Theo thông tin từ Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), dự kiến chiều nay 19.7, Phó thủ tướng Lê Thành Long sẽ có buổi làm việc với Bộ Y tế về các vấn đề liên quan tại dự thảo Nghị định "Quy định về đào tạo chuyên khoa sâu đặc thù trong lĩnh vực y tế (sau đây gọi tắt là dự thảo nghị định đào tạo chuyên khoa sâu).
Theo dự thảo nghị định đào tạo chuyên khoa sâu do Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) là đầu mối soạn thảo, tại điều 10 có đề xuất: đối tượng đào tạo bác sĩ chuyên khoa: người đã có bằng bác sĩ chuyên khoa hoặc bác sĩ đa khoa; người đã có bằng bác sĩ răng hàm mặt; người đã có bằng bác sĩ y học cổ truyền; người đã có bằng bác sĩ y học dự phòng.
Điều 33 dự thảo nghị định cũng nêu: đối tượng đào tạo cấp chứng chỉ chuyên khoa cơ bản: đối tượng quy định tại điều 10, điều 11; có giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Dự thảo cũng giải thích: "Đào tạo để cấp chứng chỉ chuyên khoa cơ bản là loại hình đào tạo cho người đã được cấp văn bằng bác sĩ, dược sĩ, cử nhân đã có giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh để bổ sung phạm vi hành nghề theo quy định".
Cho rằng một số quy định chưa rõ ràng được đề xuất tại dự thảo nghị định trên, có thể là nguy cơ khiến các bác sĩ không đạt trình độ chuyên môn của chuyên khoa sâu, không đúng chuyên khoa đã học bậc đại học nếu chỉ sau các khóa đào ngắn ngày, mới đây, các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành về răng hàm mặt đã cùng ký văn bản gửi lên Bộ Y tế nêu: đào tạo cấp chứng chỉ chuyên khoa cơ bản với chuyên khoa răng hàm mặt là không phù hợp với đào tạo sau đại học; đề nghị không cấp chứng chỉ chuyên khoa cơ bản với ngành răng hàm mặt. Với đào tạo cấp chứng chỉ chuyên khoa cơ bản, dự thảo cần nêu rõ là "bác sĩ chuyên khoa đúng ngành học đã được đào tạo bậc đại học".
Một bác sĩ, giảng viên Trường ĐH Y Hà Nội phân tích, dự thảo nghị định đào tạo chuyên khoa sâu đang ghi chung chung, nên có thể hiểu là các bác sĩ đa khoa, y học cổ truyền hay y học dự phòng cũng có thể đi học chuyên khoa cơ bản như: răng hàm mặt, sau đó sẽ được bổ sung hành nghề chuyên khoa.
Trong khi đó, các hình thức đào tạo chuyên khoa cơ bản chỉ là ngắn hạn, chỉ 3 - 10 tháng. Như vậy không thể đảm bảo chất lượng như các bác sĩ chuyên khoa đã có 6 năm đào tạo tại trường đại học cùng với thực hành dưới sự hướng dẫn rất tỉ mỉ của giảng viên.
Một giáo sư chuyên ngành răng hàm mặt của Trường ĐH Y Hà Nội cho rằng: "Dự thảo trên cần thể hiện rõ ràng các quy định với tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu ra khi các bác sĩ hành nghề theo chuyên khoa, chứ không thể bác sĩ y học cổ truyền sau 9 tháng là được hành nghề về răng hàm mặt. Vì chuyên môn của bác sĩ chính là sức khỏe, an toàn người bệnh".
Sẽ khống chế phạm vi hành nghề
Trường ĐH Y Hà Nội cũng có văn bản góp ý dự thảo nghị định đào tạo chuyên khoa sâu, trong đó kiến nghị bỏ chương 7 - Đào tạo cấp chứng chỉ chuyên khoa cơ bản. Nếu vẫn giữ, cần quy định rõ về điều kiện học chứng chỉ. "Điều 11 dự thảo nghị định cần quy định rõ: đào tạo bác sĩ chuyên khoa theo đúng ngành đã được đào tạo ở bậc đại học. Bác sĩ chuyên khoa sâu của răng hàm mặt đầu vào phải là bác sĩ răng hàm mặt", văn bản cũng kiến nghị.
Thông tin về các đề xuất tại nghị định và tiếp nhận các ý kiến góp ý cho dự thảo nghị định về đào tạo chuyên khoa sâu, trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Ngô Quang, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), cho hay việc xây dựng các văn bản đảm bảo các nguyên tắc cơ bản về: chất lượng nhân lực, tuân thủ các quy định hiện hành, đồng thời đảm bảo các yêu cầu đặc thù ngành y tế; phù hợp hội nhập quốc tế.
Theo ông Quang, với đề xuất trong dự thảo nghị định trên, các khóa học ngắn chú trọng thực hành, có thể từ 6 tháng, tùy chuyên khoa. Các bác sĩ sau khóa học chuyên khoa cơ bản, chỉ hành nghề tại y tế cơ sở, như tuyến huyện. Giấy phép hành nghề với bác sĩ sau khóa học chuyên khoa cơ bản, ngắn hạn sẽ khống chế phạm vi hành nghề. Ví dụ như, bác sĩ chuyên khoa cơ bản về răng hàm mặt chỉ xử trí cơ bản như: nhổ răng sữa, khám sàng lọc bệnh răng miệng; hay ngoại chung thì chỉ hành nghề đúng phạm vi chứ không được thực hiện các ca mổ chuyên khoa sâu, quá khả năng chuyên môn.
"Chúng tôi đã nhận được các đóng góp về dự thảo nghị định và tiếp thu, chỉnh sửa phù hợp, trên quan điểm chung là các quy định phải đảm bảo bao quát cho hệ thống y tế, từ tuyến T.Ư đến cơ sở, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực, phù hợp với nhu cầu tại các tuyến y tế", ông Quang nói.
Theo phản ánh của giới chuyên môn, vừa qua, một số trường đại học tuyển sinh các khóa đào tạo ngắn hạn, từ 3 - 6 - 9 tháng, tùy chuyên khoa. Trong đó, chuyên khoa răng hàm mặt cơ bản là 9 tháng, mức học phí 27 triệu đồng/học viên (quy mô lớp 20 - 40 học viên).
Còn một số chuyên khoa khác như: siêu âm sản phụ khoa, chuyên khoa cơ bản nội soi tai mũi họng chỉ học 3 tháng với học phí 2,5 - 4 triệu đồng/học viên, tùy quy mô lớp học (10 - 50 học viên).
Bình luận (0)