Khách sạn ngăn cản
|
Theo chân vợ chồng du khách người Mỹ tham quan một vòng nội thành TP.HCM, chúng tôi phát hiện ra rằng, thật nan giải khi phải giải quyết nhu cầu cần thiết nhất của con người. Xuất phát từ phố Tây Phạm Ngũ Lão, chúng tôi đi dọc công viên 23.9 hướng về chợ Bến Thành. Bên trong công viên có vài ba nhà vệ sinh công cộng nhưng rất bé. Tướng người cao 1,9 m như anh người Mỹ kia thì khó mà lọt vào bên trong. Phía trước nhà vệ sinh gần rạp xiếc, người ta bày một cái tủ bán kẹo cao su và chất đống nhiều đồ đạc khác, có cả một chiếc xe rác bốc mùi hôi thối. Anh chồng tặc lưỡi, bỏ đi.
Chúng tôi bảo rằng, ráng thêm vài trăm mét nữa sẽ tới chợ Bến Thành, bên trong thế nào cũng có nhà vệ sinh. Lùng sục một hồi chẳng thấy bất kỳ bảng hướng dẫn nào trong cái chợ có 4 cửa rộng mênh mông này, chúng tôi hỏi người bán hàng. Hóa ra, chợ Bến Thành có hai toa lét nằm ở hai góc phía cửa Bắc. Muốn “trút bầu tâm sự”, du khách phải bước qua chợ cá tanh mùi nồng nặc. Điều khiến vợ chồng vị khách đi cùng chúng tôi bật cười khi bỏ ra 2.000 đồng để mua vé đi tiêu/tiểu và 500 đồng tiền giấy vệ sinh.
Tại khu vực Nhà thờ Đức Bà và Bưu điện Thành phố chỉ vỏn vẹn có một khu nhà vệ sinh nhỏ xíu nằm khuất trong một góc phía đường Nguyễn Văn Bình, cạnh bưu điện. Thực tế, du khách muốn tới đây phải hỏi ít nhất 5 - 7 người mới tìm được. Ngay như chúng tôi, những người rành rẽ đường sá ở khu vực này, vẫn khó đoán định được nhà vệ sinh nằm ở chỗ nào. Nhà vệ sinh ở đây thu tiền 2.000 đồng/khách. Các cung đường lớn, có đông du khách lui tới như Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Lê Duẩn… tuyệt nhiên không có toa lét công cộng. Công viên 30.4 trước Hội trường Thống Nhất cũng không có cái nào.
Nhiều du khách vào khách sạn, nhà hàng để đi nhờ, thường lịch sự hỏi bảo vệ hoặc tiếp tân nhà vệ sinh ở đâu. Tuy nhiên, vì biết rõ du khách không phải lưu trú trong khách sạn, nên nhiều nhân viên trả lời không có nhà vệ sinh chung.
|
Trách nhiệm, không phải nghĩa vụ
Trong nội dung trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên ngày 21.12, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM Lã Quốc Khánh, cho biết sẽ lấy ý kiến của khách sạn, nhà hàng và khuyến khích họ “mở cửa” cho khách vãng lai. Trong khi đó, các doanh nghiệp lữ hành, chuyên gia du lịch cho rằng nhà hàng, khách sạn, trung tâm mua sắm phải có trách nhiệm với du khách. Bởi lẽ, du khách chính là đối tượng khách mà họ nhắm tới.
Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty dã ngoại Lửa Việt, hệ thống nhà hàng, khách sạn cần tạo cho mình một thói quen có trách nhiệm với du khách, cho dù khách đó không ở trong khách sạn hay ăn uống trong nhà hàng của mình. “Ở Thái Lan, các siêu thị, cửa hàng được xây dựng gần đây đều làm nhà vệ sinh phục vụ du khách, bất kể là khách ghé vào sử dụng có mua đồ hay không. Người Thái cạnh tranh bằng những chi tiết nhỏ nhất như vậy. Chúng ta nên nhớ như thế này, nếu không phục vụ du khách, là tự mình cản trở việc kinh doanh của mình. Thực ra, có 20 khách vào nhà vệ sinh thì cũng có thể có người mua đồ. Các cây xăng trên thế giới người ta thường xây kèm một cửa hàng tạp hóa bên cạnh để bán nước uống, quà bánh và có nhà vệ sinh sạch sẽ cho người đi đường. Xe tấp vào có thể không đổ xăng, nhưng cửa hàng được lợi vì bán được hàng hóa. Các cây xăng ở ta, xe chở khách ghé vào, phải đổ xăng thì khách mới đi vệ sinh được”, ông Mỹ phàn nàn.
Ông Mỹ cho rằng, để buộc các khách sạn, nhà hàng “mở cửa” cho du khách giải quyết nhu cầu, khi cấp phép xây dựng mới hoặc sửa chữa, cần quy định khu nhà vệ sinh phải phục vụ khách vãng lai. Vấn đề này cũng có thể đưa vào luật để khi xây dựng các doanh nghiệp tuân thủ. “Các khách sạn, nhà hàng có thể thu tiền nhà vệ sinh để chi trả cho chi phí quản lý, nhưng tốt nhất là không nên thu tiền. Anh có thể “bỏ con tép để bắt con tôm”. Con tép ở đây là những đồng bạc lẻ, nhưng con tôm là những thứ lớn hơn anh có thể thu được bằng việc quảng bá hình ảnh không chỉ cho khách sạn, nhà hàng mà cho cả điểm đến. Thực ra, khách du lịch đến VN nhiều thì chính nhà hàng, khách sạn hưởng lợi”, ông Mỹ nói.
Theo các hãng lữ hành, hệ thống khách sạn, nhà hàng của nhà nước ở trung tâm Hà Nội và TP.HCM nên nêu gương làm trước việc này. Các doanh nghiệp tư nhân sẽ được vận động làm sau. “Đây là trách nhiệm, chứ không phải nghĩa vụ. Một khi VN trở nên thân thiện với du khách, họ sẽ ấn tượng sâu đậm hơn và quay trở lại hoặc quảng cáo cho điểm đến VN”, đại diện một hãng lữ hành khẳng định.
Ông Robert Tan, chuyên gia du lịch người Singapore, cho hay ở Singapore, Malaysia việc các đoàn khách đông người vào khách sạn, nhà hàng sử dụng nhờ nhà vệ sinh là chuyện bình thường. Đoàn khách luôn được nhân viên phục vụ chu đáo như bất kỳ khách lưu trú nào trong khách sạn, cho dù có đông người đến mấy. Theo ông Tan, các nhà hàng, khách sạn, trung tâm mua sắm nên biết rằng, việc phục vụ cho du khách đang đem lại lợi ích cho họ, cho ngành du lịch địa phương, chứ không phải của riêng các hãng lữ hành. “Vì thế, bên cạnh việc vận động nhà hàng, khách sạn, trung tâm mua sắm “mở cửa” đón khách đi nhờ nhà vệ sinh, cơ quan quản lý cần thiết có biện pháp bắt buộc họ phải có trách nhiệm”, ông Tan phát biểu.
Không đạt chuẩn Tại Hội nghị giao ban của Bộ VH-TT-DL diễn ra hồi tháng 8, báo cáo của Tổng cục Du lịch cho biết sau thời gian thực hiện chương trình Xây dựng nhà vệ sinh cộng cộng đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách, chỉ có 33% đạt chuẩn. Cụ thể, trong số 841 điểm du lịch trong cả nước, có 767 điểm có nhà vệ sinh và chỉ 275 điểm đạt chuẩn. Theo kế hoạch, năm 2012 sẽ có 50% điểm du lịch xây dựng đạt chuẩn và năm 2013 phải hoàn thành 100%. |
N.Trần Tâm
Bình luận (0)