Chuyện ly kỳ quanh 'bức tượng tự khắc'

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
23/07/2023 06:15 GMT+7

"Xứ Tây" được đề cập trong loạt bài này là Tây Giang - một huyện thuộc tỉnh Quảng Nam, giáp nước bạn Lào.

Từ bao đời qua, Tây Giang luôn chất chứa nhiều câu chuyện thú vị gắn với đời sống, văn hóa... của đồng bào Cơ Tu vùng cao. Thanh Niên xin gửi đến quý độc giả những câu chuyện độc đáo chỉ có ở "xứ Tây".

Ẩn sau "bức tượng tự khắc" của già Clâu Blao (80 tuổi, trú thôn Voòng, xã Tr'Hy, H.Tây Giang, Quảng Nam) là câu chuyện dài đầy ly kỳ về cuộc đời của ông - một y sĩ nhưng có công lao to lớn trong việc mở đường nối trung tâm huyện với 4 xã vùng cao ngày nay.

Chuyện ly kỳ quanh 'bức tượng tự khắc' - Ảnh 1.

Già Clâu Blao bên “bức tượng tự khắc” kể câu chuyện cuộc đời ông

HOÀNG SƠN

HUYỀN THOẠI PHÓNG TUYẾN, MỞ ĐƯỜNG

Lo lắng già Clâu Blao sẽ lên rẫy sớm nên từ lúc sương núi chưa tan, tôi đã chạy xe máy từ huyện lỵ Tây Giang men theo tuyến ĐT 606 lên đến thôn Voòng để tìm gặp già. Dù còn nhiều gập ghềnh nhưng với người dân Cơ Tu, 30 km đường là cả một công trình mang nhiều kỳ tích, nhắc nhớ một thời khốn khó cũng như sự thay da đổi thịt kỳ diệu của 4 xã Khu 7 (gồm Tr'Hy, Axan, Gary và Ch'Ơm) từ khi có con đường. Từ 40 năm trước, người đặt nền móng cho con đường này không ai khác chính là già Clâu Blao.

Đón tôi trong căn nhà sàn thơm mùi khói bếp sớm, già không vội kể về câu chuyện mở đường của mình, mà lặng lẽ bê một bức tượng đặt giữa nhà. Bức tượng gỗ cao chừng 80 cm, khắc họa một người đàn ông trung niên, đầu đội mũ, tay phải cầm rựa, tay trái cầm cuốc, lưng gùi xà léc (gùi 3 ngăn), hông đeo một túi y tế khắc chữ thập đỏ. "Là bố (tôi - PV) đấy. Nếu họa sĩ có chân dung tự họa thì một người điêu khắc gỗ như bố có một "bức tượng tự khắc". Kể hết ý nghĩa bức tượng này, người nghe sẽ hiểu câu chuyện đời bố…", già Blao lần giở câu chuyện.

Theo lời già, trong chiến tranh cũng như sau ngày đất nước thống nhất (1975), đoạn đường từ xã Tr'Hy về xã Lăng trở thành nỗi ám ảnh của bất cứ người nào, từ người dân bản địa cho đến những chiến sĩ, thầy giáo… Có việc cần về xã Lăng, ai cũng phải chinh phục 2 con dốc với độ cao gần như thẳng đứng là Pà Dĩ và Tà Koong. Có đi nhanh cỡ nào thì tới Pà Dĩ cũng phải dừng chân một đêm. Nhiều người đã phải bỏ mạng giữa rừng vì lạc đường, thiếu nước, thiếu ăn… Giai đoạn 1967 - 1983, già Clâu Blao đang là y sĩ, phụ trách trạm y tế của 4 xã vùng cao Tây Giang. Thường xuyên đi lại trên con đường mòn này, thấy cảnh đồng bào khổ sở, già không thể khoanh tay đứng nhìn.

"Hồi đó, có nhiều đoàn khảo sát từ dưới xuôi lên nhưng rồi về mà không đưa ra kết quả gì. Bằng kinh nghiệm của mình, bố đã xin xã, huyện cho phép được dò đường. Năm 1982, bố xin làng cử 10 thanh niên đi theo để phóng tuyến. Xuôi từ Tr'Hy xuống xã Lăng, cứ gặp cây cao là bố trèo lên cao để quan sát rồi lại tụt xuống phát đường. Trong 6 ngày, đoàn của bố đã vạch được một tuyến đường mới, thay vì trước đó đi 4 ngày mới đến nơi thì rút ngắn lại chỉ còn 1 ngày", già Blao nhớ lại. 500 con người được huy động để phát đường, mở lối. Mỗi người mỗi việc, trai tráng thì đẵn cây, phụ nữ trẻ em thì gùi nước, gùi sắn… Dự tính 3 tháng mới mở xong thì trong vòng nửa tháng, tuyến đường đã dần lộ ra. Ngày con đường thông đến xã Lăng, đồng bào Cơ Tu ở 2 xã gặp nhau mà cứ rưng rưng.

"Năm 1984, được cấp trên tin tưởng, bố lại dẫn đoàn khảo sát 1 ngày và mất thêm 2 ngày nữa để mở con đường nối xã Tr'Hy ngược lên xã Axan. Điều đáng mừng là sau này, khi con đường nhựa từ Axan về Tr'Hy xuống xã Lăng được thi công, người ta đã bám trên con đường cũ mà bố đã vạch ra. Người ta chỉ việc mở rộng ra thôi…", già Blao kể.

BẬC THẦY NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG

Nói về "bức tượng tự khắc", với già, đó là một tác phẩm đầy ý nghĩa, nhắc nhớ những kỷ niệm không thể nào quên. "Tay cầm rựa là để dò đường, tay cầm cuốc là để mở đường, người đeo túi y tế là để chữa bệnh, cứu bà con… Một thời, bố cùng lúc làm nhiều công việc, nhiệm vụ", già Blao giải thích. Già kể dù gian khó nhưng từ thuở còn niên thiếu, nhờ năng khiếu thiên bẩm với nghệ thuật truyền thống mà già đã tự học rồi trở nên điêu luyện với điêu khắc gỗ của người Cơ Tu.

Thuở trẻ, những bức tượng mang tính tâm linh của Clâu Blao mang lại niềm tin cho dân làng có thể xua đuổi tà khí, chống lại dịch bệnh… Lớn tuổi, già Blao lại hướng dùi cui, mũi đục của mình về đời sống, văn hóa tươi vui của đồng bào. Già không nhớ mình đã tạc ra bao nhiêu bức tượng, chỉ nhớ rằng, tất cả những phù điêu của nhà gươl (nhà làng) thôn Voòng là do già khắc, các bảo tàng lớn của tỉnh, huyện, các điểm du lịch của địa phương đều có tượng gỗ của già. Học trò của già cũng lên đến hàng chục người.

Già Blao cũng tâm niệm, giàng (trời) cho già đôi tay khéo lại thêm đôi tai thẩm âm tốt nên già phải có trách nhiệm làm các nhạc cụ để bảo tồn âm nhạc truyền thống. Già có thể chế tác nhiều loại nhạc cụ, như: các loại sáo, đàn âng jưl, đàn ta lư… và chơi thành thục các loại nhạc cụ khó, như: khèn bè, chiêng, trống… Đang say sưa nói về văn hóa truyền thống người Cơ Tu, già Blao như chợt nhớ ra và quay sang nói đứa con trai lấy bộ khố và mấy chiếc áo do chính tay già "dệt" nên từ… vỏ cây để khách chiêm ngưỡng.

Già Clâu Blao kể: "Ở Tây Giang này, không phải ai cũng biết và chịu khó làm những bộ khố, váy bằng vỏ cây thế này đâu. Bởi để làm được phải cất công vào rừng sâu tìm các loại cây như: tà koong, đin, tà đứt… có vỏ mềm và dai rồi mất thêm 3 - 4 ngày nữa để giặt, đan... Bố nay đã già rồi, còn nhớ thì phải làm để nhắc nhớ con cháu biết về nguồn cội, lịch sử người Cơ Tu, để những nét xưa cũ văn hóa không bị mất đi…".

 (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.