Báo Thanh Niên số ra ngày 13.3.2021 có bài: “Viết báo ‘Cậu Ấm’ cho... trẻ em trai, nhuận bút của Nguyễn Công Hoan là chiếc bút máy”. Nội dung nhắc đến tờ Cậu Ấm – là một tờ báo dành cho thiếu niên, nhi đồng nửa cuối những năm 1930. Tuy nhiên thông tin để lại hiện nay về báo rất ít ỏi. Song đến nay, cuộc đời của nhà báo Thái Phỉ - Nguyễn Đức Phong, người đóng vai trò tiên phong khi thực hiện tờ báo nhi đồng đầu tiên của Việt Nam, vẫn còn ít người biết tới.
Người viết bài này từ nhiều năm trước tình cờ được gặp anh Song Văn - cháu ngoại của nhà báo Thái Phỉ - Nguyễn Đức Phong. Anh đã chia sẻ cho tôi một số tư liệu về ông ngoại của mình, cùng với đó là bản photocopy cuốn Một nền giáo dục Việt Nam mới do Nhà xuất bản Đời Mới phát hành (1941).
Giáo dục thanh thiếu niên
Anh Song Văn cho biết nhà báo Thái Phỉ là một trong nhiều nhà trí thức có tên tuổi tại đất Hà thành thời kỳ trước năm 1945. Lấy bút danh Thái Phỉ, ông muốn tỏ ý, bản thân luôn thấy nhục nhã trước cảnh nước mất nhà tan. Khổng Tử giảng trong sách Luận Ngữ rằng: Phỉ, Phong là rau đắng của kẻ hàn sĩ. Bá Di, Thúc Tề ngày xưa vì nỗi nhục mất nước mà bỏ lên núi, chỉ ăn rau này để sống. Còn tên thật của ông là Nguyễn Đức Phong, sinh ngày 3.12.1903 ở Yên Dũng (Bắc Giang), nguyên quán tại Long Mỹ, phủ Thái Ninh – nay là huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
|
Ban đầu Nguyễn Đức Phong là nhà giáo. Năm 1923 ông là giáo viên trường Canh Mỹ, sau vài năm làm hiệu trưởng trường này. Năm 1928, được điều đi làm hiệu trưởng trường Móng Cái thay cho ông Hoàng Đạo Thúy. Không rõ vì lý do gì, ông rời giáo giới để sang báo chí, “đóng vai trò tiên phong khi thực hiện tờ báo nhi đồng đầu tiên của Việt Nam” mang tên Cậu Ấm.
Tờ Cậu Ấm phát hành, theo nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc,đến số 13 được đổi tên thành Cậu Ấm Cô Chiêu.
Anh Song Văn cho biết cụ thể: Cậu Ấm Cô Chiêu là tờ báo giáo dục thanh niên nhi đồng Việt Nam phát hành số 1 vào ngày 21.2.1935, in theo khổ 19x27 cm, dày 20 trang, giá 5 xu, ra ngày thứ tư hằng tuần. Tòa soạn đặt ở số 82 Rue du Coton (nay là phố Hàng Bông, Hà Nội).
Tờ báo có nhiều nhà văn, nhà báo, họa sĩ, nghệ sĩ cộng tác thân thiết và nhiệt tình. Theo anh Song Văn, nhà văn Nguyễn Công Hoan được đông đảo độc giả đón chờ với các tác phẩm: Tấm lòng vàng, Đảng Rổ Bẫy… Nhà văn Nguyễn Công Hoan cùng Tổng biên tập Nguyễn Đức Phong mở trang luyện Văn, phân tích tiếng Việt được các em nhỏ nhiệt liệt hưởng ứng. Tác giả Dư Vinh cuốn hút sự say mê của mọi người bằng các sáng tác phiêu lưu mạo hiểm: Ca La Phan phiêu lưu ký, Đồng trinh Gia Long… Họa sĩ NGYM (tên thật là Trần Quang Trân), họa sĩ Mạnh Quỳnh vẽ tranh minh họa và tranh cười rất hóm hỉnh.
Thời gian này, tổ chức Hướng đạo sinh (mà ông trùm Hướng đạo toàn Đông Dương là nhà giáo Hoàng Đạo Thúy) cũng kín đáo giáo dục tinh thần yêu nước thương nòi cho thế hệ thanh thiếu niên nhi đồng qua các chuyên mục: “Câu hát vặt”, “Ngụ ngôn Nam Hương”, “Truyện kể lịch sử”…
Nhận thấy tờ báo có nội dung tuyên truyền sâu rộng tinh thần yêu nước thương nòi trong các thế hệ thiếu niên nhi đồng, chính quyền thực dân Pháp đã buộc tờ báo phải đình bản ở số 129.
Báo đóng cửa, ông chủ bút trở lại con đường đi dạy học ở trường tư để mưu sinh. Năm 1941, ông viết cuốn Một nền giáo dục Việt Nam mới. Cuốn sách chứa đầy những tâm sự với các thế hệ đang bị ru ngủ bởi các thủ đoạn của chính quyền thực dân Pháp, thế hệ không có lý tưởng, không có mục đích sống, cần có một sự đổi mới triệt để nhằm thức tỉnh họ. Nhà báo Diệu Anh - Đinh Gia Trinh một cây bút điểm sách trụ cột trên tờ Thanh Nghị đã đánh giá: Cuốn sách gây ra một tiếng vang trong xã hội đương thời đi kèm với một phản ứng khó chịu từ phía nhà cầm quyền.
76 năm bặt vô âm tín
Năm 1942, ông Nguyễn Đức Phong bị bắt sau một buổi diễn thuyết chống Pháp. Ngày 9.3.1945, Nhật đảo chính Pháp trên toàn Đông Dương. Ra tù, ông về nhà ở Láng (Thôn Mọc, Quan Nhân, tỉnh Hà Đông, nay là quận Thanh Xuân, Hà Nội), hai chân còn hằn dấu còng bị sâu quảng, đi lại rất khó khăn. Gia đình phải dùng nhiều biện pháp chữa trị mới tạm lành. Vừa ra tù, ông đã thành lập “Ủy ban giải phóng chính trị phạm” để yêu cầu chính quyền thả những tù chính trị yêu nước.
|
Báo Đông Pháp, 3.1945 có đoạn viết: “Ngày 19.3, ông Nguyễn Đức Phong, ông Võ Khắc Thiệu cùng một số chính trị phạm thành lập “Ủy ban giải phóng chính trị phạm”, ủy ban được lập ra là có mục đích giải phóng tất cả các chính trị phạm ra khỏi nhà tù của thực dân”. Trụ sở của ủy ban đặt tại 149 phố Hàng Long (nay là đường Lê Duẩn – Hà Nội).
Vẫn trên báo Đông Pháp cho biết: “Ngày 2.4, Ủy ban giải phóng chính trị phạm đã giải phóng 206 chính trị phạm khỏi đề lao Hà Nội… sau đó tiếp tục giải phóng nốt số tù chính trị còn lại. Tháng 6.1945, ủy ban tuyên bố đã hoàn thành mục đích và thông báo tự giải tán…” .
Giữa tháng 7.1945, ông Phong từ biệt gia đình nói là đi phát chẩn. “Ông không cho người nhà biết ông đi phát chẩn ở những đâu, chỉ biết ông đã sử dụng giấy tờ giả” – cháu ngoại nhà báo Thái Phỉ chia sẻ. Một thời gian sau, trên báo chí xuất hiện thông tin “Nhà báo Thái Phỉ mất tích”.
Ba tháng sau, ông nhắn tin qua thư tay về cho vợ: “Nhà đừng lo, tôi vẫn bình yên”. Trên phong bì thấy có địa chỉ nơi gửi: Hoa Lư – Ninh Bình… Đó là tin tức cuối cùng gia đình có được về nhà báo Thái Phỉ - Nguyễn Đức Phong - người giữ vai trò tiên phong khi thực hiện tờ báo nhi đồng đầu tiên của Việt Nam. Từ đó đến nay đã 76 năm bặt vô âm tín. Người thân vẫn đi tìm tung tích ông.
Bình luận (0)