Ngày 5.6, hai giá trồng rau từ đất liền đã đến với đảo Tốc Tan B thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Mỗi giá là một khung sắt có chiều ngang 30 cm, chiều dài 1 mét, trên đó gắn 4 khay (bằng inox). Kèm món quà trên là 8 kg hạt giống rau muống, cải củ, cát, bóng đèn, mấy bịch phân bón nhỏ… nhằm duy trì việc trồng rau trong nhiều tháng liền.
|
Anh Trịnh Quang Vinh - Ban cán sự Đoàn ĐH Quốc gia TP.HCM cho hay: Cách thức trồng rau này rất đơn giản, dễ thực hiện. Đối với cải củ, thời điểm phù hợp nhất để thu hoạch là sau khi gieo hạt 6 - 7 ngày. Còn với rau muống là sau 9 ngày. Theo đó, mỗi khay trồng có thể cho ra 1,3 kg rau, tương đương hơn 5 kg/khung/lần. Mỗi đợt trồng thường thu hoạch dứt điểm một lần và có thể sử dụng từ rễ đến ngọn. Những đợt tiếp theo có thể thay cát đồng thời bổ sung một ít phân bón. Vào mùa mưa bão, các khung giàn gọn nhẹ này được chuyển vào nhà và bật đèn cho cây quang hợp, với thời gian từ 3 - 7 tiếng đồng hồ/ngày (vào bất kỳ giờ nào, tùy vào điều kiện sinh hoạt trên đảo). Nếu không thể sử dụng điện thì chuyển sang chế độ trồng rau mầm.
Theo anh Vinh, công trình thanh niên ĐH Quốc gia TP.HCM “Vì biên giới hải đảo” này vốn là sản phẩm của một tập thể nghiên cứu. Anh Vinh cho biết cách đây hơn 1 năm, nhóm đã cử người ra khảo sát trực tiếp điều kiện thời tiết ở Trường Sa. Tiếp đó, nhóm tiến hành nhiều lần thí nghiệm trồng trong căn phòng không có ánh nắng, mô phỏng như đang ở tại một hòn đảo trong mùa mưa bão. Những tác giả trẻ này cũng từng có dịp trồng thử tại Trường Sa và nhận thấy rau sinh trưởng khá tốt.
Trong hai ngày 3 và 5.6, công trình thanh niên này lần lượt triển khai tại đảo Đá Đông và đảo Tốc Tan. Trước đó, hai đảo Đá Lớn và Đá Tây cũng đã tiếp nhận các giàn trồng rau sạch cùng nguyên vật liệu kèm theo.
Ngay sau khi tiếp nhận hệ thống trồng rau sạch nói trên, đại úy Nguyễn Trọng Khánh - phụ trách hậu cần của đảo Đá Đông C nhanh chóng rải cát và gieo hạt cải củ vào các khay, cho kịp tuần sau có rau tươi cải thiện bữa ăn. “Vào mùa mưa bão, rau xanh trên đảo rất khan hiếm. Chúng tôi thường xuyên ủ giá đậu hoặc dùng dưa leo, măng cải chua... Theo tôi, những giàn trồng rau này chiếm ít diện tích, lại cơ động vì có thể mang vào nhà trồng trong mùa mưa. Vì thế, nó có nhiều lợi thế so với mảnh vườn hằng ngày chúng tôi vẫn trồng bên ngoài” - đại úy Khánh nhận xét.
Chứng kiến việc chuyển giao kỹ thuật trồng rau nói trên, anh Nguyễn Mạnh Dũng - Bí thư T.Ư Đoàn, trưởng đoàn hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” đã ghi nhận đóng góp của nhóm tác giả, đồng thời kêu gọi sự tham gia của lực lượng nghiên cứu trẻ trên toàn quốc nhằm cải thiện, mở rộng quy mô trồng rau xanh trên các đảo cho cán bộ, chiến sĩ Trường Sa.
Như Lịch
>> Vì biển đảo quê hương
>> Nhiều sự kiện trong tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam
>> Đem mưa đến Trường Sa
>> Dựa Trường Sa vượt bão giông
>> Khởi động đợt 2 chương trình Tri ân liệt sĩ Gạc Ma
>> Thuyền trưởng và tàu cá lớn nhất miền Trung
>> Bộ đội Trường Sa cấp cứu ngư dân bị cá mũi lê đâm
>> Hành trình doanh nhân ra biển, sinh viên ra đảo
>> Thanh Niên mở chuyên mục Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam
Bình luận (0)