Thời gian cực điểm
Trang EarthSky thông tin, hầu hết các trận mưa sao băng đều có thể thuận lợi quan sát vào ban đêm, khi chỉ cần tìm một bầu trời tối và nhìn lên. Nhưng còn những trận mưa sao băng xảy ra vào ban ngày, khi mặt trời mọc thì sao?
Theo đó, Arietids được cho là một trong những trận mưa sao băng hoạt động mạnh nhất vào ban ngày. Năm nay, theo EarthSky, chúng ta có thể xem chúng từ ngày 29.5 đến ngày 17.6, tức hôm nay người yêu thiên văn có thể "săn" mưa sao băng này. Chuyên gia dự đoán mưa sao băng sẽ có đỉnh điểm vào ngày 7.6 tới. Số lượng sao băng có thể đạt 60 sao băng mỗi giờ và có thể cao tới 200 sao băng mỗi giờ.
“Hãy quan sát chúng theo hướng mặt trời mọc trong giờ tối trước bình minh từ ngày 29.5 đến ngày 17.6. Hãy tìm kiếm các sao băng bắn lên từ đường chân trời, rạng rỡ nằm dưới chòm sao Bạch Dương. Thời điểm này không có sự cản trở của ánh trăng”, chuyên gia hướng dẫn.
Theo các nhà nghiên cứu, việc quan sát mưa sao băng là điều khó khăn đối với mưa sao băng hoạt động ban ngày vì một khi mặt trời mọc, bạn sẽ không thể nhìn thấy chúng.
Nguồn gốc Arietids?
Mặc dù hầu hết các sao băng Arietids xuất hiện vào ban ngày, tuy nhiên người yêu thiên văn có thể bắt gặp sao băng Arietids vào giờ tối cuối cùng trước bình minh, bất kỳ lúc nào trong tuần đầu tiên và tuần thứ hai của tháng 6.
Trong nhiều năm, không ai biết đến sao chổi mẹ của Arietids. Sau đó, vào tháng 5.1986, một nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một sao chổi được gọi là 96P/Machholz. Sao chổi này có thể liên quan trực tiếp đến trận mưa sao băng này hoặc nguồn của trận mưa sao băng, có thể là một phần của tổ hợp Machholz.
Theo đó, tổ hợp Machholz là sự kết hợp của 2 nhóm sao chổi, 8 trận mưa sao băng và ít nhất một tiểu hành tinh đều liên quan đến sao chổi 96P/Machholz.
Bạn có thể theo dõi hoạt động của các trận mưa sao băng ban ngày, cũng như những trận vượt quá giới hạn quan sát bằng mắt, bằng cách truy cập cổng thông tin mưa sao băng của NASA có tại: https://meteorshowers.seti.org/. Bạn có thể di chuyển quả địa cầu để xem các khu vực khác nhau của bầu trời.
Bình luận (0)