Hồi tôi còn bé, gia đình tôi làm nông. Ngoài cây lúa, bao giờ bố tôi cũng dành ra hơn sào đất trồng rau, mùa nào thức ấy. Nhưng mùa đông bao giờ cũng nhiều loại rau củ nhất: cà chua, cải bắp, su hào, xà lách, cải củ…
Tôi vẫn nhớ những ngày giá rét phải dậy từ tinh mơ mang ô doa tưới rau. Người thì bé, cái ô doa nước chứa cả chục lít nước nặng vẹo xương sườn. Bố bảo tưới sớm để rửa sương muối, rau đỡ bị táp. Bây giờ những ngày sương muối hình như ít hơn xưa, chứ trước đây mùa đông có khi tháng đến 20 ngày sương muối.
Chợ Phú Minh 5 ngày một phiên. Mẹ gánh rau ra chợ bán lấy tiền chi dùng cho cả nhà. Ngày xưa lúa giống bản địa cho gạo ngon, nhưng sản lượng thóc thấp nên cấy vài ba mẫu ruộng cũng chỉ đủ thóc ăn. Hầu như không ai bán gạo. Nhà nào không làm nổi vườn rau ăn thì khi cần kíp quá tạm xúc vài đấu gạo đem ra chợ mua rau. Đấy là những nhà thiếu đói quanh năm chứ không phải nhà khá giả.
Nông thôn nghèo và đạm bạc lắm, nhưng có một thứ quả ở quê tôi người ta không bao giờ bán. Đó là mướp. Mướp trồng cho leo bờ rào, chả ai làm giàn mà quả vẫn trĩu trịt. Rặt một giống mướp trâu vỏ xanh đen, quả to dài. Người ta không bán mướp đã đành, nhưng cũng không tự động gọi nhau cho mướp. Muốn ăn thì xin rồi tự hái. Bao nhiêu cũng được. Những quả mướp già để khô sau này lấy xơ làm miếng rửa bát tốt lắm.
Hỏi tại sao mọi thứ đều bán được mà mướp thì không, và cũng không cho nếu không ai xin thì được người lớn giải thích mướp là cái nghèo, nghèo như xơ mướp. Sao lại đem cái nghèo cho người khác? Kiêng đấy.
Thực ra mướp khá hữu dụng. Ngọn mướp, nụ hoa mướp nấu canh cua ngon đáo để. Quả đem nấu canh hoặc xào đều ngon. Mướp còn làm được việc săn sóc hiếm hoi cho người ốm. Hái lá mướp lót dưới chiếu người ốm nằm thì bao nhiêu mùi hôi được hút sạch.
Một giống cây có ích đến thế song hành với cuộc sống người dân quê tôi, gần mà xa, xa mà gần. Bây giờ mọi nơi người ta trồng mướp bán, có giống mướp hương quả nhỏ thơm ngon. Quê tôi người ta vẫn cho leo bờ rào cả giống mướp hương có giá trị thương mại, nhưng vẫn giữ lệ xưa không bán. Không ai lại đi bán cái nghèo cho người khác, cũng như không ai lại đi mua cái nghèo về nhà mình.
Câu chuyện quả mướp chỉ là một ký ức nhỏ, rất nhỏ về quê. Nó là một nét văn hóa sâu thẳm của những con người chất phác, thật sự nhân ái. Nhớ lại thấy yêu quê hương mình quá, thương những người lăn lóc trên đồng quá. Nó thực sự khác xa với văn hóa sống thời nay, nhiều người chỉ săm se chụp giật không cần biết đến mọi người.
Bình luận (0)