(TNO) Để ngăn cản những hành động hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông, Mỹ không nên chỉ dựa vào quân sự mà cần xem xét cả các biện pháp kinh tế, trang tin Defense One (Mỹ) ngày 5.6 dẫn phân tích từ các chuyên gia Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR).
Hàng hoá Trung Quốc tại cảng Los Angeles, Mỹ. Tổ chức CFR tư vấn Mỹ nên dùng biện pháp về kinh tế để ngăn chặn Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông - Ảnh: Reuters
|
“Một sự đáp trả mạnh tay bằng quân sự (của Mỹ đối với hoạt động xây đảo của Trung Quốc ở Biển Đông) có thể gây ra các tính toán sai lầm và xung đột, gây phương hại đến sự ổn định, vốn rất quan trọng đối với quyền lợi của Mỹ và của những đồng minh mà chúng ta đang muốn bảo vệ”, CFR nhận xét.
Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ là một tổ chức phi lợi nhuận uy tín hàng đầu nước Mỹ, chuyên phân tích về chính sách đối ngoại Mỹ và các vấn đề mang tính toàn cầu, có trụ sở tại New York.
CFR cho rằng trong khi duy trì một sự hiện diện hùng hậu trong khu vực nhằm ngăn chặn xung đột vẫn là trọng tâm của bất kỳ chiến thuật nào, Washington cũng nên cân nhắc đến các yếu tố khác.
Và một trong những yếu tố khả thi giúp ngăn ngừa chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông nằm trong lĩnh vực kinh tế, theo CFR.
“Trong khi các nhà làm luật đang tập trung vào các đảo nhân tạo của Trung Quốc, Washington cần phải thận trọng tránh đánh giá thấp các công cụ có thể gây ảnh hưởng về kinh tế trong quan hệ Trung - Mỹ. Trung Quốc hiện đang khá nhuần nhuyễn trong việc vừa sử dụng các biện pháp kinh tế, vừa triển khai hiện diện quân sự nhằm đạt được các mục tiêu chính trị”, CFR bình luận.
Tổ chức này nêu ví dụ hồi năm 2012, Bắc Kinh bất ngờ cấm nhập khẩu chuối từ Philippines vì có tranh chấp chủ quyền bãi cạn Scarborough với Manila ở Biển Đông. Động thái này của Trung Quốc là một đòn giáng mạnh vào nông dân Philippines, những người lệ thuộc nặng vào việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. Và ngay khi 2 nước ký kết thỏa thuận đồng loạt rút tàu khỏi bãi cạn, thì lệnh cấm này mới được dỡ bỏ.
“Về phần Mỹ, triển vọng dùng ảnh hưởng kinh tế như một công cụ chính trị đối với Trung Quốc đừng nên quá tập trung vào các mặt hàng chuyên biệt, mà nên nhằm vào lượng giao dịch giữa 2 bên”, CFR hiến kế.
Theo số liệu thống kê của CFR, các công ty Mỹ đã đầu tư hơn 70 tỉ USD vào Trung Quốc, và nhiều hãng chọn Trung Quốc làm trung tâm làm ăn tại châu Á. Trung Quốc đã mua một lượng hàng hóa và dịch vụ trị giá 124 tỉ USD từ Mỹ, trong khi Mỹ nhập khoảng 466 tỉ USD hàng hóa từ Trung Quốc.
“Có thể nói giao dịch thương mại với Mỹ đã giúp định hình sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc. Và với việc Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng Hiệp ước Đầu tư Song phương Mỹ - Trung (BIT) đang dần hình thành, mức độ giao dịch có nhiều khả năng sẽ tăng hơn nữa và đây sẽ là một cú hích mà nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc cần có”, theo tổ chức CFR.
Do đó, Mỹ nên đặt guồng máy vận hành nền kinh tế Trung Quốc làm trọng tâm trong chiến lược đối phó với Bắc Kinh. Các nhà làm luật Mỹ nên tìm hiểu từ phía cộng đồng doanh nghiệp để tìm ra cách cắt giảm lượng giao dịch từ Mỹ mà Trung Quốc dùng để nuôi các chính sách bành trướng, CFR đề xuất.
Tàu tác chiến cận bờ USS Fort Worth của Mỹ tuần tra gần quần đảo Trường Sa tháng 4.2015, đằng xa phía sau bên phải là tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường Diêm Thành của Trung Quốc - Ảnh: Hải quân Mỹ |
CFR cho biết với việc chi phí nhân công và tình trạng khan hiếm tài nguyên đang gia tăng tại Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp Mỹ đang phải đối mặt với quyết định đi hay ở lại.
“Trong khi đó, Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng và Indonesia đang là nơi làm ăn mới với chi phí rẻ cho các công ty Mỹ. TPP và BIT có thể giúp các quốc gia châu Á khác và các nước châu Mỹ Latinh cạnh tranh với Trung Quốc trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ. Các tiến bộ trong ngành sản xuất bằng máy in 3D cũng có thể làm giảm lượng giao dịch của Mỹ với Trung Quốc và giúp đem các nhà máy sản xuất trở lại nước Mỹ”, tổ chức này cho hay.
CFR kết luận rằng để triển khai một chiến lược nhằm ngăn chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc thông qua các biện pháp cả về kinh tế lẫn quân sự, thì cần phải huy động tất cả các cơ quan chính phủ tham gia.
“Để chiến lược nhằm vào Trung Quốc có hiệu quả, cần có một chính sách toàn diện đòi hỏi sự phối hợp giữa Bộ Ngoại giao, Bộ Ngân khố và Lầu Năm Góc, cũng như phải có sự điều hành từ cấp cao đối với khối doanh nghiệp tư nhân, để cùng phát triển một biện pháp đáp trả dài hạn cho những thách thức tại châu Á - Thái Bình Dương”, theo bài viết của CFR.
Bình luận (0)