Chuyên gia: Số ca kỷ lục tại Hà Nội, nguy hiểm là tâm lý 'ai rồi cũng F0'

Mai Hà
Mai Hà
22/02/2022 12:59 GMT+7

Số ca mắc mới liên tục lập kỷ lục khiến số F0 Hà Nội tăng vọt theo ngày. Theo chuyên gia y tế, việc chuyển từ sợ Covid-19 sang tâm lý chủ quan “ai cũng có thể là F0” rất nguy hiểm.

F0 “nổ như pháo hoa”

Chị Trang (P.Ngã Tư Sở, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, tuần trước chồng chị phát hiện dương tính với Covid-19, đã thực hiện cách ly ngay với vợ con. “Nhà có con nhỏ nên tôi rất cẩn thận, test liên tục cả test nhanh lẫn PCR, chồng cũng cách ly không ở cùng vợ con, nhưng không hiểu nguồn từ đâu cuối cùng tôi vẫn “2 vạch”. Bảo lây ai bây giờ cũng không biết vì xung quanh cơ quan hay người thân cũng rất nhiều F0”, chị Trang cho biết.

Một người dân tại Q.Nam Từ Liêm (Hà Nội) vừa test dương tính Covid-19 sáng nay

B.N

Tương tự, chăm con trai là F0, dù đã khẩu trang cẩn thận nhưng chị Nguyệt (H.Hoài Đức, Hà Nội) vẫn “dính” Covid-19. Dù test liên tục, thực hiện đầy đủ quy tắc 5K, nhưng cuối tuần thấy người đau ê ẩm, sốt nhẹ, khan họng, chị test lên thì dương tính.

Cũng theo chị, con trai chị F0 đã 5 ngày, dù khai báo với y tế xã rồi nhưng ngoài việc nhận được tin nhắn thông báo đã nhập dữ liệu lên hệ thống phần mềm F0, thì chưa thấy hướng dẫn hỗ trợ nào từ y tế hay túi thuốc.

“Có cảm giác như số ca quá đông nên y tế cũng buông xuôi, hoặc không đủ nhân lực để hỗ trợ. Nhưng gia đình tôi và nhiều người tôi quen giờ cũng có tâm lý không trông đợi vào y tế nữa mà tự điều trị”, chị Nguyệt cho hay.

Vừa báo khống giá kit test Covid-19, chủ tiệm thuốc Hà Nội bỗng 'mất trí nhớ' khi bị kiểm tra

May mắn vẫn chưa mắc, song chị Thanh (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) vô cùng hoang mang khi cơ quan chị lần lượt “nổ” F0. “Cả cơ quan có gần 300 nhân sự mà đến hôm nay đã "nổ" hơn 40 F0, nhưng cơ quan tôi vẫn chưa cho làm việc ở nhà mà yêu cầu đến công ty. Bây giờ không biết ai F0, ai F1 mà tránh, đeo khẩu trang nhưng ngồi trong phòng làm việc điều hoà kín mít, không biết thế nào mà lần”, chị Thanh lo lắng.

Trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều người tỏ ra lo lắng vì “F0 nổ như pháo hoa”, ngày nào cũng nhận được tin “2 vạch” từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Song cũng nhiều người có tâm lý buông xuôi “đằng nào cũng đến lượt mình, ai rồi cũng là F0 dự bị”.

“Sống chung” với Covid-19 sao cho an toàn?

Mỗi ngày ghi nhận trung bình 4.500 - 5.500 ca, nhiều F0 thậm chí không khai báo mà tự điều trị, theo TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), số liệu thống kê của Hà Nội là 5.000 ca/ngày thì thực tế phải cao hơn nhiều, vì rất nhiều F0 chưa phát hiện ra hoặc không khai báo. Dịch đã lan sâu trong cộng đồng, không chỉ nhiễm ngoài xã hội, công sở, nơi đông người mà đang lây lan nhanh nhất trong từng gia đình.

Hà Nội hiện có hơn 3.200 bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch đang điều trị

đậu tiến đạt

“Với tốc độ lây lan nhanh như hiện nay thì thực tế dần dần sẽ nhiễm hết. Xu hướng của chúng ta là sống chung, thích ứng với dịch. Ở một số nước như Anh thậm chí đang có xu hướng không cách ly F0, F0 vẫn đi làm việc, đi siêu thị bình thường. Chúng ta chọn sống chung với dịch như thế nào cho an toàn là điều phải tính đến”, ông Nga nêu vấn đề.

Cũng theo chuyên gia này, dù rất khó ngăn được con số lây nhiễm như hiện nay, nhưng người dân vẫn phải tuân thủ tuyệt đối 5K. “Người dân nào thực hiện tốt 5K tuyệt đối vẫn có thể tránh được lây nhiễm. Cái khó là có thể 5K ngoài đường, nhưng về đến nhà sinh hoạt ăn uống với người thân không lẽ cũng 5K”, ông Nga nói.

Theo TS Nga, những ai không thực hiện 5K nguy cơ lây nhiễm rất cao, vì F0 hiện nay có thể nói nhiều hơn F1. Đa số người nhiễm triệu chứng nhẹ, vì thế khi lây nhiễm cần bình tĩnh, không nên quá lo lắng. Trước thực tế người dân rất khó liên hệ hoặc được hỗ trợ tư vấn từ y tế phường, ông Nga cho rằng, số ca quá đông nên hệ thống y tế phường, xã đã quá tải. Người dân nên tự bảo vệ bằng cách đọc kỹ hướng dẫn chi tiết điều trị của Bộ Y tế đã đăng công khai trên trang web, tìm một bác sĩ để gọi điện xin tư vấn...

“Tỷ lệ người bệnh nhẹ vẫn cao hơn, nên lựa chọn hiện nay với ngành y tế là tập trung điều trị cho bệnh nhân nặng tầng trên. Dù vậy phải tuyên truyền sâu rộng để người dân biết cần sử dụng những thuốc gì trong điều trị F0 tại nhà, hoặc đâu là dấu hiệu chuyển nặng, nguy hiểm để vào viện. Cần bảo vệ những đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, người chưa tiêm đủ vắc xin, người có bệnh nền, trẻ em nhưng có bệnh nền. Song cũng không thể “buông xuôi” cho những F0 còn lại tự chiến đấu với Covid-19, mà Hà Nội cần có hướng dẫn chi tiết, tuyên truyền về các cách điều trị tại nhà cho tốt, hoặc lập ra các nhóm bác sĩ tư vấn tình nguyện trên mạng xã hội hoặc qua hotline để hỗ trợ người dân”, ông Nga khuyến cáo.

Đồng thời, chuyên gia này cũng cho rằng, nhiều F0 không khai báo hoặc không biết mình là F0 vẫn đi làm và tiếp xúc với nhiều người, rất nguy hiểm vì là nguồn phát tán F0 ra cộng đồng. “Ý thức mỗi người là rất quan trọng, với những người đi lại nhiều, tiếp xúc với nhiều người nên test để bảo vệ bản thân và bảo vệ những người xung quanh”, TS Nga nêu.

Theo thống kê, chỉ riêng tuần từ 14.2 đến 20.2, Hà Nội ghi nhận hơn 29.700 ca mắc mới Covid-19. Tổng số người bệnh được chữa khỏi từ đầu đợt dịch là hơn 122.000, nhưng toàn thành phố vẫn đang quản lý, điều trị hơn 78.000 ca. Trong đó, chủ yếu bệnh nhân thể nhẹ hoặc không triệu chứng được điều trị ở tầng 1 (hơn 95%), 3,37% đang điều trị ở tầng 2 (2.640 người) và chỉ có 0,79% đang điều trị ở tầng 3 (612 người).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.