(Tin Nóng) Theo bà Ilya Usov, chuyên gia độc lập nghiên cứu lịch sử, Nga có thể tham gia giải quyết xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông bằng cách gợi ý khai thác dầu khí tay ba.
|
Trả lời phỏng vấn báo Pravda (Sự thật, Nga) ngày 6.1 qua, bà Ilya Usov, chuyên gia độc lập chuyên nghiên cứu lịch sử, cho rằng trong chính sách hướng về châu Á của Nga, hai đối tác quan trọng nhất của Nga là Ấn Độ và Việt Nam, trong đó Việt Nam là đối tác hứa hẹn nhất do có những quan hệ lịch sử lâu đời với Liên Xô trước đây và Nga hiện nay.
Bà Usov cho biết trong chính sách hướng về châu Á mà Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố gần đây, Đông Nam Á luôn chiếm vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của nước Nga, bên cạnh quan hệ của Nga với Ấn Độ và Trung Quốc. Ở châu Á, Nga có các đối tác truyền thống, chẳng hạn Việt Nam. Tại ASEAN, Nga đang tham gia các dự án kinh tế ở Indonesia, Thái Lan và nói chung là cả 10 nước trong khối này.
Bà Usov cho rằng ASEAN đang hội nhập kinh tế, chính trị và văn hoá để tạo cân bằng với ảnh hưởng bên ngoài từ Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên sức mạnh của Trung Quốc ở khu vực ngày càng gia tăng, khiến các nước ASEAN cảm thấy lo ngại. Dù Trung Quốc là một đối tác của ASEAN, nhưng thỉnh thoảng nước này lại có những hành vi rất hung hăng, theo bà Usov.
Mỹ đang cố gắng thực hiện các chiến lươc địa chính trị để ngăn chặn Trung Quốc, như lôi kéo các nước trong khu vực Đông Nam Á cùng tham gia. Và ASEAN bị lôi kéo giữa Mỹ và Trung Quốc, đã tìm thấy một lực lượng thứ ba để tạo cân bằng, trong trường hợp này chính là nước Nga.
Khi được hỏi nước nào là đối tác đầy hứa hẹn nhất của Nga ở châu Á, bà Usov nói rằng đó là Việt Nam. Nga có hai đối tác chiến lược lớn ở Đông Á là Trung Quốc và Việt Nam. Nhiều thành phần lãnh đạo ưu tú của Việt Nam hiện nay từng được đào tạo ở Liên Xô thời chiến tranh chống Mỹ.
|
Theo bà Usov, Việt Nam hiện không thể đứng hẳn về Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine vì Mỹ và EU là hai thị trường quan trọng của hàng hoá Việt Nam, cũng như vốn đầu tư của Mỹ cũng quan trọng đối với hầu hết các nước ở châu Á. Việt Nam cũng nhận được sự ủng hộ của Mỹ trong tranh chấp với Trung Quốc.
Nhận xét về chính sách của Nga đối với quan hệ Việt Nam và Trung Quốc, bà Usov nói rằng Nga có chính sách đối ngoại khôn ngoan. Với Trung Quốc, Nga có các quan hệ làm ăn như các hợp đồng dầu khí, cải thiện quan hệ chính trị… Tại Trung Quốc, nhiều người hy vọng Nga sẽ đứng về phía Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông, nơi Trung Quốc và Việt Nam luôn có xung đột tiềm tàng về lợi ích.
Tuy nhiên Nga đang xem xét lại chính sách trung lập đã cũ về vấn đề này. Nga không đứng về Trung Quốc, cũng không đứng về phía Việt Nam về vấn đề Biển Đông. Nhưng có lẽ vai trò thích hợp của Nga là đưa ra sáng kiến giúp giải quyết xung đột giữa hai nước, chẳng hạn như sự phát triển mối quan hệ tay ba về khai thác dầu khí trên Biển Đông.
Trả lời câu hỏi về việc gần đây Trung Quốc đưa giàn khoan dầu xuống Biển Đông có ảnh hưởng đến các tập đoàn dầu khí Nga, chuyên gia Ilya Usov cho hay tập đoàn dầu khí Gazprom đang làm ăn tại Việt Nam, các tập đoàn khác như Zarubezhneft cũng tiếp tục làm việc, và điều này thể hiện ý chí chính trị của lãnh đạo Nga là muốn giải quyết xung đột, muốn làm trọng tài hoà giải xung đột, dù mọi việc rất khó khăn. Nga là người khổng lồ về dầu khí, đã phát triển việc khai thác dầu khí ở Việt Nam, tham gia cung cấp dầu khí cho nhà máy lọc dầu Dung Quất…
Nhưng bà Usov cũng lưu ý rằng Việt Nam và các nước ASEAN còn là những nhà đầu tư vào Nga, như các dự án liên doanh khai thác dầu khí Việt - Nga tại nước Nga, dự án sản xuất thực phẩm của Việt Nam tại Nga v.v.
|
Báo Pravda cũng đặt câu hỏi liên quan về vịnh Cam Ranh của Việt Nam, ba Usov nói Việt Nam không cho đặt căn cứ quân sự nước ngoài nào tại Cam Ranh, nhưng tàu thuyền các nước có thể ghé vào đây. Theo bà Usov, Nga không nên xem Việt Nam như một căn cứ quân sự. Thời hợp tác quân sự với Liên Xô đã qua rồi. Nga nên đối xử với Việt Nam như một thế lực bạn bè, vì điều đó mà ta phải chiến đấu để có được.
Bà Usov lưu ý rằng quan hệ hợp tác quân sự - kỹ thuật của Nga với Việt Nam rất thành công, khi 80 - 90% vũ khí của Việt Nam là có nguồn gốc từ Liên Xô và Nga. Nga cũng vừa bàn giao chiếc tàu ngầm thứ 3 cho Hải quân Việt Nam. Và không chỉ với Việt Nam, Nga còn phải xây dựng quan hệ bạn bè với các nước ASEAN khác.
Anh Sơn
>> Tàu ngầm Hải Phòng đã vào Ấn Độ Dương
>> Tàu ngầm Đà Nẵng đến Kaliningrad luyện tập
>> Nguy cơ va chạm tàu ngầm trên Biển Đông
>> Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông là để đối phó với Mỹ ?
>> Nga hạ thuỷ chiếc tàu ngầm Kilo thứ 5 của Hải quân Việt Nam
>> Việt Nam mua vũ khí Nga tuỳ thuộc khả năng của nền kinh tế
>> Ấn Độ giúp Việt Nam kỹ năng sử dụng tàu ngầm, máy bay Nga
>> Nga tăng cường chuyển giao công nghệ quân sự cho Việt Nam
>> Nga sẽ đào tạo sĩ quan Việt Nam
Bình luận (0)