Chuyên gia Nhật Bản sẽ giữ chức Giám đốc kỹ thuật VFF

18/05/2020 08:06 GMT+7

Nếu không có gì thay đổi, trong thời gian tới, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) sẽ chính thức ký hợp đồng với giảng viên cao cấp của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA), Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) Yusuke Adachi - người sẽ trám chỗ ông Jurgen Gede gánh vác trọng trách Giám đốc kỹ thuật VFF.

Bài học thấm thía từ ông Gede
Sau 4 năm đi cùng nhau trên một chặng đường, VFF và Giám đốc kỹ thuật (GĐKT) Jurgen Gede sẽ chính thức chấm dứt hợp đồng vào tháng 6. Bỏ qua những chi tiết (tưởng như) vụn vặt mà ông Gede vừa tiết lộ với báo chí: “Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh gọi cho tôi đúng 10 giây chỉ để nói VFF không có ý định tái ký với ông. Xin cảm ơn và tạm biệt”, nhìn toàn cảnh sự hợp tác giữa đôi bên suốt thời gian có những mảng màu sáng tối khác nhau.
Phải thừa nhận, chuyên gia người Đức đã đóng góp một phần không nhỏ trong sự tiến bộ của bóng đá Việt Nam mấy năm gần đây. Nhưng vì các lý do khác nhau mà chất xám của ông chưa được khai thác triệt để và bản thân ông Gede cũng chưa thể trở thành người hoạch định một chiến lược “khổng lồ” cho bóng đá Việt Nam theo đúng nghĩa của chức danh rất quan trọng này. Đã có lúc ông Gede thậm chí còn “cảm thấy tương đối “cô đơn” vì nhiều đề xuất, tham mưu của mình không được xem xét kỹ lưỡng”. 14 năm trước, VFF cũng đã từng sử dụng GĐKT người Đức - ông Rainer Wilfeld và khi đôi bên chia tay, đồng hương của ông Gede cũng thốt lên một lời tương tự. Vậy làm thế nào để ông Yusuke Adachi có thể tương thích được với môi trường mới tại Việt Nam, có thể phát huy tối đa năng lực và cống hiến trọn vẹn năng lực ấy cho bóng đá Việt Nam.
Chuyên gia Nhật Bản sẽ giữ chức Giám đốc kỹ thuật VFF1

Ông Gede chưa phát huy hết vai trò giám đốc kỹ thuật trong hơn 4 năm ở Việt Nam

ẢNH: MINH HOÀNG

Ông Yusuke Adachi từng làm thầy của các cựu danh thủ Việt Nam

Ông Yusuke Adachi không phải gương mặt xa lạ bởi đã từng làm thầy các HLV như Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hữu Thắng, Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Đức Thắng, Hoàng Văn Phúc, Phan Thanh Hùng, Nguyễn Minh Phương, Nguyễn Văn Sỹ, Ngô Quang Trường, Lư Đình Tuấn… Năm 2017, ông Adachi làm giảng viên khóa học AFC Pro do AFC tổ chức tại Việt Nam và đồng hành với các HLV xuất sắc nói trên suốt 26 tháng trời. HLV Phan Thanh Hùng kể lại: “Ông Yusuke Adachi từng làm GĐKT Liên đoàn Bóng đá Hồng Kông. Một giảng viên rất giỏi, giàu nhiệt huyết và chúng tôi đã được ông truyền dạy rất nhiều kiến thức quý giá về phong cách huấn luyện chuyên nghiệp”.

Ông Yusuke Adachi không phải gương mặt xa lạ với bóng đá Việt Nam

VFF

Chia sẻ với Báo Thanh Niên, Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải nhấn mạnh: “Vị trí GĐKT của cả một nền bóng đá là vô cùng quan trọng. Chúng tôi thực sự mong muốn tân GĐKT không chỉ định hướng, xây dựng lộ trình phát triển dài hạn cho bóng đá Việt Nam mà còn lập được kế hoạch đào tạo xuyên suốt, mang tính vững bền cho các đội tuyển trẻ. Tôi đã được nghe Ban Tổng thư ký VFF báo cáo về năng lực của chuyên gia Nhật Bản - một giảng viên có thương hiệu của AFC. Như Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh phát biểu trên báo chí, trong giai đoạn phát triển mới, VFF sẽ dành sự ưu tiên lớn hơn đối với công tác đào tạo và phát triển bóng đá trẻ. Do vậy, vị trí GĐKT còn phải tham gia vào công tác hỗ trợ nâng cao chất lượng đào tạo bóng đá trẻ của các CLB, đặc biệt là công tác đào tạo lực lượng HLV bóng đá trẻ. Ông Park Hang-seo cũng đã được biết về sự hợp tác giữa VFF và chuyên gia Nhật Bản. Tôi tin tưởng giữa ông Park và HLV trưởng các đội tuyển trẻ khác tại Việt Nam sẽ cùng tân GĐKT tạo nên bộ máy thống nhất, đồng bộ, đưa bóng đá Việt Nam lên một tầm cao mới”.
Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia Nguyễn Sỹ Hiển nói: “GĐKT VFF phải xây dựng được hệ thống huấn luyện chung, thống nhất từ cấp độ đội tuyển cho đến các CLB, vừa phải phù hợp với cầu thủ Việt Nam nhưng vẫn phải theo kịp sự phát triển của bóng đá thế giới. GĐKT là cầu nối, tạo thành sợi dây xuyên suốt giữa các HLV các đội tuyển bóng đá Việt Nam. Cần có tiếng nói chung giữa GĐKT và các HLV thì quy hoạch tổng thể về sự phát triển của bóng đá Việt Nam mới có thể được thực thi một cách thuận lợi, đồng bộ. Những gì ông Jurgen Gede làm được hay chưa làm được, VFF cũng cần có sự đánh giá, tổng kết lại, nhằm rút ra những bài học cần thiết để sự hợp tác với tân GĐKT trong các năm tới đạt hiệu quả cao hơn”.
Quá trình thương thảo hợp đồng giữa VFF và ông Yusuke Adachi đang đi đến hồi kết. Chỉ còn một chút vướng mắc về những nhiệm vụ cụ thể mà ông Yusuke phải gánh vác trong 5 năm tới. Mức lương mà chuyên gia Nhật Bản được nhận mỗi tháng có thể vào khoảng 20.000 USD. VFF sẽ tự chi trả khoản tiền này. Ông Yusuke sẽ được bố trí ở tại khu biệt thự dành cho chuyên gia nước ngoài tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam (Hà Nội) - chính căn hộ mà ông Gede đang ở.
Cần kiên nhẫn và tạo cơ hội tốt cho giám đốc kỹ thuật
Mới đây, ông Gede đã thẳng thắn trả lời khi được hỏi phải chăng giữa ông và HLV Park Hang-seo có bất đồng nên ông phải ra đi: “Tôi gần như chưa từng làm việc hay tham gia vào ê kíp của ông Park. Tôi không làm việc cùng ông ấy, thì làm sao có chuyện bất đồng như người ta đồn thổi”. Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương nói: “GĐKT không bao giờ can thiệp vào công việc chuyên môn cụ thể của HLV trưởng như kiểu góp ý nên bố trí nhân sự trận đấu thế này, đấu pháp thế kia. Nhưng GĐKT hoàn toàn có thể ngồi lại với HLV Park Hang-seo hay HLV tuyển U.19 Philippe Troussier để cùng bàn bạc, thống nhất kế hoạch cho tương lai. Bóng đá Việt Nam nếu xác định đặt ra mục tiêu có mặt tại World Cup 2026 thì nhiệm vụ của tân GĐKT VFF sẽ khá nặng nề. Vòng loại World Cup 2026 sẽ thi đấu vào năm 2024, phải sớm bắt tay vào xây dựng lộ trình thì mới kịp có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất”.
Theo nguyên GĐKT CLB HAGL Nguyễn Văn Vinh, công việc của GĐKT là công việc của một người trồng cây - đôi khi cần 5 đến 10 năm mới cho trái ngọt. Cần tạo điều kiện để tân GĐKT tìm hiểu chủ trương của nhà nước và Chính phủ về hỗ trợ thể thao nói chung và bóng đá nói riêng. VFF và GĐKT cần thiết lập một chương trình nghiên cứu cấp quốc gia để các địa phương làm theo một cách thống nhất. Lộ trình phát triển bóng đá Việt Nam phải được xây dựng nhất quán, đồng bộ, có tính khả thi cao và điều này đòi hỏi GĐKT phải có tầm nhìn lớn, tư duy sắc bén và năng lực vượt trội.
Chủ tịch CLB SLNA Nguyễn Hồng Thanh cho biết: “Vai trò của GĐKT còn phải được gắn chặt với sự phát triển của bóng đá cộng đồng, bóng đá học đường, tạo ra những nền tảng vững chắc cho các trung tâm bóng đá chuyên nghiệp, các học viện bóng đá của các CLB… Muốn GĐKT không bị “cô đơn”, VFF phải luôn là người đồng hành, giúp ông ấy nhanh chóng thích ứng được với văn hóa Việt Nam. VFF cần chọn lựa những nhà chuyên môn như một tổ giúp việc đắc lực để GĐKT có thể sớm thấu hiểu bóng đá Việt Nam đã và đang còn thiếu những gì. Chúng ta cũng cần kiên nhẫn và nên cho GĐKT VFF một quỹ thời gian nhất định để nghiên cứu thật kỹ bức tranh toàn cảnh của bóng đá Việt”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.