(TNO) Lúc 17 giờ 30 chiều 22.10, sau 17 năm, 5 tháng ngồi tù về tội giết người, cướp của, bị can Huỳnh Văn Nén, lần đầu tiên được tại ngoại.
(TNO) Lúc 17 giờ 30 chiều 22.10, sau 17 năm, 5 tháng ngồi tù về tội giết người, cướp của, bị can Huỳnh Văn Nén, lần đầu tiên được tại ngoại.
Giây phút đầu tiên ông Nén được tại ngoại sau 17 năm, 5 tháng ngồi tù |
Khoảnh khắc hiếm hoi khi ông Nén bước ra khỏi cổng Trại tạm giam Công an Bình Thuận (đường Thủ Khoa Huân, P.Phú Thuỷ, TP.Phan Thiết) đã để lại những cảm xúc khó diễn tả của nhiều người từng theo dõi vụ án này. Ngay cả khi người nhà đưa ông Nén đến Bệnh viện đa khoa An Phước khám mắt, nhiều người dân đã vây lấy ông Nén hỏi thăm.
Theo Quyết định (số 02) của Viện KSND tỉnh Bình Thuận và Quyết định (số 08) của Cơ quan CSĐT Công an Bình Thuận, ký ngày 22.10, ông Nén vẫn là bị can đang trong trong quá trình điều tra vụ án giết bà Lê Thị Bông, ở xã Tân Minh, H.Hàm Tân, hơn 17 năm về trước.
“Ông Nén được bảo lãnh tại ngoại để chữa bệnh vì sức khỏe yếu”, một lãnh đạo Viện KSND tỉnh cho hay.
Ông Nguyễn Thận (trái, ngồi cùng ông Nén tại Khoa mắt - Bệnh viện đa khoa An Phước), nguyên Phó chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc H.Hàm Tân, nguyên chủ tịch UBND xã Tân Minh, người kêu oan cho Nén suốt 17 năm qua - Ảnh: Quế Hà
|
Vụ án sát hại bà Lê Thị Bông
Tối 23.4.1998, bà Lê Thị Bông, ở thôn 2, xã Tân Minh, H.Hàm Tân, Bình Thuận bị sát hại. Gần một tháng sau, ngày 17.5.1998, ông Nén bị bắt vì bị cho là nghi can giết bà Bông. Ngày 31.8.2000, ông Nén bị TAND tỉnh Bình Thuận tuyên phạt tù chung thân tội giết người, cướp tài sản. Ông Nén nộp đơn kháng cáo trễ nên không có phiên tòa phúc thẩm.
Ngày 24.10.2014, Viện KSND tối cao có kháng nghị giám đốc thẩm số 30, nêu nhiều bất hợp lý trong kết luận điều tra của Công an và quá trình xét xử của tòa cấp sơ thẩm.
Cụ thể, Cơ quan CSĐT không thu giữ được “sợi dây dù mà Nén dùng siết cổ bà Bông”. Khám nghiệm hiện trường thu được hai loại dấu chân. Các kích thước dấu chân khác nhau. Khi cơ quan CSĐT đưa ghế sa lông đến hiện trường thực nghiệm lại thì dấu chân của Nén nhỏ hơn dấu chân tại hiện trường mà cơ quan công an thu thập được.
Các lời khai của Nén ban đầu không phù hợp với hiện trường vụ án. Nén khai khi giết bà Bông xong không tắt đèn. Nhưng chị Lê Thị Hồng, con gái nạn nhân khai, khi về nhà thấy đèn tắt nên mới bật đèn.
Sau khi Nén giết bà Bông, Nén đi đâu, làm gì đến giờ này vẫn chưa được làm rõ. Khi khám nghiệm tử thi, Cơ quan CSĐT thấy trên người bà Bông có một vết bầm hình chữ V. Nhưng vết thương này không được làm rõ nguyên nhân.
Bản án của TAND tỉnh Bình Thuận mô tả, khi Nén vào bếp thì thấy bà Bông đang ngủ ở giường nhà dưới. Nhưng cáo trạng lại nói khi Nén vào nhà thì bà Bông đang giũ giường ngủ.
Đặc biệt, kháng nghị của Viện KSND tối cao nêu, “phạm nhân Nguyễn Phúc Thành tố giác người giết bà Bông là Nguyễn Thọ, chứ không phải Nén, nhưng chưa được điều tra làm rõ”.
Người “kêu oan” cho Nén
Khi còn thụ lý án tù tại trại giam Sông Cái (Ninh Thuận), phạm nhân Nguyễn Phúc Thành (nay làm nông tại thị trấn Tân Minh, H.Hàm Tân, Bình Thuận) đã có đơn tố giác người giết bà Bông là Nguyễn Thọ và Hồ Văn Việt (nay Việt đã chết, còn Thọ rời khỏi địa phương từ khi xảy ra vụ án bà Bông đến nay không ai biết đi đâu). Người thụ lý đơn tố cáo của Nguyễn Phúc Thành lúc đó là đại úy C.V.H. (nay đã ra khỏi ngành công an và làm luật sư) không xử lý đơn này đến nơi đến chốn. Trong đơn tố giác kẻ giết bà Bông, anh Nguyễn Phúc Thành kể chi tiết việc Thọ (còn gọi là Chín “điếc”) và Việt đã đi bán chỉ vàng lấy được của bà Bông ở đâu.
Người thứ hai luôn đau đáu với nỗi oan của Nén chính là ông Nguyễn Thận. Khi xảy ra vụ án, ông Nguyễn Thận là Chủ tịch UBND xã Tân Minh. Sau này ông Thận làm Phó chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc H.Hàm Tân. Khi vụ án xảy ra, ông Nguyễn Thận đã có văn bản, có ký đóng dấu gửi các cơ quan chức năng tố giác người giết bà Bông là Thọ và Việt chứ không phải Nén, nhưng đơn này không được giải quyết.
Ít ai biết, ông Nén cũng từng là bị cáo trong một vụ án khá nổi tiếng khác được giới báo chí gọi là “Vụ àn vườn điều. Đây cũng là một vụ án giết người mà cả gia đình nhà vợ của ông Nén bị oan, trong đó ông Nén cũng được minh oan). Ngay sau khi “Vụ án vườn điều” kết thúc, 8 người trong gia đình vợ ông Nén được minh oan riêng ông Nén vẫn phải chịu hình phạt chung thân vì tội giết bà Bông.
|
Bình luận (0)