Mang danh nghĩa chiến thuật nhưng thực chất lại là hành vi tiểu xảo, khi nhiều đội tuyển, câu lạc bộ sẵn sàng tung đòn hy sinh bằng cách chỉ đạo các vận động viên thứ yếu quấy nhiễu đối thủ, chấp nhận bị loại nhằm giúp vận động viên chủ lực đạt thành tích cao.
>> Chuyện lạ thể thao: Búng ngón tay bóp cò>> Chuyện lạ thể thao: Kinh hoàng đôn trọng lượng, ép cân
|
Đua xe đạp… chậm
Ở giải xe đạp đồng bằng sông Cửu Long 2009, tay đua Mai Nguyễn Hưng (TP.HCM) đang mặc áo vàng nhưng không may bị bể bánh xe. Sau khi dừng lại nhờ bộ phận săn sóc viên khắc phục sự cố, anh được mô tô chở trọng tài cho núp gió đưa vào tốp cuối đoàn đua (2 tay đua trở lên được gọi là tốp đua). Tận dụng quy định “đưa vào tốp cuối” trên, khi phát hiện Mai Nguyễn Hưng bể bánh xe, ban huấn luyện một đội xe đạp miền Tây vốn là đối thủ cạnh tranh trực tiếp áo vàng với TP.HCM đã ra lệnh cho 2 tay đua của đội hình 2 bỏ tốp đông, thòng lại phía sau tạo thành tốp cuối.
Buộc phải nhập vào tốp này và phát hiện đối thủ đang “chơi chiêu”, Mai Nguyễn Hưng lẫn ban huấn luyện tuyển TP.HCM không nén được bực tức đã lên tiếng phản ứng cả đối thủ lẫn trọng tài để tố cáo hành vi trên. Nhưng vì luật không cấm nên tuyển thủ này đành “cắn răng” mà đua. Bởi dù có nỗ lực cách mấy, Mai Nguyễn Hưng cũng bị “chết gí” do sự kèm cặp của các tay đua làng nhàng thay nhau kềm hãm tốc độ bứt phá của anh.
Nhưng chuyện dùng “tốt thí” để loại đối thủ lớn chưa phải là đòn hy sinh ghê gớm mà chính sự việc cùng nhau “chết chùm” ở giải xe đạp Cúp Truyền hình TP.HCM năm 2014 mới khiến người hâm mộ thật sự ngao ngán. Mới chặng thi đấu thứ 2, nhưng các tay đua mạnh, đang là trụ cột của một số đội như Bùi Minh Thụy, Hồ Văn Phúc, Nguyễn Thành Tâm, Lâm Công Danh, Đỗ Tuấn Anh, Nguyễn Trường Tài... đã chủ động đua xe đạp... chậm. Do kèn cựa, tị nạnh nhau, nhóm tay đua này luôn ở lại tốp cuối, nhường cho các tay đua yếu hơn mặc sức tách tốp về đích. Hành vi này của họ cũng là đòn hy sinh nhưng hy sinh hoặc do cái đầu hẹp hòi của HLV hoặc do suy nghĩ “tôi không thắng thì anh cũng đừng có mơ thắng” nên tạo ra đầy rẫy chuyện lạ trên đường đua.
Trước sự cố đua xe đạp chậm này, BTC, các trọng tài điều hành giải đã phạt cộng thêm 10 phút cho mỗi tay đua ở nhóm này, đồng thời tước quyền cạnh tranh các danh hiệu cá nhân chung cuộc.
Nắm được cứ nắm
Trong một lần trò chuyện, cô gái vàng của điền kinh Trương Thanh Hằng kể lại khi thi đấu tại giải điền kinh vô địch châu Á 2011, cô liên tục bị các đối thủ cố tình đạp vào gót chân. Sở dĩ Hằng bị tấn công là do trước đó cô đã thể hiện phong độ tuyệt vời ở ASIAD 2010 nên các đối thủ quyết tâm chơi đòn hy sinh để ngăn Hằng độc chiếm ngôi cao.
Lợi dụng chạy sát nhau, 2 VĐV của UAE và Ấn Độ đã tìm cách đá vào chân Hằng từ phía sau. Chưa hết một vòng sân đối thủ đã đạp đến gần chục lần khiến cô đau và ức chế không chịu nổi chỉ muốn quay lại để phản ứng. Nhưng rồi Hằng đã kịp tự kiềm chế và tự nhủ phải bình tĩnh không để một đối thủ chơi trò hy sinh phá đám thành tích của mình. Thế là Hằng nén đau tăng tốc bất chấp đối thủ bám theo để lao vun vút về đích. Vừa hoàn thành xong cự ly thi đấu, cô chỉ biết vừa ôm chân vừa uất ức kể lại sự việc với ban huấn luyện.
Trường hợp Nguyễn Đình Cương tại SEA Games 2011 ở Palembang (Indonesia) cũng vậy. Vừa xuất phát hơn 100 m và đang giữ đôi chân chạy thoăn thoắt, bất ngờ Cương bị đối thủ Malaysia níu áo. Một lần anh bứt đi được, nhưng đối thủ này không chịu bỏ cuộc lại bám theo níu tiếp. Nhưng cứ níu, Cương lại giằng mạnh thoát đi. Cương kể: “Tôi biết anh ta đang chơi đòn hy sinh tìm cách gây ức chế trên đường đua cốt làm tôi nao núng tinh thần và phản ứng lại. Thực sự khi anh ta áp sát và kèn cựa nói vài câu gì đó không được rồi đâm ra nắm áo, tôi rất bực bội và giật mạnh khuỷu tay để hất tung tay anh ta. Nhưng không ngờ điều đó khiến tốc độ tôi bị chậm lại, anh ta đã tranh thủ vọt qua để về đích trước”.
Cũng may là đoàn VN đã ghi hình Cương và đối thủ này có màn kèn cựa qua lại nên đã gửi đơn khiếu nại, trong đó hình ảnh khiêu khích, thúc cùi chỏ và nắm áo Cương của đối thủ rất rõ. Sau khi xem lại băng hình, VĐV Malaysia đã bị BTC tước HCĐ cự ly 1.500 m để trao lại cho Đình Cương.
Hoàng Lê
>> Chuyện lạ thể thao: Cây vợt bí mật
>> Chuyện lạ thể thao: Cấm chồng... sờ vào người!
>> Chuyện lạ thể thao: Cánh cửa có... ma!
Bình luận (0)