SỰ HÀO PHÓNG CỦA THƯƠNG NHÂN NHẬT BẢN
Hồ sơ về ma nhai (văn khắc trên vách đá) Ngũ Hành Sơn do ngành chức năng TP.Đà Nẵng lập đề nghị UNESCO công nhận là di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhận định ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là nguồn cứ liệu lịch sử chân xác phản ánh mối quan hệ giao lưu văn hóa, kinh tế, xã hội của VN với các nước, nhất là Nhật Bản. Nổi bật nhất là văn bia Phổ Đà sơn linh trung Phật do thiền sư Huệ Đạo Minh soạn năm Canh Thìn (1640), nằm ở vách đá bên trái của tượng Quán Âm tại Hoa Nghiêm.
Theo khảo tả của TS Nguyễn Hoàng Thân, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn (Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng), kích cỡ văn bia dài 96 cm, rộng 59 cm. Ngoài tiêu đề, văn bia này có 23 dòng, trung bình độ dài mỗi dòng gồm 48 chữ. Trên thực tế, Phổ Đà sơn linh trung Phật có 4 phần, gồm: phần tiêu đề 1 dòng; phần văn bia 5 dòng; phần công đức có số dòng nhiều nhất với 49 dòng (chiếm gần 90%) và phần cuối 1 dòng ghi năm, người lập văn bia…
"Từ nội dung văn bia, chúng ta thấy trước thời điểm năm 1640, ở Ngũ Hành Sơn đã có cơ sở thiết chế, di tích Phật giáo, cụ thể là chùa Bình An. Nhưng thời điểm này các di tích đó đã "quá sụp nát", do đó thiền sư Huệ Đạo Minh phải "khuyên mời những người hiểu biết chung bỏ của nhà, hết lòng việc thiện để sửa chữa và dựng mới, trên là động núi Phổ Đà mới xây, dưới là chùa Bình An làm lại", TS Thân cho hay.
Hồ sơ về tấm bia cho biết, trong số 82 người tham gia phụng cúng tiền của để xây dựng chùa Bình An, có tên của 7 người Nhật sinh sống tại Nhật Bản dinh (khu sinh sống của người Nhật tại Hội An xưa). Những người Nhật này có tên Heizaburo, Shogoro, Shunmon, Achiko, Shichiro Bei, Akiu, Heiza Emon. Đặc biệt, một số dòng họ thương gia đến đây buôn bán có thể được xem là hạng đại thương gia, có tiếng tăm và quyền lực. Số lượng người Nhật được nhắc tên trong tấm ma nhai chiếm 18,2%. Lượng tiền mà họ đóng góp cho chùa là 871 quan (chiếm 57,2%) và 50 lạng bạc (chiếm 71,4%) trong tổng lượng tiền bạc quyên góp xây dựng chùa.
Theo TS Nguyễn Hoàng Thân, qua số liệu trên, cho thấy người Nhật góp cúng nhiều nhất. Những người tham gia góp cúng chủ yếu ở vùng Hội An với số tiền góp cúng bình quân tương đối cao, trong khi đó lại có rất ít người thuộc vùng đất Đà Nẵng hiện tại tham gia góp cúng. Điều này cũng là tư liệu đóng góp đáng tin cậy về bức tranh kinh tế vùng miền của xứ Quảng Nam xưa.
LƯU DẤU KỶ NIỆM HÔN NHÂN QUỐC TẾ
Hồ sơ về ma nhai cho biết một dữ kiện thú vị, đó là trong số những người Nhật có tên trong Phổ Đà sơn linh trung Phật có 3 người không đến từ Nhật Bản dinh mà đến từ Nhật Bản quốc, gồm: Chaya Takeshima, Kawakami Kaheie, Asami Yasuke. Chi tiết này chứng tỏ những người Nhật này không định cư ở Hội An mà là thương khách từ Nhật Bản đến Hội An bằng thương thuyền. Của cải họ phụng cúng là 570 cân đồng - một thứ hàng hóa mà thương nhân Nhật thường buôn bán trao đổi ở Hội An, chứ không phải quan tiền, bạc nén như các phật tử khác. Điều này cho thấy, bức tranh mậu dịch của các thương nhân Nhật Bản ở Hội An trong giai đoạn này sinh động hơn nhiều so với những gì trong sử sách đã ghi chép lại.
Theo nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng, văn bia Phổ Đà sơn linh trung Phật là nguồn thông tin rất quý giá để góp phần phục dựng một cách chân thật nhất tấm "căn cước lịch sử - văn hóa" của di tích quốc gia đặc biệt này. Qua những thông tin còn lưu giữ trên tấm bia này, có thể giúp hậu thế hình dung quá trình hình thành và phát triển các cổ tự ở Ngũ Hành Sơn với tư cách một trung tâm Phật giáo Đàng trong đương thời; có thể giúp hậu thế hình dung sự hiện diện và đóng góp công đức hoằng dương Phật pháp của các thương nhân người Nhật và người Hoa ở Hội An nói riêng và ở đất Quảng nói chung.
TS Nguyễn Hoàng Thân cũng nhận định văn bia Phổ Đà sơn linh trung Phật đã cho thấy tính quốc tế của Phật giáo đất Quảng đương thời. Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn ngày nay chính là tiếp nối Phật giáo đất Quảng mang tính quốc tế từ xưa. Đáng chú ý, TS Thân còn cho biết, văn bia là vật lưu dấu kỷ niệm, sử liệu về hôn nhân quốc tế giữa người Việt với người Nhật từ 400 năm trước.
"Người Nhật đến sinh sống và buôn bán ở Hội An như nói trên đã kết hôn với phụ nữ Việt. Bài văn bia này đã nhắc đến hôn nhân của 5 cặp giữa chồng người Nhật với vợ người Việt, gồm: ông Heizaburo lấy bà Nguyễn Thị Chức, ông Shunmon lấy bà Đỗ Thị Mượn, ông Achiko lấy bà Ngô Thị Chủng, ông Shichiro Bei lấy bà Nguyễn Thị Nụ, ông Heizaemon lấy bà Nguyễn Thị Nở. Như vậy, tư liệu này cho thấy mối quan hệ hôn nhân gia đình giữa người Việt và người ngoại quốc đã xuất hiện rất sớm trong lịch sử, chí ít cũng từ nửa đầu thế kỷ 17", ông Thân thông tin. Trong số đó, văn bia cho biết, có tổng cộng 871 quan tiền quyên góp xây dựng chùa Bình An thì riêng gia đình ông Heizaburo và vợ là bà Nguyễn Thị Chức đóng cao nhất, là 300 quan. (còn tiếp)
Bình luận (0)