraine đã mất tới 20% vũ khí được đưa vào chiến trường khi cố gắng đột phá qua các bãi mìn và hỏa lực pháo binh dữ dội của Nga.

Các chướng ngại vật của Nga đã làm hư hại nhiều phương tiện chiến đấu của Ukraine. Tình huống này đã buộc lực lượng bộ binh Ukraine để lại phía sau các phương tiện bọc thép hiện đại, bao gồm xe tăng Leopard của Đức, để đi bộ tiến lên.

Mối đe dọa với Ukraine đến từ 'bên dưới'

Trong nhiều trường hợp, lực lượng của Kyiv thậm chí phải ngừng lại bởi không thể xuyên qua lớp phòng thủ của Nga.

Dù xác nhận đã có được nhiều vũ khí hạng nặng từ phương Tây, các quan chức Ukraine cho biết nước này nhận chưa đến 15% trang thiết bị cũng như kỹ thuật cần thiết để tăng khả năng rà phá bom mìn. Trả lời The Washington Post, Tướng Valery Zaluzhny, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, cho biết hiện nước này đang rất cần các thiết bị đặc biệt để rà phá bom mìn.

Tướng Zaluzhny cho biết lực lượng Ukraine được trang bị hệ thống xe phóng dây nổ phá mìn M58 Mine Clearing Line Charge (MICLIC) do Mỹ cung cấp. Ông nói đây là hệ thống hoạt động hiệu quả nhưng dự trữ đang cạn dần và Ukraine cần nhiều hơn nữa loại năng lực này.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley hôm 17.7 cũng đồng ý rằng thương vong mà Ukraine đang gánh chịu không đến từ không quân Nga mà từ các bãi mìn. Ông cho biết phương Tây đang cố gắng cung cấp cho Ukraine các thiết bị bổ sung để giúp dọn sạch những chướng ngại vật này, chẳng hạn như MICLIC.

Mỹ không tin F-16 có thể giúp Ukraine

Thiết bị không phải là tất cả

Trong nỗ lực phản công, xe tăng và bộ binh Ukraine không chỉ phải đối mặt với các bãi mìn mà còn gặp nhiều rào cản khác, bao gồm mạng lưới chiến hào, pháo binh và cả các xe tăng cũ hoạt động như pháo tự hành.

Do đó, theo ông Franz-Stefan Gady, chuyên gia nghiên cứu chiến tranh tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS), Ukraine cần được hỗ trợ để đẩy mạnh các đội hình cơ giới vốn hiếm khi được triển khai do thiếu trang thiết bị. Ông nhắc lại rằng Ukraine đang thiếu một lượng lớn thiết bị rà phá bom mìn, hệ thống phòng không và nhiều loại khác. Nước này không có đầy đủ trang bị cho các hoạt động chiến đấu cần thiết để tạo ra đột phá trước Nga.

Chuyên gia: Mối đe dọa với Ukraine đến từ 'bên dưới' - Ảnh 2.

Binh sĩ Ukraine chuẩn bị bắn pháo tự hành M109 ở tiền tuyến tỉnh Kharkiv ngày 19.7

REUTERS

Bên cạnh đó, Gady cũng cho rằng thiết bị không phải là vấn đề duy nhất mà Ukraine phải giải quyết trong trận chiến này. Theo ông, các lực lượng Kyiv hiện không có khả năng phối hợp vũ khí để tác chiến ở quy mô lớn, mà đây lại là điều cần thiết để bảo vệ một đội quân tấn công.

Business Insider dẫn lời ông Gary cho biết việc thiếu cách tiếp cận và kết hợp vũ khí ở quy mô lớn đã khiến  Ukraine dễ bị tổn thương hơn trước tên lửa chống tăng và pháo binh Nga.

Liệu Ukraine có đang vượt qua Nga về số lượng xe tăng?

Hoạt động hiệp đồng chiến đấu là một khái niệm khó mà hầu hết quân đội, bao gồm Nga, chưa thể làm tốt. Để dễ hình dung, hình thức này tạo ra khả năng kết hợp hiệu quả, cho phép các lực lượng như bộ binh, pháo binh, và cả không quân tấn công như một lực lượng chiến đấu thống nhất và gắn kết.

Theo Business Insider, việc không thể tiến hành các khả năng tác chiến phức tạp như vậy có thể khiến Ukraine cảm thấy bị mắc kẹt trong một cuộc đấu pháo tiêu hao với Nga và không thể tái kiểm soát nhiều lãnh thổ.

Ông Gary nói rằng nếu Ukraine không muốn điều đó xảy ra, nước này phải "đồng bộ hóa tốt hơn [và] điều chỉnh các chiến thuật hiện tại" đồng thời kết hợp hỏa lực hiệu quả và cơ động trên quy mô lớn trong mọi hoạt động. Nếu không làm như vậy, các thiết bị quân sự của phương Tây như xe tăng M1 Abrams của Mỹ có thể "sẽ không thể hiện tính quyết định [về mặt chiến thuật] trong thời gian dài".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.