(Tin Nóng) Máy bay chiến đấu Sukhoi cho Indonesia và Malaysia, tàu ngầm và tên lửa diệt hạm đáng sợ cho Việt Nam là những khía cạnh dễ thấy nhất về sự tham gia về quốc phòng ngày càng tăng của Nga với các nước ASEAN trước sự đe doạ của Trung Quốc, theo trang tin RBTH (Nga).
Tàu ngầm Kilo mang tên Hà Nội, chiếc tàu ngầm đầu tiên của Hải quân Việt Nam - Ảnh: Mai Thanh Hải
|
Theo bài viết trên RBTH ngày 19.2, các công ty quốc phòng Nga đang tìm cơ hội từ việc ASEAN tăng chi tiêu quốc phòng trước mối đe doạ của Trung Quốc.
Nga tìm cơ hội từ nhu cầu quốc phòng của ASEAN
Các nhà quan sát phương Tây thường xem Nga có vai trò mờ nhạt ở khu vực Đông Nam Á, tuy nhiên họ đã lầm khi gần đây Nga đang tăng cường quan hệ quốc phòng với khu vực này. Nga đang cung cấp các vũ khí hiện đại nhất cho các nước ASEAN, theo RBTH.
Năm 1997, Nga đã có bước đột phá khi cung cấp tên lửa phòng không vác vai Igla cho Singapore, một đồng minh thân cận của Mỹ. Nga đã phát triển quan hệ quốc phòng với Thái Lan và cung cấp trực thăng vận tải Mi-17 và gần đây là đàm phán bán xe tăng T-90.
Khi chi tiêu quốc phòng của các nước ASEAN tăng vọt, các nhà sản xuất vũ khí của Nga đã chuyển trọng tâm vào những cơ hội mới này. Các hệ thống vũ khí của Nga có danh tiếng vững chắc là có hiệu quả trên chiến trường, cộng với giá rẻ hơn so với vũ khí tương tự của phương Tây. Máy bay chiến đấu, tên lửa, tàu chiến và các hệ thống phòng không của Nga đang tham chiến ở Syria sẽ thúc đẩy sự quan tâm các hệ thống này trong những năm tới.
ASEAN đang nằm dưới cái bóng của sức mạnh quân sự Trung Quốc. Bằng sự kết hợp của thái độ quân sự và ngoại giao hung hăng, Trung Quốc đang cố gắng mang các nước này đến bàn đàm phán. Nhưng trong khi Bắc Kinh nắm giữ tất cả các quân bài, giải pháp nào đạt được tại thời điểm này sẽ chỉ có lợi cho Trung Quốc. Các nhà quan sát khu vực do đó cho rằng một ASEAN vũ trang mạnh mẽ với sự hỗ trợ từ các cường quốc như Nga mới có thể đảm bảo an ninh của khu vực. Càng tăng cái giá cho Bắc Kinh (phải trả) thì sẽ làm giảm đáng kể các mối đe dọa xâm lược của Trung Quốc, theo RBTH.
Hệ thống tên lửa diệt hạm Bastion của Đoàn 681 trong tư thế sẵn sàng chiến đấu - Ảnh: Quế Hà |
Vũ khí Nga giúp Việt Nam tạo sức răn đe với Trung Quốc
Tháng 12.2015, chuyên gia Ian Storey của Viện nghiên cứu Đông Nam Á đưa ra nghiên cứu về trường hợp Việt Nam đã đạt được sự phòng thủ hợp lý với sự hỗ trợ của Nga. Theo ông Storey, “Khi căng thẳng trên Biển Đông gia tăng vào các năm 2007 – 2008, Việt Nam đã thúc đẩy việc hiện đại hóa các lực lượng vũ trang, đặc biệt là hải quân và không quân. Nga đã cung cấp 90% vũ khí nhập khẩu của Việt Nam, bao gồm 6 tàu ngầm lớp Kilo, 6 tàu hộ tống tên lửa lớp Gepard, sáu tàu tên lửa lớp Tarantul (Molnyia, được đóng tại Việt Nam), sáu tàu tuần tra lớp Svetlyak, 32 máy bay chiến đấu Su-30 và các hệ thống tên lửa phòng không”.
Cũng theo nghiên cứu của ông Storey, "Vũ khí của Nga đã cung cấp cho Việt Nam sức răn đe tuy có hạn chế nhưng mạnh mẽ chống lại Trung Quốc, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho hải quân Trung Quốc nếu xung đột nổ ra ở Biển Đông. Mặc dù gần đây Mỹ có dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam, Nga dường như vẫn được Việt Nam lựa chọn là nhà cung cấp vũ khí do mối quan hệ lâu dài giữa hai nước và vì vũ khí của Nga là rẻ hơn".
Thay đổi nhận thức
Sự gia tăng của quan hệ đa cực cũng thuận lợi cho lợi ích của Moscow. Hai tác giả William Kucera và Eva Pejsova của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đương đại (Bangkok, Thái Lan) trong cuốn sách “Nga, đối tác thầm lặng ở Đông Nam Á” xuất bản năm 2012 giải thích quan hệ đối tác chiến lược Nga - Malaysia rằng lợi ích của Malaysia trong việc kết nối với Nga có thể được truy trở lại vào những năm 1970. Thời Thủ tướng Mahathir Mohamed cầm quyền (từ 1981 đến 2003), Malaysia chuyển từ chính sách cởi mở thân phương Tây sang chính sách trung lập không liên kết, tìm kiếm đối tác mới và đa dạng hóa các nguồn hợp tác kinh tế với các nước ngoài phương Tây.
Máy bay Su 30MK2 của Không quân Việt Nam chuẩn bị cất cánh trong đêm. Nga đang cung cấp loại chiến đấu cơ hiện đại này cho nhiều nước Đông Nam Á - Ảnh: Bạch Dương |
Ngày nay, lo ngại về thời hậu chiến tranh lạnh với hệ thống thế giới đơn cực do Mỹ chi phối, chính quyền Malaysia chọn việc tái cân bằng sự phân bổ quyền lực của khu vực bằng cách hỗ trợ gia tăng cho sức mạnh phi phương Tây.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại một diễn đàn khu vực năm 2010 đã nói rằng "Các nước ASEAN đánh giá cao vai trò của Nga trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, vì họ coi Nga như một yếu tố của sự ổn định chiến lược và phát triển kinh tế bền vững".
Theo bà Elena S. Martynova (Trường kinh tế thuộc Đại học nghiên cứu quốc gia ở Moscow), ASEAN không coi Nga là mối đe doạ về kinh tế hay quân sự, do đó Nga có vai trò ở khu vực Đông Nam Á như một đối tác đáng tin cậy và có trách nhiệm, hợp tác chân thành với tất cả các nước mà không có đối đầu hay mang tư tưởng định kiến.
Tác giả Rodolfo C. Severino viết trên tạp chí Nga, ASEAN và Đông Á rằng ASEAN không nên quên rằng ở bất cứ dạng nào, Nga là cường quốc về sức mạnh quân sự, chính trị, những tiến bộ trong khoa học và công nghệ, và có tầm chiến lược quan trọng, có ảnh hưởng quan trọng trên hầu hết các vấn đề liên quan đến Đông Nam Á.
Trong bối cảnh sự căng thẳng đang leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ, và sự leo thang chiến tranh uỷ nhiệm Nga - Mỹ, sự tham gia của Nga với ASEAN sẽ càng phát triển.
Bài báo kết thúc với việc trích dẫn câu nói của Lenin: “Hãy quay sang châu Á. Phương Đông sẽ giúp chúng ta chinh phục Phương Tây”.
Anh Sơn
>> Nga giao 2 chiếc tiêm kích Su-30MK2 cuối cùng cho Việt Nam
>> Báo Nga: Trung Quốc đối mặt tên lửa tàu ngầm Nga ở Biển Đông
>> Xem đặc nhiệm Nga luyện tập đánh du kích ở Việt Nam
>> Sức mạnh quân sự Việt Nam đứng thứ 21 thế giới
>> Đội tàu ngầm Kilo Việt Nam hình thành theo năm tháng
Bình luận (0)