Chuyện một chiếc khăn - Truyện ngắn của Phan Thúy Hà

12/11/2017 07:29 GMT+7

Nhiều thương binh cần thông tiểu. Bác sĩ lệnh tôi phải làm việc đó cho một trong số họ. Bệnh nhân nằm ngửa, đầu gối duỗi ra.

Tôi mười bảy tuổi. Làm sao tôi có thể.
Tôi nói không.
Bác sĩ có thể giao cho tôi bất cứ việc gì, trừ việc đặt thông niệu đạo cho nam giới.
Chị Lân chạy lại. Để tôi làm. Đồng chí Thanh mới vào chưa quen việc.
Chị Lân đã có chồng. Chồng chị cũng là y tá. Hai người vào chiến trường từ năm 1968 và cưới nhau cách đây hai năm. Chị khỏe mạnh và tốt tính. Ở đây người nào tôi gặp cũng tốt tính.
Một em bé năm tuổi. Mảnh bom xuyên qua đùi trái. Em bé vẫn tỉnh táo để gào khóc. Đau quá bọ mạ ơi. Bà nội em nhìn tôi cầu cứu. Bố mẹ đã băng bó tạm cho em trước khi đến. Máu ướt thẫm bông băng. Máu ướt thẫm chiếc quần đen em mặc.
Người lính đang mê sảng. Ta rất ghét chiến tranh. Ghét chiến tranh. Ta ghét chiến tranh.
Tôi nhớ hình ảnh anh khi đến. Một chân lủng lẳng. Anh đang cố chịu đựng cơn đau, không rên rỉ một lời. Phải chuyển anh về Bắc nhưng không phải lúc này.
Đêm nay tôi và chị Lân được nghỉ trực. Đã mười ngày đêm rồi chúng tôi không ai được nghỉ được ngủ. Ngơi ra vài phút lại có xe chở thương binh đến. Mắt ríu lại rồi.
Phẫu sư đoàn nằm dưới chân đồi. Hai chị em rọi đèn pin đi về lán cách phẫu chừng ba trăm mét. Chị Lân vừa đặt lưng xuống đã nghe tiếng ngáy. Hai vợ chồng chị công tác hai đơn vị điều trị khác nhau, thỉnh thoảng anh mới tới thăm vợ. Tôi ở cùng với chị Lân từ ngày phẫu sư đoàn sơ tán về đây.
Tiếng bom dội rất gần. Chị Lân vùng dậy. Đi thôi em. Ra xem thế nào. Tôi ngủ có lẽ chưa được năm phút.
Hai chị em chạy về phẫu. Tiếng xe tiếng người nhốn nháo. Ánh sáng đèn pha nhập nhòa. Các anh chị đã kịp chạy đến trước chúng tôi.
Chín tân binh bị trúng bom trên đường hành quân. Họ là những sinh viên ngoài Bắc bổ sung vào Quảng Trị.
Rửa vết thương. Băng bó. Tiêm. Cầm máu. Truyền máu.
Phòng bên trong, ca mổ liên tiếp.
Tạm xong công việc vừa lúc trời sáng. Bác sĩ Hưng nhìn tôi và chị Lân cười, ca nghỉ trực lại qua rồi các em nhỉ. Bắt đầu một ngày mới. Bắt đầu một phiên trực của hai chị em.
***
Tôi là con thứ ba trong một gia đình có chín đứa con gái và một đứa con trai. Em trai tôi vừa thi đỗ vào lớp tám. Môn văn và môn toán đều tám điểm nhưng em không được trong diện đi học tiếp.
Hai chị gái đã ra Hà Nội học đại học. Tôi đang học lớp chín. Đàn em sau còn nhỏ.
Tôi làm đơn xung phong đi bộ đội thay em trai. Tôi muốn nó ở nhà học xong lớp mười. Tôi là con gái bỏ học không sao nhưng con trai thì ít nhất phải học xong cấp ba rồi mới đi bộ đội. Tôi tưởng mình đi thay em nhưng hai năm sau nhận được tin em đã ra chiến trường.
Chuyện tôi đăng ký đi bộ đội chỉ có bố biết. Bố ủng hộ. Con gái của bố là phải thế. Bố đã tham gia làm y tá hai năm trong quân đội thời kháng chiến chống Pháp. Vì xã cần giáo viên cho phong trào bình dân học vụ nên bố về làng cùng xã mở trường dạy học với sự đầu tư của các cha đạo. Bố đã giảng dạy ở ngôi trường đó suốt ba mươi năm.
Gia đình tôi không phải Công giáo nhưng ngày lễ mọi người đều đi nhà thờ đọc kinh cầu ước. Ngày bố mất cha đạo viết lời giã biệt. Đội kèn trống nhà thờ đến tiễn đưa. Tôi đi lễ nhà thờ hằng tuần. Tôi hát khúc kinh cầu. Trong lòng luôn hướng về ánh sáng.
Tôi đi khám sức khỏe tám lần đều không đạt. Mỗi lần khám cho đủ thứ gạch đá vào túi áo túi quần cân nặng vẫn chưa tới 35 kg.
Mày đúng là loại lừa. Mày biết mày không đạt tiêu chuẩn nên mới xung phong. Ông Quang xã đội trưởng nói khi đi trên đường làng gặp tôi. Mặt tôi đỏ bừng lên vì tức giận. Bác nói câu đó bác phải chịu tội. Cháu đăng ký đi vì cháu muốn đi thật sự. Lời bác nói hôm nay bác phải chịu trách nhiệm. Ngày kia họ sẽ khám tiếp, cháu nhờ bác đi cùng để nói đỡ cho cháu một câu để họ nhận. Lần khám thứ chín ông Quang đi cùng, nhờ ông xin nên tôi được lọt qua. Đến tỉnh tôi khám tiếp, lại bị loại. Con Trà cũng bị loại như tôi. Trà vui vẻ quay về tôi thì khóc nức nở. Tôi đã đi là phải đi. Tôi không về.
Tôi đi bộ đội vì môi trường bộ đội kỷ luật nghiêm. Người con gái ở môi trường quân đội về mặt đạo đức gia đình không phải lo.
Buổi sáng tôi đi. Mẹ vừa chuẩn bị bữa ăn vừa khóc, bố thì lại bên con gái dặn dò.
Con mới ngoài mười sáu tuổi chưa hiểu về cuộc sống nên bố phải dặn con một số điều.
Thứ nhất, nếu bọn con trai nhìn vào mắt con thì con không được nhìn lại. Con phải quay mặt đi hoặc cúi mặt xuống. Nếu nhìn vào mắt bọn con trai con sẽ hư hỏng. Nếu bọn con trai ngồi sát lại gần con thì con dịch ra. Con dịch ra rồi nó vẫn xích lại thì con đứng lên bỏ đi. Nếu bọn con trai bắt tay con thì con nhanh chóng rút tay ra.
Thứ hai, đi bộ đội là làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng. Không phải thích thì đi không thích thì về. Con người sống phải kiên nhẫn. Không chỉ kiên nhẫn trong chiến trường mà phải kiên nhẫn suốt cả cuộc đời. Nhiệm vụ được giao đã nhận lời là con phải làm đến nơi đến chốn.
Thứ ba, vào đấy ai cũng là bạn của con, nhưng để tâm sự chuyện riêng tư sâu kín thì con phải cần có thời gian hiểu nhau.
Tiếp theo bố đưa cho tôi cuốn sổ, tập giấy, cây bút kim tinh và tập sách giáo khoa. Trang bìa cuốn sách bố ghi “Gắng học và đánh giặc”. In đậm, đóng khung.
- Con tranh thủ học. Làm thơ. Viết những chuyện xảy ra trong chiến trường. Viết về lòng tự hào tình yêu đất nước.
Bố tôi muốn những đứa con gái ngoài khéo léo thêu thùa may vá còn phải học giỏi, có chí khí và biết làm thơ. Bố rèn luyện những đứa con biết nghe lời, học giỏi.
Tôi nghe lời bố, tránh tất cả những ánh mắt của bọn con trai. Cả thời thiếu nữ rồi đến khi lấy chồng sau này chưa khi nào tôi dám nhìn thẳng vào mắt người đàn ông. Hai mươi sáu tuổi, thấy con gái sống nghiêm khắc quá bố lo lắng. Con cứ thế này thì chẳng sướng được đâu. Bố lo tôi không lấy được chồng. Sau tôi còn một đàn em đã đến tuổi. Tôi đã lấy chồng. Ở nhà chồng về bố nhìn ánh mắt tôi buồn rười rượi.
***
Mười sáu tuổi, má hồng bầu bĩnh mắt tròn xoe. Tôi là đứa con ngoan. Lời bố dặn dò luôn khắc ghi trong lòng.
Chuyến tàu đêm chở quân chạy vào Nghệ An. Tôi cố kiềm lòng để không rơi một giọt nước mắt.
Cả toa tàu tiếng khóc thút thít. Tàu dừng lại. Ông chỉ huy ra lệnh. Người nào khóc hãy xuống tàu ngay. Tất cả im bặt. Chúng tôi khóc vì nhớ nhà. Không phải khóc vì sợ chết.
Lớp học y tá ở Cữ Nấm. Học ở hội trường. Buổi thảo luận là ở đồi sim.
Đang giờ học anh Tùng viết mảnh giấy nhắn. Lát học xong nán lại có chuyện muốn nói.
Tôi ra khỏi lớp sau cùng. Anh đứng chặn bên bàn. Anh nhìn tôi. Tôi quay mặt đi nơi khác.
- Tớ muốn cho cậu một chiếc khăn mùi xoa.
- Không.
Tôi đi nhanh ra khỏi lớp. Khăn mùi xoa dùng để lau nước mắt. Tôi lấy khăn mùi xoa làm gì.
Anh Tùng là một trong những người học giỏi trong lớp. Tôi thì hay làm thơ, nhiều người để ý. Đồi sim trải rộng mênh mông. Đang mùa sim chín. Từng nhóm tản mát trao đổi bài vở. Tôi ngồi một mình bên bụi sim nhặt những quả chín. Anh Tùng đứng bên tôi từ khi nào không rõ. Anh lôi trong túi áo ra chiếc khăn mùi xoa gấp tư nhỏ gọn.
- Cho này.
- Không. Đồng chí đừng làm thế. Tôi còn ít tuổi.
- Cất nhanh lên đi. Bọn kia nhìn thấy bây giờ.
Tôi sợ các bạn nhìn thấy.
Hai chiếc khăn mùi xoa trắng tinh. Mỗi khăn đều vẽ bằng bút chì hình hai con chim và hai chữ T chồng lên nhau. Một chữ thường và một chữ hoa.
- Nhờ cậu thêu theo mẫu.
Tôi đỏ mặt. Cảm thấy rất bực bội. Tôi giấu vội khăn vào cuốn sổ. Suốt buổi học chẳng thể tập trung được.
Anh làm cho tôi khó xử. Tôi có kim chỉ thêu trong ba lô nhưng làm sao tôi dám thêu trước mặt các bạn. Mấy lần định lấy ra thêu tôi lại thôi.
Một tuần sau có buổi sinh hoạt trên đồi sim như hôm trước. Anh lại chỗ tôi ngồi đem theo một nắm sim chín ửng.
- Trả lại khăn cho đồng chí. Tôi không biết thêu.
Anh thần mặt. Tự nhiên tôi bối rối. Cảm thấy như là người có lỗi.
- Cậu giữ một cái tớ giữ một cái.
Từ lúc trả chiếc khăn, cảm xúc về anh Tùng trong tôi có gì đó đã khác lạ.
Hai hôm rồi không thấy anh đi học. Tôi băn khoăn. Hôm thứ ba, thứ tư rồi vẫn không thấy đâu. Cảm giác thiếu vắng. Đến bếp nhà ăn mắt tôi tìm kiếm. Chuyện gì mà phải nghỉ lâu như vậy chứ. Tôi không dám hỏi ai.
Đến hết một tuần tôi không kiên nhẫn được nữa. Tan học tôi chạy ào về phía học viên nam ở.
Dãy lán sơ sài. Một cơn mưa nhẹ cũng ướt hết. Anh Tùng nằm thiêm thiếp. Anh bị sốt rét ác tính cả tuần nay.
- Có bài thơ này cho cậu.
Anh với tay ra sau gối lấy bài thơ chép trên một tờ giấy. Giọng anh yếu ớt. Tôi phải nhấc thêm vài bước mới với tới gần tay anh. Học viên nam từ hội trường về, tôi bỏ chạy. Tôi sợ họ phát hiện ra rồi thêu dệt thành một câu chuyện. Tôi vẫn chưa hỏi thăm anh được câu gì.
Sau này tôi mới biết là anh đã viết thư báo tin bị sốt rét qua anh Mạnh nhưng anh Mạnh đã không đưa. Thay vì lá thư của anh Tùng thì anh Mạnh gửi lá thư của riêng mình.
Sáu tháng học trôi qua. Mỗi người về một đơn vị.
Một hôm tôi đang ngồi trên xe đi chở thương binh trong Quảng Trị ra. Xe dừng lại vài phút. Một chiếc xe cứu thương đi ngược lại có anh Tùng ngồi trên đó. Anh nhận ra tôi nên đã xin lái xe dừng lại. Anh chạy sang bên xe tôi.
- Thanh, xuống đây.
Tôi bất ngờ. Chưa kịp nói gì thì xe tôi chạy luôn.
Trong khoảnh khắc đó tôi nhận ra mình thương anh rất nhiều. Bạn bè ngồi quanh xe mà lòng tôi bơ vơ. Hình ảnh anh từ xe bên kia chạy sang gọi tên tôi lúc đó làm sao quên được.
Một buổi chiều tôi đi vào rừng lấy củi thì anh Tùng áp tải thương binh đến phẫu sư đoàn. Anh viết một mẩu giấy nhắn nhờ chị Tuyết chuyển cho tôi. Anh nhắn rằng ba ngày nữa quay trở lại. Kèm theo đó là tên xã, huyện ở quê anh.
Tôi chờ anh suốt ba ngày sau đó. Tôi chờ thêm ba tháng. Chờ thêm ba năm nữa vẫn không thấy anh quay lại như đã hứa.
Tôi kể với bố chuyện về anh. Tôi muốn đi tìm anh. Bố nói, nếu nó còn sống thì đã đi tìm con.
Chiếc khăn mùi xoa trở thành kỷ vật chiến tranh tôi đem về nhà. Ngày ra đi ba mươi lăm cân, năm năm sau tôi trở về còn cân nặng ba mươi, môi thâm sì mắt trắng dã tóc xơ. Bố đào những con giun đất gói trong lá mùng tơi bảo tôi nuốt sống. Nuốt chín con giun đất rồi cơn sốt rét vẫn không dứt. Tôi đi vào chiến trường bố mạnh mẽ lạc quan, tôi an toàn trở về với gia đình thì bố khóc. Bố khóc vì xót xa thể lực con gái tuổi thanh xuân hay mừng vui con hoàn thành nhiệm vụ. Năm năm ở chiến trường và mất mười năm tôi mới quay trở lại được trạng thái sống như một người phụ nữ bình thường.
Tôi đưa chiếc khăn mùi xoa ra ngắm nhìn. Sau đó tôi lại giặt cất kỹ vào rương. Giặt mấy lần khăn mỏng tang. Chất vải trắng trong thì vẫn nguyên vẹn.
Năm kia chúng tôi đã gặp được nhau. Tôi vẫn không dám nhìn vào mắt anh.
Tôi viết thư về hỏi ông chủ tịch xã theo địa chỉ ở lời nhắn cuối cùng năm ấy. Ông chủ tịch xã đã mang thư đến nhà anh.
Anh vẫn còn sống hả anh Tùng ơi. Tôi không biết mừng hay là giận dữ.
- Thanh vẫn thế. Chẳng khác gì cả.
Bốn mươi lăm năm rồi anh bảo tôi chẳng khác gì là sao. Tôi thì thấy anh khác nhiều quá. Không còn là anh Tùng nhanh nhẹn thông minh như ngày ấy.
- Hồi đó thấy em vậy anh cứ tưởng em yêu thằng Mạnh.
- Vâng, anh Mạnh gặp lại em cứ tưởng em và anh lấy nhau. Anh còn giữ chiếc khăn mùi xoa không?
- Mất lâu rồi. Thanh vẫn nhớ chuyện đó sao?
Tại sao anh lại nghĩ tôi có thể chuyện đó chứ?
Tôi trân trối nhìn chiếc khăn lần cuối. Tôi quàng chiếc khăn lên cổ đứa cháu nội đang ngồi bên bàn ăn. Giữ làm gì nữa khi người ta không còn nhớ. Vài hôm sau chiếc khăn rơi đâu mất.
Tôi lên tàu về quê tìm chị Lân. Tôi đã hỏi được thủ tục làm chế độ chất độc da cam cho những người mất giấy tờ. Tới nhà mới biết chị vừa mất. Chồng chị đã mất trước đó sáu năm. Anh là thương binh, chị bị nhiễm chất độc không sinh được con. Từ ngày anh mất chị trở nên điên điên dại dại. Lần cuối cùng tôi về thăm chị lúc chị còn tỉnh. Chị nhờ tôi bằng cách gì đó được hưởng chế độ chất độc da cam vì chị không ra đồng cấy cày được nữa.
Tôi ra chợ mua một nắm lá lốt về nấu canh. Nhớ bữa ăn vội vàng ở phẫu. Không ai ăn cùng tôi. Vị canh lá lốt hình như đã khác xưa mà tôi thì không sao khác đi được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.