Biết tôi chuẩn bị về Sài Gòn, ông bạn “thổ địa” ở H.Cư Jút, tỉnh Đắk Nông đãi món “bọ cạp thành tinh chiên giòn”. Lần đầu tiên trong đời tôi chứng kiến những con bọ cạp to như vậy. Hỏi ra mới biết, loại bọ cạp khủng này chỉ vài người ở đây săn được. Thấy tôi rất “máu” chuyện đi săn bọ cạp, ông bạn chỉ đường tôi đến nhà ông Lê Xuân Hiền - một trong hai sát thủ bọ cạp núi hiếm hoi ở TT.Ea T’ling, H.Cư Jút.
Gặp sát thủ “bọ cạp thành tinh”
“Mang tiếng” là dân thị trấn, nhưng nhà ông Hiền nằm cuối con đường đất quanh co, gần chân núi. Khi tôi xin tháp tùng một chuyến đi săn bọ cạp, ông Hiền bảo: “Muốn bắt bọ cạp phải đi buổi sáng. Chú muốn đi thì mai qua sớm đi cùng”.
Gọi vợ lấy thau bọ cạp khoảng gần 100 con vừa bắt cho tôi xem, ông Hiền chia sẻ: “Bắt được chừng này bọ cạp phải đi hơn 10 km qua tận rừng Đắk Min đó. Ở gần đây cũng có nhưng ít, mà cái nghề này không có mấy người làm được đâu”.
Người đàn ông 63 tuổi này bắt đầu hành nghề săn bọ cạp từ hai năm nay. Thoạt đầu, nó như nghề tay trái tìm cảm giác vui thú trong thời gian nghỉ chăm bón vườn tiêu. Nhưng gần đây tiêu chết, giá rớt thê thảm nên săn bọ cạp trở thành công việc mưu sinh hằng ngày của ông.
Chỉ vào thau bọ cạp, ông Hiền nói: “Con lớn bán khoảng 5.000 - 6.000 đồng. Trừ một số con chết, chừng này cũng kiếm được 300.000 - 400.000 đồng. Người ta mua để làm món ăn, nhưng phần lớn ngâm rượu. Khách hàng của tôi khắp nơi, nhiều nhất là ở miền Bắc”.
Bắt một con bọ cạp to hơn ngón tay cái lên đưa cho tôi xem, ông Hiền tiết lộ: “Cỡ con này bán cho khách lẻ có thể được 10.000 đồng, chứ nhà hàng mua thì họ ép giá chừng 4.000 - 5.000 đồng thôi”.
|
Thấy con bọ cạp quá to, tôi hỏi: “Đây là mấy con bọ cạp “thành tinh”?”, ông Hiền lắc đầu: “Không, bọ cạp “thành tinh” có thể to gần bằng ngón chân cái và thường ở trong các ụ mối. Nó ăn mối và sống luôn trong đó để tiêu thụ hết kho thức ăn bổ béo. Đặc biệt là trong ụ mối này, ngoài con bọ cạp “thành tinh” được coi là bọ cạp chúa, còn có hàng chục con bò cạp nhỏ hơn. Có lẽ do con bọ cạp thủ lĩnh được cung phụng thức ăn ngon nhất nên mới phát triển cơ thể to gấp mấy lần những con khác”.
Trong lúc ông Hiền nói chuyện, hai đứa cháu cứ vây quanh thau bọ cạp. Tôi tá hỏa khi ông Hiền đưa mấy con bọ cạp cho chúng... chơi. “Tụi nó quen rồi. Mà mấy con tôi đưa cho cháu chơi đã bẻ kim chích nọc độc rồi”, ông Hiền nói. Có lẽ, loài vật mang nọc độc và có hình dáng làm nhiều người ghê sợ này, đối với hai đứa cháu ông Hiền chẳng khác gì một con... tôm hay món đồ chơi.
|
Săn bọ cạp bằng... kiến
Đúng hẹn, 8 giờ sáng hôm sau tôi đến nhà ông Hiền để đi săn bọ cạp. Ông Hiền nhìn tôi rồi bảo: “Để tôi đưa chú đi gần thôi, chứ theo tôi đi xa mười mấy cây, lội mấy quả đồi nữa, chú không đi nổi đâu”. Tôi cùng ông Hiền lên đường.
Không mang theo dụng cụ gì ngoài chiếc xô và một bọc ni lông đen, tôi hỏi: “Đồ nghề của chú chỉ có vậy thôi sao?”. Ông Hiền chỉ vào bọc ni lông: “Bửu bối nằm trong này nè”. Thì ra trong đó đựng toàn kiến. “Khi thấy hang bọ cạp mình bỏ đám kiến khoảng 10 con vô... chiến đấu. Bọ cạp to nhưng không nhanh bằng kiến. Với lại, 10 con kiến bu vô đốt thì bọ cạp chịu sao thấu nên nó phải chạy ra khỏi hang. Cứ thế là tóm thôi”, ông Hiền giải thích.
Đi một quãng đường chừng 3 km, ông Hiền dừng lại rẫy điều, đi lòng vòng một lúc, ông Hiền chỉ vào cái lỗ hơi dẹp, to bằng ngón tay cái: “Hang bọ cạp hình dạng tương tự hang cua đồng, to hơn hang dế và miệng hang không láng như hang rắn”.
|
Ông Hiền cho kiến vào hang. Chưa đầy 15 giây sau một chú bọ cạp đen thui, bóng nhẫy luống cuống chạy ra khỏi miệng hang, cong đuôi lên tự vệ. Nhưng với sát thủ bọ cạp như ông Hiền thì cái đuôi chứa nọc độc đó chẳng tích sự gì. Chớp một cái, ông Hiền dễ dàng túm lấy con bọ cạp xấu số bỏ vào xô nhựa.
Hơi ngạc nhiên với cách bắt bọ cạp như giỡn chơi này, tôi hỏi: “Chú không dùng bao tay, lỡ nó chích nọc thì sao?”. Ông Hiền cười: “Dân chuyên nghiệp ai bắt kiểu đó. Mình cứ tóm gọn cái đuôi là nó không tài nào chích được. Hồi mới làm nghề tui cũng bị nó chích, nhưng sức đề kháng tôi tốt nên vài hôm là khỏi. Nhưng chú đừng dại mà bắt kiểu đó. Lỡ bị nó chích có người phải đi viện truyền nước và nằm cả tuần mới khỏi đó”.
Sau gần 2 tiếng, số bọ cạp bắt được là 53 con. Ông Hiền nói: “Hôm nay tui bắt biểu diễn cho chú xem thế thôi. Giờ tôi về đem bọ cạp đi lên phố bán chứ để lâu là nó ốm, chết, uổng công mình”.
“Thế bọ cạp “thành tinh” đâu?”, tôi hỏi. Ông Hiền cười: “Loại thành tinh ít khi gặp được lắm. Khi thấy ụ mối mà không thấy mối bay ra ngoài có thể trong đó có bọ cạp “thành tinh” nhưng thi thoảng trúng mánh mới gặp được. Dân săn bọ cạp bằng kiến không mang theo dụng cụ đào lỉnh kỉnh vì phải đi xa hàng chục cây số. Do đó, khi phát hiện ụ mối “khả nghi”, họ làm dấu vị trí để hôm sau mang xà beng, cuốc, xẻng đào tung ụ mối mới bắt được nó”.
Ở vùng này, ngoài ông Hiền, anh Đặng Quốc Hùng (cháu rể ông Hiền) cũng là sát thủ bọ cạp núi. Tôi gặp Hùng lúc anh mang bọ cạp lên TP.Buôn Ma Thuột bán. Chàng trai trẻ này săn bọ cạp đã được 8 năm. “Từ trước đến nay tui nuôi cả gia đình chỉ bằng nghề ngày. Dù đây là một nghề khá vất vả và cũng không dễ kiếm tiền, nhưng với tui nó như cái nghiệp vận vào thân rồi”, Hùng bảo.
Lợi ích của bọ cạpBọ cạp thường ăn các loại côn trùng có hại cho cây cối. Phân của bọ cạp giúp đất đai màu mỡ, làm tơi đất, cung cấp thêm ô xy cho cây cối, hoa màu.
Nọc độc bọ cạp đã được nghiên cứu sử dụng trong y học. Chẳng hạn, chất chlorotoxin trong nọc bọ cạp có thể liên kết với một số tế bào ung thư trong não và cột sống, từ đó giúp xác định kích thước và vị trí cụ thể của các khối u. Y học cổ truyền VN dùng bọ cạp cả con (toàn yết) hoặc đuôi (yết vĩ) làm thuốc chữa các bệnh động kinh, bán thân bất toại, cấm khẩu méo mồm... Dân gian còn cho rằng bọ cạp giúp tăng cường sinh lý đàn ông.
|
Bình luận (0)