Chuyện ở ngôi làng lên chức ông ngoại từ 30 tuổi

01/05/2015 14:22 GMT+7

(TNO)Xóm Mỏ Ba, huyện Đồng Hỷ từng được gọi là làng "siêu" đẻ của Thái Nguyên. Tại đây, một nhà có khi có 20 con, lên chức ông ngoại từ năm 30 tuổi, trong nhà cùng lúc là mẹ đẻ, con đẻ, cháu có khi bú bà ngoại.

(TNO) Một nhà có khi có 20 con, lên chức ông ngoại từ năm 30 tuổi, trong nhà cùng lúc là mẹ đẻ, con đẻ, cháu có khi bú bà ngoại. Đó là lý do vì sao xóm Mỏ Ba, huyện Đồng Hỷ từng được gọi là làng "siêu" đẻ của Thái Nguyên.

lang-sieu-de-Thai-Nguyen-ong-ngoai-tu-30-tuoiNhững em bé ở Mỏ Ba, Thái Nguyên - Ảnh: Thúy Hằng
Chỉ cách thành phố Thái Nguyên chừng 30 km thế nhưng đường lên xóm Mỏ Ba, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ tưởng như xa xôi vạn dặm. Con đường uốn éo trên núi cao, dù được phủ bê tông nhưng nhiều đoạn bị xe tải chở đá băm nát vụn. Sau 6 lần chúng tôi nghe câu “sắp đến rồi” thì Mỏ Ba hiện ra trước mắt. Những căn nhà bằng gỗ dựng trên nương ngô, đồi chè xanh mướt, trẻ con tan học chạy ríu rít ngoài đường.
"Siêu" đẻ
Ngô Thị Linh, cô bé học lớp 3 với mái tóc dài quá lưng, đôi mắt đen láy đang tập xe đạp với các bạn ngoài đường hồn nhiên kể về gia đình mình: “1 anh đi chăn trâu, 1 chị đi lấy chồng, em còn 2 chị đi học lớp 6 ở Sông Cầu, 2 em nhỏ ở nhà nữa”. Gia đình Linh nhiều năm qua chỉ sống bằng nghề trồng ngô, lúa, nuôi mấy con trâu.
lang-sieu-de-Thai-Nguyen-ong-ngoai-tu-30-tuoiNhững mái nhà nhỏ trên sườn núi là nơi sinh sống của một gia đình nhiều thế hệ, có khi lên đến hơn chục người - Ảnh: Thúy Hằng
Cô bé Vương Thị Sung, (con chị Vương Thị Nó, 30 tuổi) học lớp 3 cũng khoe: “Bố mẹ em chỉ đi trồng ngô, nuôi trâu. Anh Tình lấy vợ, chị em lấy chồng rồi, nhà còn em Mông học lớp 2”. Những gia đình 4 con hay 7 con như nhà Linh, nhà Sung vẫn thuộc dạng ít con ở Mỏ Ba.
Ông Lăng Viết Thắng, Chủ tịch UBND xã Tân Long cho biết ở Mỏ Ba có nhiều dân tộc cùng sinh sống, 70% dân số là dân tộc Mông (khoảng 350 người), ngoài ra còn Dao, Tày, Nùng.
Những năm trở lại đây tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm. Trong năm 2014, cả xã chỉ có 8 cặp vợ chồng sinh con thứ 3, trong đó ở xóm Mỏ Ba có 3 cặp vợ chồng. “Thế hệ trước những cặp vợ chồng trên dưới 40 tuổi thì tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên rất đông, còn các bạn trẻ bây giờ ngoài 20 tuổi lập gia đình, ý thức được việc sinh con đông rất khổ, họ chỉ sinh 2 con thôi”, ông Thắng nói.
Kỷ lục của làng siêu đẻ nhiều năm qua thuộc về gia đình ông Ngô Văn Sùng (59 tuổi), 20 con, tính cả những người con không may qua đời. Tuy nhiên ông Sùng lấy 2 vợ, vợ 2 có 2 người con riêng mang về sống chung. Bà cả sinh 8, bà vợ 2 sinh thêm 10, nhà ông Sùng con đàn cháu đống.
Trẻ con lấy sân đất làm chỗ chơi, bữa ăn chỉ có rau rừng, quần áo không đủ ấm, nhiều khi không có đủ gạo cho các con ăn, phải ăn ngô trừ bữa. Thế nhưng chúng vẫn lớn lên như cây cỏ. Ông Sùng lên chức ông ngoại từ ngoài 30 tuổi, bây giờ đã có thêm cả chắt.
Người đông con không kém nhà ông Sùng là nhà ông Hùng Văn Dình, 39 tuổi, có 13 người con. Vợ ông Dình hơn ông 1 tuổi, khuôn mặt của người phụ nữ trải qua nhiều lần sinh đẻ già xọm đi so với chồng. Người làng còn điểm ra tên những người "siêu" đẻ của Mỏ Ba như Hùng Văn Nó 10 con, Vương Văn Khìn 10 con, Hoàng Văn Sinh 11 con…
Chị Hoàng Phương Thảo, 38 tuổi, cán bộ dân số nhiều năm kinh nghiệm phụ trách 2 xóm Lân Quang và Mỏ Ba, chia sẻ: phụ nữ Mông chủ yếu “ưa” biện pháp đặt vòng, nhưng không phải lúc nào tuyên truyền cũng thuận lợi. Có trường hợp bảo với chị, “quan niệm của người Mông là không nên mang cái gì vào người phụ nữ” nên kiên quyết không đặt vòng. Nhiều người nhất định không uống thuốc tránh thai vì cho rằng uống vào người mệt, không đi nương rẫy được. Còn với bao cao su, các anh chồng rất ít dùng và chỉ cười ngượng nghịu khi được cộng tác viên dân số hướng dẫn.
Đã biết sợ... đẻ
Chúng tôi đến nhà ông Hoàng Văn Páo, 40 tuổi, mấy đứa trẻ đang nghịch đất trước hiên nhà. Ông Páo chỉ tay giới thiệu, một cậu con trai út học lớp 3, cô con gái áp út học lớp 5, con gái cả 20 tuổi chưa lấy chồng, một cậu con trai nữa 18 tuổi đi chăn bò. Ông Páo gầy rộc, tóc xơ xác, mắt nhìn vô hồn ra khoảnh sân trước nhà: “Tưởng không đẻ được nữa nhưng không hiểu sao lại đẻ được thêm 2 đứa cuối. Nuôi con cực lắm. Năm ngoái trồng 10 kg hạt giống ngô thì mưa chết cả, không đủ ăn, năm nay chỉ dám trồng 6 kg. Ngô đổi lấy gạo, hoặc làm mèn mén. Nhưng đi mãi xa xa mới đến nương”.
lang-sieu-de-Thai-Nguyen-ong-ngoai-tu-30-tuoiÔng Páo mới 40 tuổi nhưng già xọm vì làm việc vất vả nuôi con - Ảnh: Lê Nam
Ông Páo bảo cố gắng cho 2 con út học đến nơi đến chốn, không như các anh chị của mình rất vất vả. Căn nhà bé tẹo nằm bên núi đá là nơi chung sống của 6 người, váy áo phơi trên sườn núi, mấy con gà ủ rũ dưới nắng chiều.
Chị Hoàng Phương Thảo, 38 tuổi, cán bộ dân số nhớ như in lần đi thực tế tại gia đình chị Trần Thị Kia, sinh năm 1981 và anh Hồng Văn Dình sinh năm 1978 tại xóm Mỏ Ba. Chị Kia đã đẻ đến con thứ 7 trong bản.
Tháng 3.2013, lần đầu chị Thảo gặp gia đình chị Kia, con thứ 7 của chị Kia được 2 tuổi, đứa lớn đã đi lấy chồng. Chị Thảo khuyên gia đình nên ngừng đẻ, anh Dình gãi đầu bảo “vợ mình đeo vòng rồi mà không hiểu sao vẫn cứ đẻ?”. Đến tháng 2.2015, chị Thảo hay tin, chị Kia đang mang thai đứa thứ 8.
Giữa vạt đồi mênh mông, chị Hoàng Thị Si 22 tuổi một nách bế đứa con gái 13 tháng, tay dắt cậu con trai 2 tuổi ra xem những luống ngô mới nhú. Hai vợ chồng chỉ có 2 bãi trồng ngô, một bãi khác xa hơn phải đi từ sáng đến chiều mới tới nơi. Chị Si từ lúc lấy chồng thì đẻ liên tục, không kịp làm gì, chồng chị, anh Vương Văn Dinh bằng tuổi, ngơi tay làm ruộng thì đi chặt củi, làm mộc.
Trong một căn nhà gỗ rộng chừng 15 mét vuông nằm lưng chừng núi, đồ đạc không có gì đáng giá ngoài một chiếc xe máy Honda cũ. Tấm đệm kê trên phản, vừa làm giường, vừa làm chỗ chơi của hai đứa trẻ con, một cái bếp kiềng, dăm ba nồi xoong, dây phơi quần áo vắt khắp nhà.
“Không dám đẻ nữa đâu. Thế này thấy khổ lắm rồi. Con bé không bị đau bụng đi ngoài nhưng hết viêm phổi lại lên sởi, mỗi lần hai vợ chồng lại chở con xuống tận bệnh viện huyện Đồng Hỷ, cách đây 15 km, đường khó đi, chồng nghỉ làm ngày nào là nhà nghỉ ăn”, chị Si bảo.
lang-sieu-de-Thai-Nguyen-ong-ngoai-tu-30-tuoiHoàng Thị Si chỉ ở nhà ôm con, chưa đi làm được gì - Ảnh: Lê Namlang-sieu-de-Thai-Nguyen-ong-ngoai-tu-30-tuoiGiữa vạt đồi mênh mông, 3 mẹ con đang thơ thẩn - Ảnh: Lê Nam
Bố mẹ chị Si gần 50 tuổi, có 6 người con. Bố anh Dinh 40 tuổi, mẹ anh 39 tuổi nhưng có đến 7 con. Nhà nghèo, đông con, bây giờ tứ tán mỗi người một nơi. Anh trai Dinh sinh năm 1990 đi Phú Yên lập nghiệp, em út của Dinh mới sinh năm 2003, vẫn đang đi học. Bố mẹ Dinh bây giờ vẫn ngày ngày phải đi cả nửa ngày mới tới được nương trồng ngô. Nhà nào cũng đông con nhiều cháu, gỗ để làm nhà cũng ngày một ít đi, ruộng nương càng ngày càng hiếm.
Anh Dinh đặt cho con trai tên Vương Văn Nhất, con gái tên Vương Thị Tuyết Mới, cả hai cái tên đều với ước mong đời các con mới mẻ, khấm khá hơn cuộc đời bố mẹ đã và đang phải trải qua.
lang-sieu-de-Thai-Nguyen-ong-ngoai-tu-30-tuoiViệc vận động sinh đẻ kế hoạch đang được Đồng Hỷ gấp rút triển khai - Ảnh: Thúy Hằng
Báo cáo dân số - kế hoạch hóa gia đình của Trạm y tế xã Tân Long từ năm 2011 đến 2015, tổng số nhân khẩu xóm Mỏ Ba tăng từ 686 lên 755 người trên tổng số 133 hộ dân (tăng 69 người), số cặp vợ chồng có sử dụng biện pháp tránh thai tăng 20 cặp, số cặp gia đình trong độ tuổi sinh đẻ chưa sử dụng biện pháp tránh thai trong 4 năm phát sinh không đáng kể, chỉ còn 4 cặp vợ chồng trong 5 năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.