Đó là câu nhận xét của bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Trẻ em Vị thành niên (CSAGA) với chúng tôi về bạo lực giới.
Cảnh báo của bà Vân Anh khiến nhiều người giật mình bởi lẽ trong thiên tai, thảm họa: vật chất, tinh thần là thứ tổn thương sâu sắc nhất. Thế nhưng đi kèm với "cơn bão thiên nhiên" nghĩa đen, bà Vân Anh đặc biệt quan tâm về chuyện "bão bạo lực giới" sau thiên tai.
Ngày "Phụ nữ Việt Nam" (20.10) đang đến gần và sau trận thiên tai thảm họa cách đây không lâu tại các tỉnh phía Bắc, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Vân Anh, một chuyên gia về giới về một cảnh báo mới về bạo lực giới xảy ra với phụ nữ và trẻ em.
Với tư cách là một chuyên gia nghiên cứu về giới, bà thấy có những vấn đề nào còn tồn tại về công tác cứu trợ hiện nay khi thiên tai, thảm họa xảy ra, đặc biệt là liên quan đến phụ nữ và trẻ em?
Bà Nguyễn Vân Anh: Hiện nay, tại Việt Nam, chưa có một nghiên cứu cụ thể về "Bạo lực giới trong thiên tai, thảm họa đối với phụ nữ và trẻ em gái", để có những chỉ dẫn cụ thể cho người dân trong điều kiện thực tế hiện nay.
Theo nghiên cứu, có những nơi trên thế giới đã tăng tới 300% tình trạng bạo lực giới sau thiên tai, thảm họa. Ví dụ như khi sơ tán khẩn cấp, nơi sơ tán sẽ rất chật chội, sẽ có rất nhiều bất tiện như các nhà vệ sinh, nhà tắm không có cửa, không che chắn kỹ - và đây là cơ hội cho những kẻ có ý đồ xấu. Hay ngay trong công tác cứu trợ, các chuyên gia cũng nhận thấy điều này tiềm ẩn sự mất cân bằng quyền lực giữa người trao và nhận cứu trợ, dẫn đến việc ưu tiên hay thậm chí là lạm dụng phụ nữ và trẻ em.
Ngoài ra, với tình trạng mất việc làm, mất thu nhập, mất nhà cửa khi thiên tai xảy ra, những người gây ra bạo lực gia đình còn có thể tiếp tục gây áp lực lên những người bị bạo lực.
Đặc biệt, tình trạng bạo lực trên cơ sở giới hay cụ thể là hành vi buôn bán phụ nữ và trẻ em. Thời điểm sau thảm họa thiên tai, việc mất thu nhập hay ốm đau bệnh tật, nhà cửa tan hoang, chính là cơ hội để những kẻ xấu "tìm kiếm nguồn hàng" của trong bối cảnh này. Nỗi đau của người này rất có thể là "cơ hội kiếm tiền của kẻ khác", khiến cho tình trạng bạo lực trên cơ sở giới có khả năng cao xảy ra.
Trên thế giới, các chuyên gia đã nghiên cứu và thống kê sự cầu cứu của nạn nhân trong tình trạng thiên tai thảm họa tăng lên tới hơn 60%. Bởi vậy, Việt Nam cũng cần xây dựng hệ thống dữ liệu này để có căn cứ đưa ra những cảnh báo phù hợp; đồng thời xây dựng các nguồn thông tin về cơ sở vật chất và hình thức sơ tán để đưa ra các bộ chỉ số hướng dẫn trước và trong khi thiên tai, thảm họa xảy ra.
Ngoài ra, trong thời kỳ thiên tai thảm họa, các nạn nhân bị bạo lực có tâm lý rất dè chừng trong việc kêu gọi giúp đỡ do tâm lý nghĩ rằng nhiều người còn khó khăn hơn mình. Hệ thống hỗ trợ dịch vụ vào thời điểm đó rất "tập trung" cho việc hỗ trợ thiên tai thảm họa thay vì hoặc "quên đi" những vấn đề bạo lực. Bởi vậy, khả năng bị bạo lực trong thiên tai, thảm họa sẽ cao hơn, kéo theo nhiều hậu quả trầm trọng.
Việt Nam hiện nay vẫn chưa xây dựng nguồn cơ sở dữ liệu và những con số thống kê cụ thể cho tình trạng này, chỉ có bộ hướng dẫn phòng chống thiên tai, thảm họa áp dụng chung chứ chưa được áp dụng cụ thể cho đối tượng yếu thế trong xã hội là phụ nữ và trẻ em.
Ở thế hệ trước, vấn đề bạo lực giới thường bị "bỏ quên". Vậy hiện nay, bà nhận xét gì về tình trạng bạo lực giới được nhận diện ra sao trong các tình huống thiên tai, thảm họa, đặc biệt là sau thảm họa ở miền Bắc vừa qua?
Bà Nguyễn Vân Anh: Có thể thấy, tình trạng bão lụt tại Việt Nam xảy ra hằng năm. Về mặt tích cực, chúng ta có thể thấy: "Dân mình rất thương nhau". Cả đất nước luôn hướng tấm lòng về những vùng bão lũ xảy ra để san sẻ với những người thiệt thòi. Đây là một niềm tin, cảm xúc rất tích cực.
Tuy nhiên, lắng lại một chút để nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại: có những chiếc xe cứu trợ bị lật; có những người đi cứu trợ đã hy sinh; có nhiều đồ cứu trợ bị ùn ứ, hư hỏng, không thể sử dụng được hay việc phân bổ chỗ "thừa" chỗ "thiếu". Tất cả những vấn đề này cần được giải quyết và xử lý bởi một đầu mối chuyên nghiệp, nên quy về một đầu mối để phân phối tiền và hàng cứu trợ. Kể cả việc giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới cũng cần đặt ra vấn đề "chuyên nghiệp". Chứ không thể xảy ra chuyện một người "không biết bơi" mà lại "nhảy xuống sông" cứu người khác.
Đây là hình ảnh tiêu biểu trong vấn đề cứu trợ hiện nay. Cần làm rõ ràng điều này để việc cứu trợ được hiệu quả và không gây thêm rắc rối cho địa phương và những người bị nạn. Thực trạng hiện nay, Việt Nam năm nào cũng có bão lũ, nhưng những vấn đề này vẫn lặp đi lặp lại, nên cần có một cơ chế chung.
Theo bà, giải pháp nào cho những vấn đề còn tồn tại, để bảo vệ nhóm người yếu thế như phụ nữ và trẻ em trong hoàn cảnh này?
Bà Nguyễn Vân Anh: Theo tôi, cần có một nhóm cứu trợ cho đối tượng cụ thể là phụ nữ và trẻ em nói riêng cho từng địa phương. Cùng với đó là một bộ chỉ dẫn về cách hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực giới trong thiên tai, thảm họa và các tình huống khẩn cấp. Ví dụ, nếu xảy ra các tình huống khẩn cấp như bạo lực giới trong thiên tai, thảm họa đó thì nên gọi cho cơ quan nào tại địa phương? Hay những lúc thiên tai như vậy, cũng cần những lều tạm lánh khẩn cấp dành riêng cho phụ nữ và trẻ em!
Tôi nghĩ rằng, nếu có những "lều" khẩn cấp cho những người bị ốm, bị thương, thì cũng cần có những "lều" khẩn cấp dành cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực khi thiên tai xảy ra, bởi điều này đều liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người. Đồng thời, tại nơi khám bệnh cũng cần có đủ đội ngũ y bác sĩ cho vấn đề này, đặc biệt là về vấn đề nhạy cảm giới.
Tại Việt Nam, theo Báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 (do Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Tổng cục Thống kê thực hiện với hỗ trợ của Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc/UNFPA), thì 62,9% phụ nữ ít nhất đã từng xảy ra 1 tình trạng, trạng thái hay hình thức bạo lực trong cuộc đời của họ. Đây là một tỉ lệ rất lớn, đặc biệt trong tình trạng xã hội xảy ra những thiên tai, thảm họa. Ví dụ như đợt dịch COVID-19, khi mọi người phải đối diện với nhau nhiều hơn, cùng lúc với nhiều loại áp lực xã hội như về kinh tế, công việc,.. thì tình trạng bạo lực trong thiên tại, thảm họa càng có nguy cơ tăng lên rất nhiều.
Còn sau thảm họa vừa rồi, theo tôi vấn đề duy nhất được quan tâm là những người được cứu sống, lương thực, nhà cửa hay tài sản,... Thế nhưng, còn một thứ nữa cũng nguy hiểm không kém như nạn buôn người, đánh đập, trộm cắp,... cũng đều có thể dẫn đến hậu quả nặng nề. Tôi nhớ trong đợt dịch COVID-19, từng có một nạn nhân kể với chúng tôi (qua Hotline tư vấn miễn phí về Bạo lực Giới - Bạo lực Gia đình của Trung tâm CSAGA chúng tôi 024 3333 55 99): "Tôi bị đánh thì thôi tôi cứ chạy ra khỏi nhà, kể cả nếu bị lây bệnh, vì lây bệnh chưa chắc đã chết, nhưng nếu tiếp tục bị đánh có thể tôi sẽ chết lập tức!".
Đây là những câu chuyện có thật trong thời kì dịch bệnh, tuy nhiên trong bão lũ, tôi chưa nghe những câu chuyện như vậy. Tuy vậy, chúng ta cũng nên nhìn vào các nước trên thế giới và nhìn vào hiện trạng COVID, để có sẵn cảnh báo và phòng ngừa từ bây giờ.
Chung quy lại, về giải pháp, tôi cho rằng tất cả các địa phương đều nên có 1 bộ hướng dẫn về việc phòng chống bạo lực trên cơ sở giới trong tình huống khẩn cấp, thảm họa, thiên tai. Sau đó nếu thiên tai xảy ra, tôi hy vọng nó có thể được áp dụng ngay lập tức. Để nếu trong 100 ngôi "lều" khẩn cấp, tôi mong muốn có 1 ngôi "lều" tạm lánh cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực trong tình trạng thiên tai!
Bà có đã kế hoạch gì để nâng cao nhận thức về vấn đề này?
Bà Nguyễn Vân Anh: Tôi và CSAGA vừa tổ chức một talkshow mang tên "Bên kia mắt bão" vào tháng 9 vừa qua, nơi chúng tôi thảo luận sâu hơn về vấn đề này. Tôi tin rằng trong mỗi trận bão, không chỉ có một loại bão – "bão thiên nhiên" – mà còn có một loại bão khác: "bão bạo lực", và bất kì ai cũng có thể là nạn nhân của 2 cơn bão này!
Trong bão lũ có rất nhiều loại "an toàn" mà chúng ta phải đề cập tới để được "sống sót", đó là: an toàn để làm sao không bị chết đuối, an toàn để không bị cây hay nhà đổ sập vào người, và cả an toàn để không bị bạo lực. Tôi hy vọng rằng chương trình này sẽ giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về những nguy cơ này và có các biện pháp ứng phó kịp thời và hiệu quả.
Xin cảm ơn bà!
Bình luận (0)