Chuyên gia: Thuốc giải độc botulinum dùng càng sớm càng tốt

Lê Cầm
Lê Cầm
25/05/2023 16:50 GMT+7

6 lọ thuốc giải độc botulinum (BAT) được WHO hỗ trợ khẩn cấp về Việt Nam, phân bổ cho Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), tuy nhiên vì nhiều lý do, hiện thuốc vẫn chưa được sử dụng.

Ngày 25.5, bác sĩ Trương Thị Ngọc Phú, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết hiện kho dược của bệnh viện đã tiếp nhận bảo quản 3 lọ thuốc giải độc botulinum hồi tối 24.5.

"3 lọ thuốc trên được phẩn bổ về cho bệnh viện do có 3 ca bệnh nhi đang điều trị tại đây. Hiện 1 ca đã ổn định sức khỏe, còn 2 ca đang thở máy. Việc có sử dụng thuốc giải độc BAT sẽ phải hội chẩn với các chuyên gia tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Tuy nhiên, thông thường thuốc giải độc BAT cần được truyền sớm để trung hòa độc tố, ngăn chặn tiếp hợp với điểm thần kinh cơ", bác sĩ Phú chia sẻ.

Xem nhanh 20h ngày 25.5: Biện pháp phòng ngộ độc botulinum | Bí ẩn ngôi làng trường thọ xứ Huế

Chuyên gia: Thuốc giải độc bolutinum tốt nhất dùng càng sớm càng tốt - Ảnh 1.

Một bệnh nhân ngộ độc botulinum điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy

BVCR

Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Văn Ân, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết thuốc giải độc botulinum tốt nhất dùng càng sớm càng tốt để ngăn bệnh diễn tiến nặng.

Theo bác sĩ Ân, nếu bệnh nhân có diễn tiến tốt mà không cần thuốc giải độc BAT thì bác sĩ sẽ cân nhắc có dùng hay không vì đây là thuốc quý hiếm. Nếu bệnh nhân diễn tiến nặng vẫn còn cơ hội thì việc dùng thuốc càng sớm sẽ càng tốt.

Cũng trong ngày 25.5, theo đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy đơn vị này đã tiếp nhận 2 lọ thuốc giải độc BAT. Tuy nhiên hiện đã quá thời gian chỉ định dùng thuốc cho 2 bệnh nhân, nên số thuốc này chưa được sử dụng.

Chuyên gia: Thuốc giải độc bolutinum tốt nhất dùng càng sớm càng tốt - Ảnh 2.

Một lọ thuốc giải độc BAT

BVCR

Theo TS-BS Lê Quốc Hùng, Truởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, một trường hợp ngộ độc botulinum sử dụng thuốc BAT sớm thì chỉ trong vòng 48 đến 72 tiếng là bệnh nhân có khả năng thoát khỏi tình trạng bị liệt, và cũng không phải đưa tới tình trạng phải thở máy. 

Bệnh nhân 45 tuổi tử vong trước khi được truyền thuốc giải

Sáng 25.5, thông tin từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, người đàn ông 45 tuổi (ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM), một trong 6 bệnh nhân ngộ độc botulinum đang điều trị tại TP.HCM đã tử vong vào tối 24.5.

Người bệnh xác định chẩn đoán ngộ độc botulinum type A là một trong những type rất nặng, hội chẩn với các chuyên gia về ngộ độc nhận định nguy cơ tử vong cao.

Vào lúc 20 giờ ngày 24.5, Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã tiếp nhận lọ thuốc giải độc tố botulinum cho người bệnh từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Nhưng trước đó, người bệnh suy hô hấp phải thở máy, sụp mi, yếu tứ chi, cơ hô hấp, sốt cao liên tục không đáp ứng thuốc hạ sốt, kèm mạch nhanh và huyết áp tụt dần. Đây là biến chứng nặng do độc tố đã ảnh hưởng đến hệ thần kinh tự chủ, bệnh nhân được hồi sức tích cực chuyên sâu, nhưng không đáp ứng điều trị và tử vong.

Đây là một trong 3 ca bị ngộ độc botulinum cùng với hai anh em ruột đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.