(TNO) Mặc dù đang cố xây dựng vị thế “quốc gia lớn” cho xứng tầm với danh hiệu nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, nhưng cách đối xử với các nước nhỏ hơn của Trung Quốc có nguy cơ gây ra tác động xấu đến chiến lược toàn diện của nước này, AFP tổng hợp nhận định của các chuyên gia phương Tây.
|
Bắc Kinh đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Na Uy sau khi Ủy ban Nobel trao giải Nobel Hòa bình hồi năm 2010 cho Lưu Hiểu Ba, một nhà hoạt động nhân quyền đang bị cầm tù ở Trung Quốc, bất chấp việc Na Uy không hề kiểm soát quyết định của ủy ban này.
Chuyến lưu diễn Trung Quốc của Alexander Rybak, ngôi sao ca nhạc nổi tiếng Na Uy, đã bị hủy. Na Uy cũng bị gạt khỏi danh sách các quốc gia được hưởng chế độ miễn thị thực quá cảnh trong 72 tiếng tại Trung Quốc.
“Chiến thuật “bắt nạt” mà Trung Quốc vận dụng, đặc biệt là nhằm vào các quốc gia nhỏ như Na Uy, là đặc trưng của tính cách gây hấn thụ động”, AFP dẫn lời ông Phil Mead, một doanh nhân người Anh chuyên hỗ trợ các công ty Trung Quốc làm ăn tại thị trường châu u.
Điều này khiến Bắc Kinh “trông nhỏ mọn và thù vặt trong mắt thế giới”, ông Mead cho hay. Nhưng Na Uy không phải là quốc gia duy nhất bị Trung Quốc “bắt nạt”, theo AFP.
Bắc Kinh, vốn có tranh chấp chủ quyền với Philippines, ban đầu đã hỗ trợ cho đảo quốc này vỏn vẹn 100.000 USD tiền khắc phục hậu quả siêu bão Hải Yến hồi tháng 11.2013, theo AFP.
Sau khi bị cộng đồng quốc tế lên án, Trung Quốc đã tăng viện trợ lên 1,8 triệu USD và điều một tàu bệnh viện sang Philippines. Tuy nhiên, khoản viện trợ này vẫn không thấm vào đâu so với mức viện trợ nhân đạo 30 triệu USD của Nhật, 20 triệu USD của Mỹ, thậm chí còn không sánh được với viện trợ từ một số công ty.
Một năm trước đó, cũng sau một vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo, Trung Quốc đột nhiên ban hành một lệnh cấm nhập chuối từ Philippines, nói rằng phía Trung Quốc phát hiện sâu bọ trong các chuyến hàng vận chuyển.
Hàng tấn chuối bị héo khô tại các bến cảng của Trung Quốc và Philippines vì lệnh cấm này, gây thiệt hại lên đến khoảng 23 triệu USD, theo AFP.
Hiệu ứng Đạt Lai Lạt Ma
Các chuyên gia cho biết sự đe dọa từ Trung Quốc có thể được kích hoạt từ nhiều vấn đề riêng biệt, chẳng hạn như thông qua mối quan hệ với nhà sư Tây Tạng lưu vong Đạt Lai Lạt Ma.
Ông James Reilly, một giáo sư về chính trị Đông Bắc Á tại Trường đại học Sydney (Úc), chuyên nghiên cứu về các lệnh cấm đơn phương của Bắc Kinh, nhận xét rằng Trung Quốc chú ý đặc biệt đến các chuyến thăm của Đạt Lai Lạt Ma.
Vào năm 2010, các nhà nghiên cứu Đức thậm chí còn phát hiện ra rằng các quốc gia có lãnh đạo gặp gỡ nhà sư lưu vong này sẽ hứng chịu sự giảm sút về lượng hàng xuất khẩu vào Trung Quốc, trung bình khoảng 12,5%, trong 2 năm sau đó.
Điều này khiến họ đưa ra một khái niệm được gọi tên là “Hiệu ứng Đạt Lai Lạt Ma”.
AFP trong bài tổng hợp cũng dẫn lại ý kiến phản bác của các chuyên gia Trung Quốc. Ông Qu Xing, người đứng đầu Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, bác bỏ nhận định cho rằng các chính sách của Trung Quốc sẽ làm phương hại đến hình ảnh của nước này trên toàn cầu.
Ông Qu Xing cho rằng “nhiều người tại Trung Quốc tin rằng chính sách đối ngoại của chúng tôi sẽ còn trở nên quyết đoán hơn nữa”.
Hoàng Uy
>> Trung Quốc đưa tàu 5.000 tấn tuần tra trái phép ở biển Đông
>> Tiết lộ chấn động vụ người thân lãnh đạo Trung Quốc trốn thuế
>> Trung Quốc tràn lan sách trẻ em nội dung bạo lực, khiêu dâm
>> Công ty quốc phòng phương Tây không tiếp khách Trung Quốc
>> Cảnh giác khi mua bánh trung thu Trung Quốc
>> Phát hiện đường dây nhập cư trái phép người Trung Quốc vào châu u
Bình luận (0)