Bạn đã bao giờ thấy một giải đấu lớn mà toàn bộ các trận ở VCK đều có kết quả hòa, ít nhất là trong 90 phút chính thức? Euro 1976 tại Nam Tư là giải đấu duy nhất như vậy.
Đành rằng thời ấy, VCK Euro chỉ gồm vỏn vẹn 4 đội, đá 2 trận bán kết, trận tranh hạng ba và trận chung kết. Nhưng dù sao đi nữa, hòa vẫn là kết quả khó xảy ra nhất trong môn bóng đá. Về mặt lý thuyết, giới nghiên cứu đã tính ra rằng xác suất hòa trong một trận đấu giữa hai đội ngang sức chỉ là 1/4 hay 25% (còn lại là xác suất thắng cho mỗi đội: 37,5%). Vậy, xác suất để cả 4 trận trong một giải đấu đều hòa sau 90 phút là 1/4 x 1/4 x 1/4 x 1/4 = 1/256. Chuyện như thế chỉ xảy ra 1 lần trong 256 trường hợp. Khoảng 4 phần ngàn, hoặc 0,4%! Mà theo chu kỳ 2 năm/lần, cho cả Euro lẫn World Cup cộng lại, người hâm mộ không biết phải đợi đến bao giờ mới lại được thấy một kỳ Euro hoặc World Cup mà cả 4 trận cuối cùng đều hòa.
Đấy chưa phải là ấn tượng duy nhất làm cho Euro 1976 trở thành một trong những giải đấu lạ và đáng nhớ nhất trong lịch sử bóng đá đỉnh cao. Nói đến bóng đá quốc tế hồi giữa thập niên 1970 là phải nói đến hai thế lực Đức, Hà Lan. Một bên là Franz Beckenbauer, Sepp Maier, Berti Vogts... Bên kia là Johan Cruyff, Johan Neeskens, Johnny Rep, Rob Rensenbrink... Khi đó, họ vừa tranh tài trong trận chung kết World Cup 1974 - một trong những trận chung kết làm báo chí tốn nhiều giấy mực nhất trong lịch sử World Cup. Và, trong màu áo Bayern Munich hoặc Ajax Amsterdam, họ thay nhau thống trị Cúp C1 châu Âu suốt 6 năm liền. Đức không chỉ vô địch World Cup 1974 mà còn chiến thắng ở kỳ Euro 1972 trước đó… Thế nên, Euro 1976 có kết quả hết sức bất ngờ khi đội Tiệp Khắc lần lượt chinh phục cả Hà Lan lẫn Đức để bước lên bục vinh quang. Châu Âu chứng kiến 5 nhà vô địch khác nhau trong 5 kỳ Euro đầu tiên - hay hơn World Cup rất nhiều!
Tuyển Đức thường chơi không tốt trong các trận đấu giao hữu và đêm qua (29.5, giờ VN) họ đã thể hiện điều đó trong trận thua 1-3 trước Slovakia.
Cả hai trận bán kết lẫn trận tranh hạng ba đều ngã ngũ sau khi các bên đá thêm 30 phút hiệp phụ. Nhưng ở trận chung kết thì tỷ số 2-2 vẫn được giữ nguyên (như mọi khi, Đức thua trước 2 bàn và kiên trì gỡ hòa, bàn gỡ 2-2 do Bernd Hoelzenbein ghi ở phút 89). Các cầu thủ Tiệp Khắc lặng lẽ rời sân sau 120 phút, vì họ ngỡ rằng sẽ phải tái đấu, như điều đã xảy ra tại Euro 1968. Trọng tài phải vào tận phòng thay đồ để gọi họ ra đá 11 m luân lưu. Đây cũng là một chi tiết lịch sử: lần đầu tiên phương pháp đá 11 m luân lưu được áp dụng để phân thắng bại trong thể thức loại trực tiếp ở một giải lớn (Euro, World Cup).
Vì không chuẩn bị tinh thần đá 11 m luân lưu nên các cầu thủ Tiệp Khắc thất bại? Không hề. Họ đá trước và luôn sút chính xác. Bên phía Đức, Uli Hoeness đá vọt xà ở lượt sút thứ 4. Vậy nên, khi Antonin Panenka bước ra đá quả 11 m cuối cùng cho Tiệp Khắc thì tỷ số đang là 4-3, và ông đã ấn định chiến thắng 5-3 trong loạt sút luân lưu, đưa Tiệp Khắc lên ngôi vô địch.
Bây giờ thì chẳng cần giải thích quả 11 m "kiểu Panenka" là như thế nào nữa. Người ta đã phải dùng tên của ông để đặt cho một kiểu sút 11 m nổi tiếng nhất trong lịch sử bóng đá. Cú đá này nhẹ nhàng đánh lừa thủ môn đối phương đổ người qua một bên rồi lốp bóng vào giữa khung thành trống. Panenka đã sút 11 m kiểu ấy khoảng chục lần trước đó ở giải VĐQG Tiệp Khắc và luôn thành công. Còn sau Euro 1976, ông sút như thế đúng 35 quả nữa. Chỉ thất bại đúng 1 lần!
Bình luận (0)