Xây dựng dưới triều Nguyễn, bắt đầu từ năm 1805 đến 1812 thì xong, Cột cờ Hà Nội nay là công trình còn nguyên vẹn và hoành tráng nhất trong quần thể di tích Hoàng thành Thăng Long. Hiện tại, Cột cờ Hà Nội là di tích lịch sử, văn hóa do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội quản lý, nhưng vì nằm trong khuôn viên của Bảo tàng LSQSVN nên công việc trông nom hằng ngày được giao cho đơn vị này.
Cột cờ Hà Nội ngày nay nằm bên đường Điện Biên Phủ, với những cây xà cừ cổ thụ mọc xung quanh và dưới chân là một vườn nhãn um tùm. Nhưng trong một bức ảnh được chụp vào năm 1890 bởi Louis Sadoul, một sĩ quan quân y Pháp, khu vực vườn hoa Tượng đài Lênin dưới chân cột cờ ngày nay còn là hồ Voi vì là nơi tắm voi của triều đình nhà Nguyễn. Còn các rặng cây cổ thụ ngày nay khi đó còn chưa được trồng. Trong ảnh, còn có thể thấy quân Pháp đã dựng doanh trại bán kiên cố trên các vòng thành của Cột cờ để đóng quân.
Cũng trong thời kỳ này, Cột cờ Hà Nội còn được quân Pháp dùng để làm đài quan sát. Trong cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ, Cột cờ cũng là đài quan sát của bộ đội phòng không Hà Nội. Khi đó, từ đỉnh cột cờ có thể nhìn thấy cả Hà Nội và vùng ngoại ô. Năm 1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên được treo lên Cột cờ Hà Nội. Đến năm 1954, một lần nữa lá quốc kỳ lại tung bay trên đỉnh kỳ đài lịch sử.
|
Theo các nhân viên bảo vệ hiện vật của Bảo tàng LSQSVN, hầu hết khách tham quan Bảo tàng đều có nhu cầu lên thăm Cột cờ, vào những ngày lễ như 1.5, 2.9, 22.12, khách tham quan phải xếp hàng. Cô Đỗ Thị Hạnh, một nhân viên bảo tàng cho hay, có những người từ miền Nam ra, họ nói những câu như là “tôi mơ ước cả đời mới được ra Hà Nội, hãy cho tôi lên để khi về được tự hào khoe với con cháu”, vậy nên không thể từ chối được. Lại có người thăm xong, nói với nhân viên bảo tàng “các cô là sống thọ lắm, vì đang trông giữ một di tích rất thiêng liêng”.
Điều đặc biệt là giữa những ngày nóng nhất của Hà Nội, nhiệt độ bên trong của Cột cờ luôn mát mẻ như có máy lạnh. Kết cấu các cửa lên xuống của Cột cờ cũng khoa học đến mức mưa lớn đến đâu nước cũng không chảy vào trong lòng tháp.
|
Một hình ảnh rất ấn tượng đối với du khách mỗi khi đi qua Cột cờ Hà Nội là lá cờ đỏ sao vàng luôn tung bay trong gió. Trung tá Nguyễn Hữu Thanh, người phụ trách công tác bảo vệ của Bảo tàng LSQSVN cho biết, từ năm 1986, theo chỉ đạo của cấp trên, lá cờ được treo thường trực trên đỉnh cột. Trước đó thì chỉ treo vào ngày lễ.
“Bất kể lúc nào cờ bị bạc màu, rách là chúng tôi phải thay. Có hôm vào lúc 4-5 giờ sáng, các cụ lão thành cách mạng tập thể dục đi qua, thấy cờ bị gió làm rách liền thông báo, chúng tôi phải thay ngay”, trung tá Thanh cho biết. Trung bình khoảng 2-3 tuần phải thay một lá cờ, mỗi năm, khoảng gần 20 lá cờ được thay. Trên đỉnh tháp gạch là một cột thép cao 12 mét nữa, trung tá Thanh chính là người thay cờ bằng cách kéo một sợi cáp lụa theo ròng rọc để cờ lên được đỉnh cột.
|
Đó là lá cờ có kích thước 4m x 6m mét, diện tích 24 m2, được may bởi cơ sở thêu may cờ 67 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm. Ông Trần Quang Minh, phụ trách kỹ thuật của cơ sở này cho biết, cờ được may bằng vải phi bóng sản xuất trong nước. Để có thể chống chọi được với gió mạnh trên cao, các đường may cần đến 3 lần chỉ, góc cờ chần hình quả trám. Vì lá cờ quá lớn, nên công nhân khi may xong phần nền đỏ, thì phải trải ra một sàn nhà rộng để khoét hình sao vàng trước khi may thêm.
Lưu truyền ở Bảo tàng LSQSVN , có câu chuyện Tổng thống Venezuela, ông Hugo Chavez khi đến Hà Nội để dự một sự kiện, khi đi qua Cột cờ bỗng yêu cầu dừng xe và ngỏ ý muốn vào thăm. Vị tổng thống đáng kính đã trèo lên tận đỉnh và khi xuống đòi viết lưu niệm. Theo trung tá Thanh, khi đi qua đường Điện Biên Phủ, ông Hugo Chavez đã tỏ ra cảm kích trước công trình đặc biệt này nên đã đòi vào thăm bằng được.
Cột cờ Hà Nội xây từ năm 1805 đến 1812, trong triều vua Gia Long, trên phần đất phía Nam của Hoàng thành Thăng Long. Cột cờ có hình dạng khối vuông với ba bậc thang, khối thứ nhất dài mỗi chiều 42,5 m, cao 3,1 m, có hai cầu thang. Tầng hai mỗi chiều dài 27 m, cao 3,7 m. có bốn cửa, cửa phía đông có hai chữ “nghênh húc” nghĩa là đón nắng ban mai; cửa phía tây có hai chữ “hồi quang” nghĩa là ánh sáng phản chiếu; cửa phía nam có hai chữ “hướng minh”, nghĩa là nhìn về phía ánh sáng. Tầng ba mỗi chiều 12,8 m, cao 5,1 m. |
Bài & ảnh: Lưu Quang Phổ
Bình luận (0)