Tiễn biệt nhà thơ Lê Văn Ngăn

27/02/2015 15:33 GMT+7

(TNO) Từ sáng nay 27.2, những người yêu mến nhà thơ Lê Văn Ngăn và anh em thân thiết ở tòa soạn Báo Thanh Niên đã thảng thốt khi nghe tin dữ.

(TNO) Từ sáng nay 27.2, những người yêu mến nhà thơ Lê Văn Ngăn và anh em thân thiết ở tòa soạn Báo Thanh Niên đã thảng thốt khi nghe tin dữ.

Nhà thơ Lê Văn Ngăn, 72 tuổi, nguyên Phó chủ tịch Hội VHNT tỉnh Bình Định, vừa từ trần vào hôm nay sau một thời gian bị bệnh và điều trị tại TP.HCM.
Lê Văn Ngăn là một thi tài đặc biệt, cả về ngôn ngữ thơ lẫn cấu tứ, nhờ đó anh có một giọng thơ riêng biệt từ rất sớm. Anh được trao giải nhất cuộc thi thơ của Trường Quốc học Huế khi còn là học sinh. Khi đất nước ngập trong chiến tranh, anh từng có nhiều bài thơ như Sóng vẫn đập vào eo biển, Đất của những người bất phục… tạo được dư luận, được chọn phát nhiều lần trên Đài Giải phóng, đăng trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam và một số tạp chí văn nghệ yêu nước. Thế nhưng mãi đến năm 2008 anh mới chính thức in tập thơ đầu tay Viết dưới bóng quê nhà (do NXB Hội Nhà văn xuất bản).
Ngôn ngữ thơ anh dung dị chất phác như con người anh, nhưng ẩn chứa ở tầng sâu của nó một tâm hồn cao cả. Anh vẫn nói, đó là thứ ngôn ngữ mà anh "đi săn" từ cuộc sống...
Thời nhà thơ Thái Ngọc San làm Thư ký Tòa soan tạp chí Sông Hương, anh San chỉ muốn một điều: Đăng thơ của hai người bạn thơ thứ thiệt, đồng trang lứa mà anh quý trọng là Lê Văn Ngăn và Trần Phá Nhạc. Còn nhà thơ Ý Nhi kể, khi còn là một biên tập viên của Nhà xuất bản Tác phẩm mới ngoài Bắc, chị đã có ý muốn khi vào Nam là phải gặp Lê Văn Ngăn và đề nghị anh tập hợp sáng tác để in thành tập, vì quý tài anh. Nhà thơ Ngô Thế Oanh thì gọi "Lê Văn Ngăn là nhà thơ không bao giờ lớn tiếng" khi viết lời giới thiệu tập thơ Viết dưới bóng quê nhà của anh...
Gặp anh nhiều lần khi thì ở Báo Thanh Niên, ở Đà Nẵng hay Quy Nhơn, tôi thường thấy anh một mực yêu quý bạn bè, lắng nghe họ nói chuyện. Có lúc còn lấy giấy ghi chép câu chữ nào đấy mà mình tâm đắc. Thơ với anh như là cuộc sống vậy. Anh yêu mến từng phút giây của tình thật, của đời thật, dù là khổ đau cay đắng. Và như anh từng nói:
Mẹ tôi sinh tôi ra dưới đáy xã hội
Nuôi tôi lớn lên từ dưới đáy xã hội
Từ dưới vực sâu tôi thường thấy một mảnh trời anh ở trên cao
Lắng nghe tiếng guốc vọng về từ dòng thời gian xa tắp
Ước mơ một mảnh đời sáng tươi không phải của mình…
Và,
Giờ đây dưới những dòng chữ tôi viết giữa đêm khuya
Dường như vẫn lấp lánh nước mắt của người đã khuất…
Lê Văn Ngăn ra đi là một tổn thất không chỉ cho gia đình, bạn bè, mà của cả những người yêu thơ.
Thơ Lê Văn Ngăn
Tưởng nhớ Lê Văn Ngăn và hiểu thêm một tâm hồn thơ sâu thẳm với một ngôn ngữ bình dị mà đau đớn, Thanh Niên Online xin giới thiệu chùm thơ anh viết năm 1986 đã được đăng trên tạp chí Sông Hương và bài thơ gần đây đã đăng trên Thanh Niên:
SƠ THẢO CHÂN DUNG
Căn nhà anh khuất trong xóm nhỏ
Nơi ấy mỗi ngày
anh làm những công việc nhỏ.
Đôi khi nhìn anh rửa sạch chén bát sau bữa ăn hay ngồi trước một trang sách mở
tôi ngỡ nhìn thấy một người đang lặng lẽ lau sạch tâm hồn mình khỏi các ảo tưởng.
Đêm khuya nào, còn nhớ không
chúng ta ngồi dưới nền trời sao, lắng nghe tiếng biển vọng về từ cuối xóm
Anh bảo thời trẻ tuổi của anh đã qua rồi
việc lớn giờ đây là việc của những người trẻ tuổi.
Đêm trước lúc tôi lên đường đi xa, còn nhớ không
chúng ta mời nhau vài ly rượu tiễn
Anh bảo hãy uống thêm ly nữa kẻo mai sau, trong chuyến đi xa cuối cùng
chẳng ai tiễn được ai đâu,
Chia tay anh, tôi về tìm những gam màu lạc quan để vẽ chân dung anh
chân dung một người luôn nhìn vào sự thật...
(Đăng trên Thanh Niên)
CHỊ NẤU BẾP CỦA CÁC THỨ ĐẮNG
Nơi khách sạn ấy
có những người đến để ngồi vào bàn ăn dọn sẵn
và có những người như chị nấu bếp
chị thường đứng bên bụi bặm, lửa, khói
đằng sau tình yêu, nghệ thuật, bông hoa
chị muốn biết những trái mướp đắng
thành thức ăn ngon
cuối cùng, sau nhiều lần thất bại
chị đã tìm thấy phép tính của đắng, cay, ngọt, bùi
đắng, cay, ngọt, bùi
thức ăn của chị gồm đủ thứ như thế
và chị còn một chất đắng khác
chất đắng trong ly cà phê
một người khách đã bảo chị: xin cho thêm chút đường
một người khác bảo: cà phê nầy quá ngọt
cứ như thế cho đến lúc chị nhận ra mỗi người có những chuyện giống nhau
không ai muốn thứ đắng quá
không ai muốn thứ ngọt quá.
GHI Ở MỘT NHÀ HỘ SINH
đây là đứa bé mới ra đời
từ cuộc hôn phối không tình yêu
bao nhiêu năm bao nhiêu nỗi buồn nơi người mẹ
đã in bóng vào khuôn mặt đứa con
con ơi, con ơi
tình yêu chưa tắt trong mẹ sẽ là chiếc khăn dịu dàng
lau sạch khuôn mặt con hết bóng tối
và mẹ sẽ soi đời mình vào khuôn mặt con
thấy lại chút hơi ấm đã từ lâu vắng vẻ
con ơi con ơi, tình yêu mới ra đời ơi
liều thuốc chữa nỗi đau ơi
phần thưởng dành cho nỗi đau ơi
mẹ tin: ngay cả những người bất hạnh nhất
cũng sẽ có ngày sung sướng
MỘT NGƯỜI CHA ĐÃ NÓI NHƯ THẾ
có con, cha phải chia bớt tự do của đời mình
rời khỏi những con đường khuya, cha bước vào
ngồi ở thức canh bên giường bệnh
con người còn bé bỏng này
cần nắm những bàn tay mạnh hơn
để vượt qua một cơn sốt
cha đã chia bớt cho con một phần tự do, thứ quý nhất trên đời
và chẳng buộc con trả giá
trong cuộc sống này, vẫn có những người sống với nhau
không cần theo cách đổi chác
cha cũng không mong con ở mãi bên cha
chim non sẽ đến lúc rời tổ, bay vào trời rộng
con người sẽ đến lúc rời mái nhà mẹ cha, bước theo tiếng gọi của người tình
quả thật, sống gần nhau trong hôm nay
đã thấy trước một ngày không nhìn thấy nhau
ngày ấy, cha sẽ chủ thầm: niềm vui cũng thuộc phần kẻ nào
đã sinh ra người yêu
mong con đừng làm tắt ngấm niềm vui ấy
nghĩa là đừng rẽ vào con đường của kẻ cướp bóc
đừng uống ly bia làm bằng men bất công và mồ hôi của người lương thiện.
(SH20/8-86)
T.Đ.T
(ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.