"Nguy hiểm là tên lửa phòng không mà Trung Quốc triển khai có thể nhằm bắn máy bay của các nước láng giềng khiến căng thẳng leo thang", phó giáo sư Robert Farley (Mỹ) nhận định với Thanh Niên.
Trung Quốc ngang ngược bố trí tên lửa phòng không ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị nước này chiếm đóng - Ảnh minh họa: GoogleEarth/FoxtrotAlpha
|
Xung quanh thông tin Trung Quốc mới đây triển khai hệ thống tên lửa phòng không ra đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp, giới chức Mỹ, Nhật cùng nhiều nhà phân tích đã bày tỏ quan ngại.
|
Trao đổi với Thanh Niên qua email, chuyên gia nghiên cứu về vấn đề quân sự, hàng hải và an ninh quốc gia, ông Robert Farley, Phó giáo sư tại trường Patterson thuộc Đại học Kentucky (Mỹ) nhận định rằng việc Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa phòng không, rất có thể là HQ-9, là một trong những bước đi trong quá trình quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông.
Phó giáo sư Robert Farley cho rằng việc triển khai hệ thống tên lửa phòng không lần này không hoàn toàn giống việc Trung Quốc đưa chiến đấu cơ J-11 ra đảo Phú Lâm hồi tháng 11.2015. Bởi lẽ khả năng của hệ thống HQ-9 trong việc kiểm soát vùng biển và vùng trời ở khu vực không thể đánh giá thấp. Việc triển khai lần này cho thấy Trung Quốc đã đặt vấn đề quân sự hoá ở quần đảo Hoàng Sa một cách rất nghiêm túc.
Liên quan tới phản ứng của các nước khác, chuyên gia này cho rằng các cuộc tuần tra của Mỹ trên Biển Đông sẽ tiếp tục diễn ra để gửi thông điệp tới phía Trung Quốc rằng Bắc Kinh không thể tự do tự tại kiểm soát khu vực. Tuy nhiên, phó giáo sư Robert Farley cũng cảnh báo rằng với việc đã triển khai hệ thống tên lửa phòng không tại quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc có thể sẽ nhắm bắn máy bay của các nước láng giềng hoạt động trong khu vực, và khi đó căng thẳng trên Biển Đông sẽ leo thang. Phó giáo sư Robert Farley thậm chí còn lo ngại tai họa có thể xảy ra nếu Trung Quốc làm như vậy.
Bình luận (0)