Chuyện ít biết về Sài Gòn xưa: Săn thú hoang đầu thế kỷ 20

12/08/2016 05:27 GMT+7

Qua các tư liệu, hồi ký về thú tiêu khiển săn bắn của một số người Pháp và ngoại quốc giàu có tổ chức đi săn ở Sài Gòn và các tỉnh Nam kỳ, sẽ thấy vùng đất này được coi là một trong những địa đàng săn bắn ở Đông Dương vào đầu thế kỷ 20.

Người Pháp thường tổ chức đi săn thú trong rừng gần Sài Gòn. Những người Pháp ở Sài Gòn, Biên Hòa và Tây Ninh cũng đi săn bằng xe hơi ban đêm dọc trên đường nối Sài Gòn với miền Đông, dễ dàng bắn các con thú ra ăn cỏ dọc đường bị đèn xe chiếu. Ở những cánh rừng giữa Biên Hòa, Bà Rịa thuộc địa phận Long Thành là nơi săn bắn thú đủ loại, hoặc đi săn chim, cò ở Gò Công. Từ khoảng năm 1889 đã có nhiều người đi săn ở ngoại ô Sài Gòn và săn bắt được cả beo.
Ngày 21.3.1891, nhân dịp hoàng tử Nga Nicolas II (sau này là vị vua cuối cùng của Nga trước Cách mạng Tháng Mười) ghé Sài Gòn trên đường chu du nhiều nơi ở Á châu (Xiêm, Nhật, Hồng Kông, Ấn Độ, Tích Lan), chính quyền thuộc địa Pháp ở Sài Gòn có tổ chức cho hoàng tử đi săn nhưng lấy nai, hươu từ Sở thú Sài Gòn rồi thả vào rừng ở Thủ Dầu Một để hoàng tử dễ dàng săn được. Trong những ngày hoàng tử viếng thăm có dạ tiệc ở dinh Thống đốc do Toàn quyền Piquet chiêu đãi, dạ vũ trên tàu hải quân La Loire, xem vở opera Giroflé-Girofla ở nhà hát, đến Chợ Lớn xem múa lân ở rạp người Hoa... và đi săn.
Trong nghị định về quản lý điều hành săn bắn ở Nam kỳ được ban hành ngày 11.3.1926, ngoài các thú được bảo vệ và cấm buôn bán sản phẩm từ thú như da, đầu thú... thì săn bắn được cho phép trong mọi thời gian, không cần giấy phép và không giới hạn số lượng các thú vật được coi là phiền nhiễu, có hại như: cọp, beo, mèo rừng, chó hoang dại, chó ngao, chồn đen, chồn sóc, chồn hôi, sóc, chồn hương, đại bàng, chim ưng, chim bồ cắt, diều hâu, kền kền, quạ, bìm bịp, trăn... Săn bắn các thú khác như voi, tê giác, bò tót, bò và trâu rừng thì phải có giấy phép (loại A), giá trị trong một năm, đóng lệ phí 120 đồng, chỉ được săn tối đa 2 voi, 2 tê giác, 2 bò tót, 4 trâu rừng, 4 bò rừng và phải chịu thuế phụ thu 40 đồng mỗi con (trừ trâu, bò rừng là 20 đồng mỗi con).
Hoàng tử Thụy Điển Wilhem ghé Sài Gòn, Nam kỳ vào năm 1912 và tham dự một chuyến đi săn gần Sài Gòn đã viết: “Tôi dám nói chắc, có một nơi nữa như là thiên đàng của săn bắn, trong lĩnh vực các thú lớn, mà có thể chắc chắn so sánh được với vùng hoang dại ở Phi châu, đó là Nam kỳ và Trung kỳ ở bán đảo Viễn Ấn. Nơi đây voi hoang dã vẫn còn đi lại tự do trong những cánh rừng mà phần lớn chưa bao giờ con người hẻo lánh đến; nơi đây có hàng ngàn trâu bò rừng giương những sừng cong của chúng trên đầu ngọn cỏ cao trong những cánh đồng, hăm dọa bất cứ ai đến xâm phạm lãnh địa đồng cỏ của chúng. Nơi đây các con tê giác da dầy đi trên các đường ẩn xuyên qua rừng dây lá dầy đặc, và cọp, beo với chân mềm ẩn hiện trong rừng ít ánh sáng, nằm chờ mai phục các con mồi, trong lúc các con khỉ nhảy từ cành này qua cành khác. Thế giới loài chim cũng hiện diện rất nhiều, từ con công màu lòe loẹt cho đến các con két kêu la, con chim mỏ kèn xấu xí, hay con chim địa đàng rực rỡ”.
Wilhem cũng nói đến những vùng chung quanh Sài Gòn và ngay cả vùng rất cận Sài Gòn có rất nhiều muông thú mà ông thấy hay được cho biết qua các chuyến đi: “Trên tất cả sợ hãi, dĩ nhiên, là cọp mà con người gặp nạn rất nhiều, nhất là những người bản xứ, nhưng các con voi cũng gây nhiều phiền toái, đặc biệt là trên các đường xe lửa. Cách đây không lâu, một trong những quái vật khổng lồ này đã làm một xe lửa trật đường rầy và lật đi một phần. Đúng thật là con voi đã bị đụng chết bởi cú sốc này, nhưng từ đó trở đi các xe lửa chỉ còn chạy ban ngày mà thôi”.
Còn đây là đoạn trích từ sách Continental Saigon xuất bản năm 1976 của ông Philippe Franchini, chủ khách sạn Continental ở Sài Gòn: “Sau hoàng tử Pháp Henri d’Orléans, thì hoàng tử Waldemar của Đan Mạch, kế đó là ông hoàng Pháp Montpensier đến Sài Gòn, họ đều bị thu hút bởi đi săn thú. Heo rừng, nai đực cao, nai con chạy rông chỉ vài cây số cách thủ đô Nam kỳ (Sài Gòn). Trong vùng Thủ Đức, người ta nghe từ rừng tiếng tù và săn và tiếng đàn chó săn sủa. Ngạc nhiên bởi những cách săn bắn này, người Việt nhanh chóng chạy biến mất vì họ sợ chính họ có thể trở thành vật bị săn. Những tai nạn xảy ra nhiều. Những con cọp và beo cũng thường đến rừng này và khi chúng đến thì cả đàn chó săn đều chạy hết”.
Ông hoàng Montpensier ở VN một thời gian khá lâu, ông thích đi săn bắn nên rất thông thuộc các nơi đi săn. Chính ông là người đã mời hoàng tử Thụy Điển Wilhem đi săn trong lúc Wilhem và vợ là công chúa Maria Pavlovna ghé Đông Dương để viếng thăm Angkor trong chuyến đi du lịch các nước Á châu. Wilhem vì ham săn bắn nên sau khi thăm quốc vương Cam Bốt Sisowath, đã để vợ và phái đoàn đi Angkor còn ông và một thân tín tên Lewenhaupt trở về Sài Gòn bằng tàu, bỏ dở cuộc viếng thăm Angkor để được đi săn cùng ông hoàng Montpensier.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.