TNO

Chuyên gia Nga tranh cãi về ý kiến Nga quay lại Cam Ranh

17/08/2016 08:00 GMT+7

(Tin Nóng) Sau khi một cựu tham mưu trưởng Không quân Nga nói về việc Không quân Nga sẽ quay lại Việt Nam, nhiều chuyên gia Nga đã đưa ra các quan điểm trái chiều về ý kiến này.

(Tin Nóng) Sau khi một cựu tham mưu trưởng Không quân Nga nói về việc Không quân Nga sẽ quay lại Việt Nam, nhiều chuyên gia Nga đã đưa ra các quan điểm trái chiều về ý kiến này.

Tàu khu trục chống ngầm Nguyên soái Shaposhnikov của Hạm đội Thái Bình Dương ghé thăm không chính thức Cam Ranh cùng các tàu dầu Irkut và tàu cứu hộ Alatau, tháng 3.2014 - Ảnh: Hải quân Nga

Nhà báo Anton Mardasov trong bài báo đăng trên trang tin Báo chí tự do (Nga) ngày 13.8 viết rằng trong cuộc phỏng vấn với hãng tin RIA ngày 12.8 qua, đại tướng Pyotr Deinekin, cựu tham mưu trưởng Không quân Nga (từ 1991 - 1998) phát biểu: “Việc phục hồi mạng lưới sân bay cho Không quân Nga không chỉ giới hạn ở Bắc Cực mà còn vươn ra tới Việt Nam, trên các đảo Thái Bình Dương và ở Syria”. Ý kiến này được cho là nói đến việc quân đội Nga sẽ quay lại Việt Nam, cụ thể là Cam Ranh.

Nhà báo Mardasov cũng điểm lại một số mốc thời gian minh hoạ cho quan hệ hợp tác quân sự gần đây giữa Nga và Việt Nam. Chẳng hạn ngày 17.5, đại sứ Việt Nam tại Nga Nguyễn Thanh Sơn nói lãnh đạo hai nước không phản đối việc Nga quay lại Cam Ranh, và mối quan hệ tin tưởng với Nga là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Nhà báo này nhắc lại rằng Việt Nam là đối tác truyền thống của vũ khí Nga với kim ngạch nhập khẩu hơn 4,5 tỉ USD những năm gần đây. Còn sự hiện diện quân sự của Nga cũng đã có những bước đầu, chẳng hạn ngày 12.11.2013, Chủ tịch nước Việt Nam và Tổng thống Nga đã ký thoả thuận về việc lập một cơ sở chung bảo dưỡng và sửa chữa tàu ngầm ở Cam Ranh. Đầu năm 2014, các máy bay tiếp dầu IL-78 của Nga được phép dùng sân bay Cam Ranh để bay đi tiếp dầu cho các máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS tuần tra ở Thái Bình Dương.

Tháng 11.2014, trong chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Nga, hai nước đã ký kết thỏa thuận về đơn giản hoá thủ tục cho các tàu của Nga ghé Cam Ranh.

Quân đội Nga sẽ sớm quay lại Cam Ranh?

Từ những sự kiện này và qua phát biểu mới đây của tướng Deinekin, một số chuyên gia quân sự Nga gợi ý rằng hai nước sẽ sớm ký kết cho việc Nga lập căn cứ hậu cần hải quân ở Cam Ranh.

Ủng hộ ý kiến này, ông Vladimir Shvarev, phó giám đốc Trung tâm phân tích thương mại vũ khí thế giới (TSAMTO) cho rằng nhiều tướng lĩnh đã về hưu và đương chức ở Nga đều nhắc đến việc Nga sẽ quay lại Cam Ranh. Theo ông, vài công việc có thể sẽ triển khai để Nga sử dụng các cảng và sân bay mà Liên Xô từng sử dụng. “Trước tình hình đối đầu với Mỹ cùng các hoạt động quân sự của họ sát biên giới Nga, chúng ta phải cải thiện công nghệ và phòng thủ tên lửa, cùng việc phát triển các căn cứ ở nước ngoài. Để trong trường hợp có xung đột toàn cầu, chúng ta có thể giáng đòn tấn công vào kẻ thù tiềm tàng không chỉ từ các sân bay bên trong lãnh thổ Nga”.

Chuyên gia quân sự Alexei Leonkov cũng tán thành việc mở căn cứ quân sự Nga ở nước ngoài khi cho rằng sau căn cứ Hmeymim ở Syria thì có thể căn cứ tiếp theo của Nga là Cam Ranh. Thời Liên Xô, cảng Cam Ranh không chỉ là nơi đậu tàu chiến mà còn là nơi để luân chuyển cho các đội thuỷ thủ tàu ngầm, tàu chiến sau các chuyến tuần tra trên Thái Bình Dương. Căn cứ Cam Ranh sẽ cho phép Hạm đội Thái Bình Dương của Nga kiểm soát vùng Nam Thái Bình Dương và toàn bộ Ấn Độ Dương. Vì vậy theo ông Leonkov, không loại trừ trong tương lai quân đội Nga sẽ tái sử dụng Cam Ranh.

Tranh vẽ mô tả hoạt động của tàu Liên Xô lúc đóng ở Cam Ranh năm 1985 - Nguồn: academic.ru

Nga quay lại căn cứ Cam Ranh là điều không thể

Tuy nhiên có những ý kiến khác phản bác việc Nga sẽ quay lại sử dụng căn cứ Cam Ranh.

Một mặt chúng ta nói khôi phục việc quay lại Việt Nam, mặt khác chúng ta lại tập trận hải quân chung với Trung Quốc vào tháng 9 tới ở vùng biển tranh chấp trên Biển Đông. Vì vậy tôi tin rằng việc Nga chính thức quay lại Cam Ranh là điều không thể

Vasily Kashin, nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Nghiên cứu Viễn Đông (Nga)

Nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Nghiên cứu Viễn Đông, Vasily Kashin nghi ngờ việc Nga sẽ sử dụng Cam Ranh như kiểu của căn cứ Hmeymim ở Syria. Theo ông, người Nga nói nhiều về việc Nga được dùng sân bay Cam Ranh để tiếp dầu cho các máy bay ném bom chiến lược, và đòi hỏi phải đầu tư nâng cấp thiết bị dẫn đường, liên lạc vô tuyến v.v. Điều này sẽ giúp mở rộng tầm hoạt động của máy bay trinh sát và săn ngầm, máy bay ném bom chiến lược của Nga ở khu vực.

“Tuy nhiên, một mặt chúng ta nói khôi phục việc quay lại Việt Nam, mặt khác chúng ta lại tập trận hải quân chung với Trung Quốc vào tháng 9 tới ở vùng biển tranh chấp trên Biển Đông. Vì vậy tôi tin rằng việc Nga chính thức quay lại Cam Ranh là điều không thể”, chuyên gia Kashin nhận xét.

Ông cũng lý giải rằng Nga không có lý do để can dự vào tình hình khá phức tạp trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Kế đó, sức mạnh Hạm đội Thái Bình Dương của Nga giảm đáng kể so với thời Liên Xô. Hơn 10 năm qua, Nga không gặp vấn đề lớn nào trong khu vực này cũng như ở các đại dương của thế giới. Các tàu của Hạm đội Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương để chống hải tặc giờ đây có cơ hội đến Cam Ranh để tiếp nhiên liệu. Còn ở Syria thì đó là nơi đang xảy ra chiến tranh, và Nga cần phải đảm bảo việc tiếp liệu cho các nhiệm vụ cụ thể.

Còn chuyên gia Andrey Frolov của Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ (CAST, ở Moscow), chủ biên tạp chí Xuất khẩu vũ khí, cho rằng báo chí có lẽ đã diễn dịch sai ý kiến của tướng Deinekin khi ông nói về việc khôi phục mạng lưới sân bay ở Việt Nam, là hàm ý nói về hạ tầng kỹ thuật mà thôi. “Tập đoàn thiết bị Thống nhất, thuộc tập đoàn quốc phòng Rostec đã cung cấp nhiều thiết bị thông tin liên lạc cho các máy bay và sân bay ở Việt Nam, chẳng hạn hệ thống liên lạc mặt đất NKVS-27... Việt Nam đang có nhu cầu mua các thiết bị này để sửa chữa và hiện đại hoá các sân bay theo nhu cầu của mình chứ không phải cho mục đích của Nga”.

Chuyên gia Frolov cũng nhắc lại rằng đừng quên Liên Xô từng gặp nhiều tai nạn khi còn đóng quân ở Cam Ranh, như các vụ tai nạn máy bay Tu-95 năm 1985, máy bay AN-12BP năm 1989, và thảm kịch 3 chiếc Su-27 của đội bay Dũng sĩ Nga đâm vào núi gần Cam Ranh năm 1995 khi từ Malaysia bay đến Cam Ranh để tiếp nhiên liệu…

Ông cũng cho rằng nếu Cam Ranh là nơi dùng để tiếp dầu cho các máy bay Nga thì phải cải tiến các thiết bị thông tin liên lạc và định vị. Còn dùng Cam Ranh là nơi bố trí máy bay quân sự Nga như thời Liên Xô với đủ loại máy bay từ oanh tạc cơ đến trinh sát, tiêm kích… thì hoàn toàn không thể xảy ra.

Các chuyên gia Nga cho rằng Nga chỉ có thể sử dụng sân bay Cam Ranh để các máy bay tiếp dầu Nga phục vụ máy bay ném bom chiến lược và trinh sát săn ngầm khi bay tuần tra Thái Bình Dương

Tán thành quan điểm trên, chuyên gia Mikhail Alexandrov của Trung tâm nghiên cứu chính trị - quân sự (Viện nghiên cứu quốc gia Moscow) cho rằng việc Nga hiện diện quân sự ở Việt Nam là không có lợi vì quan hệ căng thẳng giữa Hà Nội và Bắc Kinh, trong khi chính quyền Nga cố duy trì quan hệ đối tác với cả hai nước này. Do vậy căn cứ quân sự của Nga tại Việt Nam là không thích hợp.

Ông cũng nói rằng việc mở rộng các căn cứ tại Nga là quan trọng cho các máy bay ném bom chiến lược Tu-95 và Tu-160 của Nga khi trang bị loại tên lửa hành trình tầm xa mới (Kh-101), có khả năng mang đầu đạn hạt nhân (loại Kh-102). Những căn cứ mới như đang xây ở đảo Matua tại quần đảo Kuril sẽ giúp Nga có được các đòn giáng trả phi hạt nhân với Mỹ, trong khi lâu nay Mỹ cho rằng có thể tấn công phi hạt nhân ở châu Âu tiêu diệt các tên lửa Nga mà Nga không có khả năng giáng trả.

Năm 1979, CHXHCN Việt Nam ký hiệp ước cho Liên Xô sử dụng miễn phí căn cứ Cam Ranh trong 25 năm. Liên Xô đã xây dụng và mở rộng căn cứ này rất quy mô, từ ban đầu là điểm tiếp tế hậu cần hải quân đến trở thành căn cứ hải quân hùng mạnh của binh đoàn tác chiến chiến dịch số 17. Lúc cao điểm nơi đây có 8 - 10 tàu chiến, 4 - 8 tàu ngầm cùng các tàu hỗ trợ. Năm 2001, chính phủ Nga quyết định không gia hạn hiệp ước  sử dụng căn cứ Cam Ranh và rút khỏi đây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.