Chuyện ít biết về Bùi Giáng: Lời lau lách làn luân lưu sương đượm

Tôi nghe nói người xưa làm thơ rất khó, thậm chí có người phải đốt trầm hương lên mới có tứ (và có từ) để làm thơ. Bùi Giáng thì khác...

Tôi nghe nói người xưa làm thơ rất khó, thậm chí có người phải đốt trầm hương lên mới có tứ (và có từ) để làm thơ. Bùi Giáng thì khác, hình như thơ đã được “lập trình” sẵn trong đầu ông, nằm ở đâu đó trong miền tư duy của ông và dễ dàng tuôn ra như suối.
Chuyện ít biết về Bùi Giáng: Lời lau lách làn luân lưu sương đượm
Nhà thơ Bùi Giáng Ảnh: Tư liệu
 
Chỉ cần một chỗ nào đó như quán chợ, lề đường cho ông ngồi xuống; chỉ cần một chút gây men xúc tác như ly rượu đế hay ly cà phê đen và mấy điếu thuốc lá, là ông đã có tứ. Ông mở quyển tập ra, cầm cây bút lên viết thong thả. Thơ tuôn như nước, như suối, liên miên bất tuyệt. Tất nhiên, ông viết nhiều; trong vô thức có thể ẩn chứa những câu thơ quen thuộc mà ông từng yêu thích nhưng ý thức ông lại không kiểm soát được. Vì vậy những câu ấy có thể hiện ra trong những bài khác nhau. Thí dụ “Em về giũ mộng phù sa” có ít nhất trong ba bài khác nhau. Nhưng đó là tiểu tiết. Đại để, Bùi Giáng ngồi xuống và viết thì thơ đã có thể thành hình từng câu, từng bài.
Trí liên tưởng - một năng lực tâm lý của con người, nơi Bùi Giáng rất mạnh mẽ. Từ một chữ này, ông liên tưởng ra ngay một chữ khác. Viết tới mình, ông nghĩ ra mẩy; viết tới gan, ông nghĩ ra tim; viết tới mai, ông nghĩ ra mốt; viết tới cây, ông nghĩ ra cối... Văn chương, ngữ nghĩa cứ vậy mà đi, thoải mái trong trạng thái liên tưởng bất tuyệt:
Em tận hưởng phù sinh mai ra mốt
Từ hy hư hô hấp tốt ra tươi...
Cây và cối, bầu trời và mặt đất,
Đã nhìn tôi dưới sương sớm trăng khuya.
... Em chẳng cùng tôi ngó nữa trăng,
Thì thôi, đuôi đứt con thằn lằn.
Mần răng mà ngủ đêm nay được,
Rệp đốt không bằng nhớ đốt gan
(và tim).
Trí liên tưởng của ông đi qua những cõi bờ khác rất lạ. Nó làm thay đổi hẳn chức năng của từ ngữ và sự thay đổi đó lại tạo ra một ngữ nghĩa mới lạ. Thí dụ từ động từ o bế, ông liên tưởng đến danh từ o (cô, theo cách gọi miền Trung) và ông viết luôn hai chữ o bồng - bởi hai động từ bồng bế rất gần nhau. Trong trường hợp này, o bồng là một câu trọn nghĩa dù nó phát xuất từ trí liên tưởng từ động từ o bế.
Dạ thưa, vâng ạ vâng ừ.
O bồng sương đục mây lừ đừ cong.
Khi bắt gặp một phụ âm đầu nào đó, ông tác chiến câu thơ bằng cách dùng các từ láy lại phụ âm đầu, dẫn người đọc đi vào một thế giới dài dằng dặc. Nhiều khi, người đọc phải nín thở đọc cho hết hệ thống ngôn ngữ dài ấy. Nụ cười (thầm) từ đó mà ra:
Thưa em, lời lẽ lạc lầm
Lưu ly lung lạc sưu tầm lem nhem.
Lý ôi! Có lẽ mỏi mềm
Toàn nhiên mỏi mệt êm đềm ra đi.
Và:
Anh chạy về Nam Mỹ để nhìn em nằm dưới bóng cây đi bên lá nhánh suối nước sầu em lội xuống sóng vui. Chân em trắng (không thấy bàn chân ở dưới nước) đầu gối tròn như măng ngọt mía mưng con chuồn chuồn đậu ngọn.
Nhiều năm đọc thơ ông, tôi tìm ra một điều khá thú vị là ông rất thích phụ âm đầu L. Có lẽ phụ âm này êm đềm về mặt phát âm, gợi ra một cái gì đó thân mật hồn nhiên y như ta nghe một ca khúc cung thứ (mineur) trong âm nhạc. Gặp một chữ phụ âm đầu L, ông kéo ra trong câu thơ cả lò, cả dọc:
Lời lau lách làn luân lưu sương đượm.
Và:
Liễu hoa lai láng lẫy lừng
Tuyệt nhiên huyết lệ tưng bừng 
tuôn ra.
Cũng như nhiều người Quảng Nam khác, Bùi Giáng là người học giỏi, nói thì có thể phát âm sai một vài từ nhưng viết thì không sai chính tả. Bà con quê nhà chúng tôi thường phát âm sai hai âm En và Ăn. Chính tôi cũng bị bạn bè thân yêu giễu cợt là anh “Quoảng Noam en mẹn!”. Thế nhưng, cái quán tính tiệm cận giữa văn nói và văn viết ấy đi vào trong thơ ca, hò vè Quảng Nam từ lâu lắm rồi. Và người đọc khéo nhận ra tính tiệm cận ấy có thể xác định ngay tác giả của câu thơ là... dân Quảng Nam, không lầm lẫn với bất kỳ một nhà thơ xứ nào khác.
Người Quảng Nam hay dùng chữ ba rơi, ba trợn để chỉ những ai không đáng tin cậy, đặc biệt trong lối ăn nói và giao tiếp. Thơ Bùi Giáng cũng khá nhiều thuật ngữ này:
Em cười rộ: - Anh ba rơi số dách.
Anh tận cùng là ba trợn trơ trơ.
Em mở miệng nhe răng cười não nuột.
Anh nhìn em như nhìn thấy đất trời.
Phương ngữ Quảng Nam đi vào trong thơ Bùi Giáng một cách tự nhiên, trở thành một thứ máu thịt của thơ ông. Thơ ông lại dùng đến nhiều ca dao, tục ngữ của người Quảng Nam. Thí dụ trong cụm từ cuối của đoạn thơ xuôi vừa trích dẫn “tròn như măng ngọt mía mưng con chuồn chuồn đậu ngọn”, Bùi Giáng đã dùng ý của câu ca dao Quảng Nam:
Chuồn chuồn đậu ngọn mía mưng.
Em đà có chốn, bậu đừng tới lui.
Âm vang từ tiếng nói của bà con dân dã ở quê nhà đã xuất hiện ra trong thơ ông khá nhiều. Dù ở Sài Gòn rất lâu, ông vẫn giữ cốt cách của một người Quảng Nam thứ thiệt từ tiếng nói, sinh hoạt đến ngôn ngữ dùng trong thi ca. Thơ Bùi Giáng, chỉ có xa xuôi mà không có xa xôi, chỉ có ôi mà không có ơi, chỉ có thiên thâu mà không có thiên thu, chỉ có hường mà không có hồng.
Tại sao vậy? Đó là cách nói thông thường trong văn nói của người Quảng Nam. Bùi Giáng đắc thủ một cách trọn vẹn cách dùng chữ như vậy.
Chào em, tiếng nói thiên thâu
Tận cùng gác gió trăng lầu tái sinh.
... Trần gian ôi, cánh dế cánh chuồn chuồn,
Con kiến bé cùng hoa hoang, cỏ dại,
Con vi trùng và sâu bọ cũng yêu luôn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.