Ví dụ như chuyện nước tương, còn mới rợi. Bao nhiêu năm nay dân ta vẫn ăn nước tương. Nước tương là thứ nước chấm chỉ đứng sau nước mắm quốc hồn quốc túy của Việt Nam. Đùng một cái, nghe ra rằng trong nước tương có chất 3-MCPD có thể gây bệnh ung thư với nồng độ cao gấp hàng ngàn lần cho phép.
Mọi người cứ như từ trên trời rơi xuống. Té ra lâu nay cả nước đã nhẹ dạ cả tin khi cứ chắc mẩm rằng, những thứ mình vẫn ăn hằng ngày, có nhãn hiệu cầu chứng tại tòa hẳn hoi, với bao nhiêu loại giấy tờ nhiêu khê mới được cấp phép sản xuất, trình làng, rồi ra chợ, ra siêu thị... để cuối cùng đi vào dạ dày của người mua, hoàn toàn là thứ mà không cơ quan nào nắm được có chứa những gì trong đó.
Vậy mà trong bộ máy quản lý xã hội, có đến 11 cơ quan liên quan đến chuyện kiểm dịch những thứ sẽ đi vào mồm vào lục phủ ngũ tạng người dân. Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã cho biết như thế, trong cuộc đối thoại trực tiếp với khán giả trên HTV. Con số 11 ông đưa ra là để khán giả hiểu rằng, không chỉ Sở Y tế chịu trách nhiệm về việc thực phẩm độc hại được tự do mua bán trên thị trường, mà còn có 10 cơ quan khác cũng phải chia sẻ trách nhiệm.
Thêm một điều kinh ngạc nữa. Té ra lâu nay vẫn có đến 11 cơ quan ăn lương để cùng làm một việc kiểm định thực phẩm, thế nhưng khi xảy ra sự cố thì, ngay cả cơ quan chính yếu nhất cũng không chịu nhận trách nhiệm. Vậy thì ai là người chịu trách nhiệm thực sự về sức khỏe người dân? Thật tội nghiệp cho dân. Ngay những sản phẩm mang nhãn mác uy tín mà còn không đảm bảo chất lượng thì, với vô số thực phẩm được nhập lậu vào Việt Nam không hề có kiểm dịch, sẽ còn bao nhiêu thứ độc hại khác đang hằng ngày đe dọa người dân?
Tràn ngập các loại trái cây Trung Quốc dù để đến mấy tháng trông bề ngoài vẫn đẹp tươi như mới hái. Phải chăng để có được sự ngon mắt chết người ấy, người ta đã sử dụng biện pháp ngâm tẩm hóa chất bí hiểm nào đó? Những loại mãng cầu, dưa hấu... Việt Nam rất to, đẹp mã, nhìn thật đáng mê nhưng chỉ để mấy hôm đã bị thối nhũn từ trong hoặc bị sinh dòi. Phải chăng chất kích thích sinh trưởng bán đầy trên thị trường đã bị lạm dụng để biến trái cây tươi bổ của chúng ta thành một hiểm họa tiềm năng như thế?
Những người có trách nhiệm bảo vệ sức khỏe người dân có tiếp tục cho phép mình thờ ơ như đã thờ ơ? Cách giải quyết vấn đề của họ sẽ xác định họ có là kẻ lạ giữa những đồng bào ruột thịt của mình không. Bởi chỉ là kẻ lạ mới có thể thản nhiên trước những hiểm nguy mà người dân phải chịu đựng một cách quá vô lý.
Camera
Bình luận (0)