TNO

Chuyên gia Nga: Chiến hạm Gepard Việt Nam chưa thể có tên lửa Klub

26/09/2016 08:41 GMT+7

(Tin Nóng) Hai chiến hạm Gepard 3.9 thứ 3 và 4 của Việt Nam sẽ thử nghiệm trên Biển Đen vào cuối tháng 10. Tuy hai chiến hạm này có vũ khí mạnh, nhưng chưa thể có được hệ thống tên lửa Klub uy lực của Nga, theo trang tin Chuyên gia chính trị (St. Petersburg, Nga).

(Tin Nóng) Hai chiến hạm Gepard 3.9 thứ 3 và 4 của Việt Nam sẽ thử nghiệm trên Biển Đen vào cuối tháng 10. Tuy hai chiến hạm này có vũ khí mạnh, nhưng chưa thể có được hệ thống tên lửa Klub uy lực của Nga, theo trang tin Chuyên gia chính trị (St. Petersburg, Nga).

Hai chiến hạm Gepard 3.9 thứ 3 và 4 của Việt Nam tại xưởng đóng tàu M. Gorky ở Zelenodolsk (CH Tatarstan). Một chuyên gia hải quân Nga cho rằng lớp tàu chiến Gepard 3.9 đóng cho Việt Nam sẽ không được trang bị hệ thống tên lửa Klub uy lực của Nga vì nhiều lý do - Ảnh: bmpd

Trang tin này ngày 25.9 có bài phỏng vấn đại uý hải quân dự bị hạng 1, chuyên gia hải quân Vasily Dandykin về lớp tàu hộ tống tên lửa Gepard 3.9 xuất khẩu sang Việt Nam.

Sắp tới hai tàu chiến Gepard 3.9 do Nhà máy M. Gorky ở Zelenodolsk (CH Tatarstan) đóng cho Hải quân Việt Nam sẽ được thử nghiệm cấp nhà máy và cấp quốc gia trên Biển Đen. Đây là phiên bản xuất khẩu của lớp tàu Dự án 11661 thiết kế từ thời Liên Xô và sau này là Nga. Lớp tàu này sản xuất cho Hải đội Caspi 2 chiếc gồm Tatarstan và Dagestan, nhưng chỉ có chiếc Dagestan là trang bị hệ thống tên lửa Kalibr (phiên bản xuất khẩu của hệ thống này gọi là Klub). Còn tàu lớp Gepard 3.9 xuất khẩu sang Việt Nam thì không được trang bị hệ thống tên lửa hiện đại nhất này.

Ông Dandykin nói rằng việc trang bị tên lửa Klub cho tàu chiến Gepard 3.9 xuất khẩu là điều không thể. Chiếc đầu tiên của loại tàu này là Tatarstan chỉ trang bị tên lửa hành trình diệt hạm Uran, có tầm bắn ngắn hơn (130 km) so với Kalibr (từ 300 đến 2.000 km).

Tàu chiến lớp Gepard 3.9 của Hải đội Caspi, chiếc Dagestan được trang bị hệ thống tên lửa Kalibr (Klub). Tàu này từng tham gia phóng tên lửa Kalibr bau 1.500 km từ biển Caspi vào quân IS ở Syria cuối năm 2015 - Ảnh: Hải quân Nga

"Ban đầu, lớp tàu Dự án 11661 được xây dựng chủ yếu là để xuất khẩu, tuy nhiên sau đó do khách hàng từ chối nhận tàu nên cả 2 chiếc đóng xong được đưa vào biên chế Hải đội Caspi vào đầu những năm 2000, đó là Tatarstan và Dagestan và chúng đã chứng tỏ chất lượng tốt. Chỉ chiếc Dagestan là có hệ thống tên lửa Kalibr. Các tàu này đóng tại Nhà máy ở Zelenodolsk. Lớp tàu Dự án 11661 là bản gia tăng kích thước của lớp tàu dự án 1124 Albatross, có lượng choán nước đến 2.000 tấn. Vũ khí của lớp tàu này gồm pháo, tên lửa diệt hạm và hệ thống phòng không hiện đại", ông Dandykin nói.

Tuy nhiên chuyên gia này nhận định rằng với lớp tàu 11661E để xuất khẩu (Gepard 3.9), hệ thống tên lửa Klub dường như không được xuất khẩu.

Chiến hạm Gepard 3.9 thứ 3 của Việt Nam đã được lai dắt vào Biển Đen để chuẩn bị thử nghiệm - Ảnh: vk

Chuyên gia Dandykin nhận xét rằng thay vì sử dụng tên lửa Klub thì Việt Nam có thể dùng tên lửa BrahMos do Nga và Ấn Độ hợp tác sản xuất, tính năng cũng tương đương Klub. Ông cũng bóng gió rằng cung cấp tên lửa Klub cho Việt Nam sẽ khiến Trung Quốc "không hiểu" vì Nga cũng từng bán tàu chiến cho Trung Quốc. Ngoài ra, "Hiện Trung Quốc đang có tranh chấp về biển đảo với Việt Nam và một số nước trong khu vực. Do vậy theo ý kiến của tôi, chiến hạm Gepard 3.9 của Việt Nam sẽ trang bị các loại tên lửa hành trình khác thay vì tên lửa Klub", ông Dandykin nói.

Như vậy các tàu chiến Gepard 3.9 đóng cho Việt Nam sẽ chỉ trang bị các vũ khí tiêu chuẩn mà thôi, theo kết luận của chuyên gia Nga.

Tàu chiến Gepard 3.9 đóng cho Việt Nam sẽ chỉ trang bị vũ khí tiêu chuẩn. Trong ảnh là chiếc Gepard 3.9 thứ ba, với hệ thống tên lửa diệt hạm Uran-E (2 dàn, 4 ống phóng/dàn, màu xám) và dàn ngư lôi chống ngầm (2 dàn, 2 ống phóng/dàn, màu xanh) ở mạn tàu - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Cộng hoà Tatarstan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.