"Chuyện qua đường" - Truyện ngắn của Lưu Sơn Minh

12/05/2007 17:10 GMT+7

... Kể từ khi trở thành hình hài, con đã bắt đầu suy nghĩ về những thứ xảy ra quanh con. Và con không sao hiểu nổi. Con thấy chung quanh có hai tiếng nói âu yếm vỗ về. Một tiếng nói thật ngọt ngào với mẹ. Con biết điều đó. Vì mẹ dịu dàng đáp lại. Con thấy mạch máu của mẹ rộn ràng. Con thấy trong dòng chất bổ mẹ truyền cho con có cả những yêu thương trong đó.

Nhưng rồi những ngọt ngào đó hết rất nhanh. Con thấy trong dòng chất bổ lại có vị mặn. Giá như lúc đó con đã lớn, hẳn con sẽ nghĩ rằng, con đã được gặp biển. Nhưng con còn nhỏ quá. Con nằm trong mẹ, và con đã quen với ngọt ngào. Vậy mà mẹ lại truyền cho con vị mặn. Ngày sau lớn lên, con sẽ biết, đó là vị nước mắt. Con lắng nghe tiếng nói ấy, con chờ đợi tiếng nói ấy. Vì chỉ những lúc có tiếng nói ngọt ngào kia, dòng chảy qua cuống rốn mới mang lại cho con những ngọt ngào yêu thương. Nhưng con đợi mãi mà không thấy. Con chỉ biết rằng, đến khi mẹ nhận ra sự có mặt của con ở bên trong mẹ, có một dòng đắng đã chảy từ mẹ vào con. Mẹ đã cho con uống những giọt đắng đó, và con không ngủ được, mẹ ơi!

***

Chi giật mình tỉnh dậy. Giấc ngủ mê man khiến đầu cô nặng trịch. Trong giấc ngủ vừa rồi, rõ ràng cô nghe thấy lời kể ai oán của một đứa trẻ nào đó. Không, phải gọi chính xác là lời ai oán của một thai nhi. Một thai nhi khôn quá sớm. Nó đã nhận biết được tất cả cuộc đời, nhận biết về mẹ nó với những lời của một con người đã trưởng thành. Một giấc mơ kỳ lạ. Tại sao giấc mơ này lại đến đúng lúc cô tưởng mình đang thoát khỏi người đàn ông vẫn níu chặt cuộc đời cô. Ông ta đã già. Ông ta tốt và vị tha như một người cha. Cô lấy ông ta như một sự sắp đặt của số mệnh. Cô vừa quyết định bỏ người yêu, còn ông ta thì đột nhiên xuất hiện cạnh cô trong một buổi gặp đông người nào đó. Cô đã sống với ông ta, đã có con, một đứa con gái với ông ta. Ông ta đã xin cho cô đi làm ở một cơ quan mà nếu không thích, cô có thể ở nhà cả tuần, thậm chí cả tháng. Cô đã tưởng rằng cuộc đời tẻ nhạt của một kẻ được chồng nuôi sẽ cứ thế trôi qua... Thì đột nhiên Thi xuất hiện, và mọi thứ trở nên bung bét.

Cô quen anh trên chuyến tàu du lịch. Cô đã phải vồ lấy Thi khi đoàn tàu đột nhiên phanh gấp vì có một phụ nữ lao qua đường ray. Thi - lúc đó cô chưa biết tên anh vì họ chẳng hề nói với nhau câu nào - nhảy xuống xem chuyện gì. Còn cô thì chui tụt vào khoang ngồi. Tàu dừng khá lâu. Có ai đấy đoán là người phụ nữ tự tử. Cũng có người bảo chị ta hẳn đang mải nghĩ điều gì và cứ thế đi thẳng vào đường ray. Một bà cụ chép miệng: "Rõ là ma dẫn lối, quỷ đưa đường!". Đêm, cô không sao ngủ được. Cô dỗ con gái ngủ rồi ra hành lang đứng. Thi cũng ở ngoài đó. Anh đang nhìn ra những ngọn đèn cô độc trong tối cứ trôi vùn vụt phía ngoài xa. Trông nghiêng, Thi như một gã lãng tử giang hồ mà Chi vẫn gặp đâu đó trong những bộ phim tâm lý Hollywood. Anh ngẩng lên, nhìn vào đôi mắt ngơ ngác của Chi, khẽ hỏi: "Chị không ngủ được à?". Chị, cách xưng hô ấy làm Chi tin rằng anh ta là người nhã nhặn. Cô đưa tay vuốt tóc một cách vô thức và đột nhiên lúng túng khi nhận ra cử chỉ của mình giống hệt như đang làm duyên. Cô mất hết tự chủ trước một người đàn ông lịch duyệt. Mãi rồi Chi cũng trả lời: "Vâng, cứ nghĩ đến chuyện lúc nãy em sợ quá". Thi cười: "Tôi cũng thế, chị ta nằm, máu chảy tràn ra đường. Nhớ lại, tôi cũng không sao ngủ được". Chi tủm tỉm: "Anh cứ nói thế, em tưởng đàn ông ai lại sợ máu". Anh lắc đầu: "Không, tôi nói thật. Đàn ông cũng phải sợ một cái gì đó chứ. Anh nào mà bảo không sợ gì là dối đấy. Đàn ông sợ rất nhiều thứ...". Rồi anh nheo mắt nhìn Chi: "Nhất là phụ nữ". Trong khi Chi còn đang nóng bừng mặt thì anh lại tiếp: "... Nhất là phụ nữ đẹp".

Những câu chuyện bâng quơ kéo dài suốt đêm trong tiếng xình xịch của đoàn tàu cổ lỗ. Mỗi khi vào ga, tàu chạy chậm rồi phanh lại, anh vẫn đưa tay ra đỡ Chi để cô khỏi phải bám vào vách tàu đầy những vết kẹo cao su, gỉ mũi và nước bọt đã khô. Tàu sắp dừng, họ trao đổi số điện thoại và hẹn sẽ gọi nhau. Hành động đó của anh tự nhiên đến mức Chi quên mất một điều: họ mới chỉ quen nhau vài tiếng đồng hồ. Chi quay về khoang, con bé vẫn đang ngủ. Hình như gió đêm quá lạnh nên nó đã tự lôi chiếc gối để ôm và dúi chặt vào một góc giường. Trên gương mặt đứa bé hằn lên một vẻ gì đó, nửa như bực bội, nửa như tiếc nuối.

Chi cố hình dung ra cơn mơ của con nhưng không được. Con bé vẫn thế, nó không chỉ khép kín khi thức mà ngay cả khi ngủ. Cô đánh thức con dậy, sửa soạn đồ đạc và mở tin nhắn điện thoại lúc đang nói chuyện với Thi. "Sáng mai anh bận không ra đón em và con được. Em đi taxi về nhé. Khách sạn Green Leave, phòng 315. Tối họp xong anh về. Hôn em và con".

Vẫn thế. Ông ta luôn là một kẻ chỉn chu đến phát sợ. Cô biết chắc Green Leave là khách sạn xịn nhất ở thị xã nghỉ mát này. Phòng 315 - chín nút, như thường lệ - nhất định nhìn ra biển. Trong tủ lạnh sẽ có đủ bia, nước ngọt và chỉ mười lăm phút sau khi cô và con vào phòng, sẽ có người phục vụ mang đồ biển vào tận nơi, bất chấp quy định cấm ăn trong phòng.

Chi lững thững khoác chiếc túi xách Delsey với những móc khóa rực lên lớp vàng mạ cao cấp, dắt con trèo xuống. Con bé lon ton theo mẹ, ngơ ngác nhìn những hàng quán lụp xụp quanh ga với đủ loại người nhếch nhác, nhộn nhạo. Nó còn ngơ ngác vì những đôi mắt đàn ông đổ dồn vào mẹ nó, người đàn bà đang kiêu hãnh sải những bước dài trên sân ga.

Hai mẹ con lại gặp Thi ở cổng. Anh đang hờ hững quăng chiếc túi du lịch bạc thếch vào ghế sau tắc xi. Ra khỏi tàu, trông anh cao hơn và càng lãng tử hơn. Đôi vai rộng và ánh mắt hoàn toàn bí hiểm dẫu lúc nào cũng có vẻ tươi cười. Đó là những ấn tượng mà Chi không sao dứt ra được. Đôi vai rộng vững chãi sẽ là một điểm tựa hoàn hảo để ngả đầu vào. Còn ánh mắt bí hiểm thì quá ư quyến rũ.

Có vẻ Thi không nhìn thấy Chi, hoặc chưa kịp thấy. Cô đã không giấu nổi mình, cố lôi xềnh xệch con bé đi về phía anh, miệng gọi: "Taxi". Thi ngoảnh lại. Rõ là anh đang cười: "Hai mẹ con về đâu đấy? Có đi cùng xe này không?". Chi cuống quýt gật đầu, như sợ anh đổi ý. Hai mẹ con chui lên băng ghế sau. Thi nhẹ nhàng ngồi vào xe, cạnh người lái. Anh nhẹ nhàng đóng cửa rồi cất tiếng: "Green Leave, nhỉ?". Câu hỏi trống không. Cả Chi lẫn người lái xe cùng lúc gật đầu: "Vâng".

Dọc đường đi, Chi không nói gì. Cô tự hỏi mình, một người phụ nữ vốn kiêu hãnh như cô sao lại có lúc cắm cúi lao theo một người đàn ông không nguồn gốc thế này chứ? Chi quay sang con. Cô muốn tìm ở con bé một lý do để lôi mình thoát thỏi cuộc phiêu lưu bất ngờ này. Con bé đang im lặng nhìn mẹ. Đôi mắt nó sâu và ánh nhìn trong suốt làm Chi chột dạ. Cô thấy lo lắng cho mình. Và nỗi lo ấy càng tăng thêm khi xe dừng lại. Chi biết rằng, Thi sẽ ở cùng khách sạn với cô. Người ta đã đặt sẵn phòng cho anh. Phòng 415, ngay tầng trên của phòng Chi. Trò đùa cợt của số mệnh đang khởi động. Chi chợt rùng mình khi chiếc điện thoại di động rung lên. Có tin nhắn. "Anh phải xuống xã cùng lãnh đạo tỉnh. Hai ngày nữa mới về được. Việc gấp lắm". Hai ngày không chồng trong cùng khách sạn với người đàn ông đó. Hai ngày!

***

Giọng nói thứ hai mà con nghe thấy là giọng nói rất dịu dàng với con. Giọng nói ấy xưng là cha của con và âu yếm với con. Giọng nói ấy cũng dịu dàng với mẹ. Nhưng sau những tiếng dịu dàng là một dòng chảy nhợt nhạt và hờ hững từ mẹ vào con. Dòng chảy ấy trong suốt và lạnh lẽo lắm. Nếu con lớn, con sẽ biết đó là những cảm nhận về băng giá. Nhưng con không đủ lớn, con chỉ rùng mình và giãy người lên. Và con lại thấy đỡ lạnh đi nhiều khi nghe giọng nói thứ hai vang lên: "Con nó đạp kìa em!". Từ lúc ấy, con tin rằng giọng nói thứ hai thực sự xứng đáng là cha của con. Con chấp nhận giọng nói ấy dẫu con biết, mẹ âm thầm không thừa nhận điều đó. Mẹ cố dịu dàng với giọng nói ấy, nhưng những nhịp đập trong từng mạch máu của mẹ không hề có chút cảm xúc yêu thương. Mẹ hờ hững, những dòng dinh dưỡng của mẹ cho con cũng thờ ơ chảy. Và con linh cảm một nguy hiểm sắp xảy đến với con. Hình hài bé xíu của con quặn lên nỗi lo mỗi khi dòng băng giá của mẹ chuyển vào con. Nhưng con chẳng biết làm thế nào. Con âm thầm chờ tai họa đến!

***

Khi đã quay lại Hà Nội, Chi thường tự oán trách mình đã chọn đi du lịch bằng tàu hỏa. Kể ra thì con bé cũng say sưa khám phá tàu hỏa, quái vật cổ lỗ sĩ ồn ào vẫn chạy qua trước mặt nó mỗi khi gặp chắn tàu ở Hà Nội. Giá như cô đồng ý đi xe của chồng, đừng khăng khăng với ý thích riêng mình, cuộc gặp gỡ định mệnh đã không thể diễn ra. Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng Chi tin, cái gì đã là định mệnh thì không thể cưỡng được.

Cô chấp nhận ngã vào vòng tay Thi, không hề suy tính và lo sợ. Con gái cô không biết gì dẫu nó vẫn ở đó. Nó không thể biết được mẹ nó đã tốn công vận dụng tất cả trí thông minh để sắp đặt cơ hội cho vụ ngoại tình ghê gớm đến thế nào. Mẹ vẫn ê a kể chuyện cổ tích và hát ru nó ngủ. Đúng hai giờ sáng, mẹ vẫn đánh thức nó dậy đi tè. Và sáu giờ, mẹ đã hoàn toàn tỉnh táo gọi nó dậy ăn sáng. Làm sao con bé có thể nhận ra điều gì khác lạ ở mẹ, dẫu chính mẹ nó vẫn sờ sợ cái cảm giác con gái dường như không tin tưởng mình. Dẫu thế, Chi vẫn bất chấp, vì cô tin vào những tính toán hoàn hảo của mình.

Mỗi thời gian ngắn ngủi nằm cạnh Thi trong căn phòng đối diện mà anh đã đổi được bằng cách nào cô không biết, Chi đều cảm thấy sự khắc nghiệt của thời gian. Tích tắc, tích tắc, cách đếm nhịp chậm rãi của thời gian muôn thuở. Ba ngàn sáu trăm cái tích tắc là một tiếng đồng hồ, cô lại khe khẽ ngồi dậy, trở về mở cửa phòng xem con ngủ thế nào. Con bé vẫn ngủ ngon và gương mặt vẫn vô cùng bí hiểm. Chi lại rón rén quay ra, khóa cửa phòng và vội vã lăn xả vào Thi. Anh ta đánh thức mọi góc cạnh đã ngủ quên trong Chi. Ngay cả những sợi tóc của cô dường như cũng căng lên dưới ngón tay ve vuốt của Thi. Chi kinh ngạc trước sự cuồng nhiệt của chính mình. Để cứ mỗi lúc lẻn về phòng để đánh thức con dậy, Chi lại tự rủa thầm: "Mày là một con vợ hư đốn, một con mẹ khốn nạn, một con đàn bà chết đâm..."!

***

Khi mẹ nghĩ đến điều đó, con thấy trong dòng chảy hững hờ từ mẹ vào con chợt buốt lên như có một nhát đâm, đi thẳng từ tâm trí mẹ vào con. Mẹ quyết định trừng phạt tiếng nói thứ nhất vì đã tạo ra con. Và mẹ cũng trừng phạt chính mẹ vì đã tin vào những ngọt ngào ấy. Mẹ bất chấp rằng quyết định ấy sẽ cũng trừng phạt tiếng nói thứ hai, dù rằng chính tiếng nói thân yêu ấy đã cứu vớt mẹ và cưu mang con. Ban đầu con thắc mắc, tại sao mẹ lại nỡ làm thế với tiếng nói mà con đã tin tưởng, đã nhận là cha của con? Con vật vã trong lòng mẹ. Nhưng rồi con dần hiểu, và con nằm yên chờ đợi. Ngay cả con là máu thịt của mẹ, mẹ cũng quyết trừng phạt: mẹ trừng phạt con vì con đã hình thành trong mẹ. Vậy thì, chẳng có gì ngạc nhiên nếu mẹ làm như thế với tiếng nói thứ hai.

Nếu mọi chuyện xảy ra, mà chắc chắn sẽ xảy ra, con chẳng hận ai, cũng không hề tiếc. Con chỉ buồn một điều, không được lắng nghe thêm những lời âu yếm của tiếng nói thứ hai. Nếu được làm người, con tin rằng con sẽ chỉ yêu thương tiếng nói mà con đã tự chọn làm cha mình. Sự lựa chọn của riêng con mà mẹ không thể can thiệp. Nhưng con biết, điều đó là không thể. Vậy thì, mẹ ơi, mẹ hãy quyết định nhanh lên. Con không muốn chờ đợi quá lâu thời khắc bắt đầu hành trình quay về miền vô ảnh, nơi con đã rời bỏ để tìm đến, hình thành trong mẹ như một hạt mầm. Nhanh lên đi, mẹ ơi!

***

Về Hà Nội, Chi cố gọi điện cho Thi mà không được. Cô hồi hộp, khắc khoải nghe mỗi tiếng tút dài của số điện thoại di động mà cô đã lưu với cái tên Huyen Trang để không ai nghi ngờ. Huyền Trang là đứa bạn học của cô từ hồi mẫu giáo. Nó đã cắn, đã cấu cô và cũng đã bênh cô khi bị bọn con trai bắt nạt suốt ba năm trong trường Mầm non. Huyền Trang đã vào lập nghiệp trong Sài Gòn. Nó luôn bị chồng đánh và mới lên báo như một điển hình của nạn bạo hành trong gia đình. Chi cố tình chọn tên nó để gán cho Thi. Cô hết mong chờ Huyền Trang gọi điện, lại mong chờ Huyền Trang trả lời điện của cô. Vô ích.

Cuối cùng, Chi đành chấp nhận thất bại. Cô đi làm thật đều, cố làm thật nhiều việc, và luôn niềm nở, thậm chí hớn hở một cách phi lý với tất thảy mọi người. Ác thay, khi những nỗi đau đã trầm lại, Chi tưởng mình bắt đầu quên, thì cô giật mình nghĩ đến một điều, điều mà cô không muốn nghĩ đến chút nào: sự sơ ý của cô và Thi, chính xác hơn, là sự bất cẩn của chính cô. Những que thử thai bắt đầu được dùng hằng ngày dẫu cô biết rằng ở thời điểm này, kết quả vẫn chỉ là âm tính. Và ở ngày đầu tiên Chi gói chiếc que thử vào hai lần giấy báo rồi nhét vào sọt rác, cô bắt đầu nghe thấy giọng thầm thì trong mơ.

Những giọng thầm thì vẫn đến mỗi ngày cùng với những que thử chỉ có một vạch đỏ. Gói que thử vào hai lần giấy báo trở thành một nghi lễ thường nhật của Chi. Thường khi gói que vào lần giấy báo thứ hai, cô luôn nghĩ đến giọng thầm thì trong mơ. Giọng của một đứa bé. Chi rất sợ những giấc mơ không hình ảnh mà chỉ toàn lời như thế. Nhưng cô càng sợ, những giấc mơ càng đến. Chỉ có những ngày chồng ngủ ở nhà Chi mới không phải nghe giọng nói trong mơ. Chưa khi nào Chi mong được ngủ cạnh chồng như lúc này. Nhưng ông ta càng ngày càng bận, thi thoảng mới ghé qua nhà chơi với con, vỗ yêu vào má vợ, rồi đi. Ông ta chỉ ngủ ở nhà ba ngày một tuần, còn thì bị hút, bị mê mụ vào công việc. Ông ta bỏ lại Chi một mình với chiếc giường cùng những giấc mơ.

Rồi cũng đến khi que thử nổi lên vạch đỏ thứ hai làm Chi chết lặng. Như một hành động vô thức, cô bốc máy điện thoại bấm số gọi Huyền Trang. Cô không mong gì đầu kia sẽ nhấc máy. Nhưng người ta đã a lô đáp trả. Chi cố gắng thật điềm đạm: "Xin lỗi, cho hỏi có phải máy của anh Thi không?". Đằng kia có tiếng cười gằn, chẳng ra giọng đàn ông hay đàn bà: "Thi à? Tàu hỏa kẹp chết mấy tháng rồi giờ còn hỏi!", và dập máy.

Chi cố gọi lại nhưng từ lúc ấy, số máy luôn ngoài vùng phủ sóng... Chi hoang mang như trong một khoảng không câm lặng và cô chờ nghe như tiếng nói mọi khi đột nhiên cất lên. Nhưng lần này, tiếng nói không còn rõ ràng như trước. Nó mơ hồ và quá ầm ào. Tiếng nói cố níu cô lại khi Chi đi về phía bà bác sĩ sản khoa mà cô quen biết. Chi đã từng giải quyết ở chỗ bà ta vài lần vì không muốn có thêm con với ông chồng già. Những lần đó, cô thản nhiên đến và vô cảm trở về. Lần này, tiếng nói kia cứ rầm rì khẩn cầu Chi đừng tới đó. Tiếng nói ám ảnh Chi tới mức khi cô đỗ xe trước cửa phòng khám của bà bác sĩ, nó giật ngược cô lại, xô cô lên xe và đẩy cô đi.

***

Con im lặng suốt đoạn đường mẹ đi đến đó. Con biết, ở đó, nơi những đứa bé khác khóc chào đời thì con sẽ chia tay cuộc đời chưa kịp đến. Con thấy mẹ chầm chậm cưỡi xe đi. Con biết, mẹ rất muốn đi xích lô nhưng lại sợ người khác để ý. Một người đàn bà ngồi xích lô từ đó đi ra, tất nhiên là vừa làm chuyện mà ai cũng biết. Còn khi tự cưỡi xe, mẹ sẽ tiện ghé chợ, mua thẻ hương. Khi mẹ vừa đỗ xe trước cửa nơi đó, con đã bắt đầu nghe tiếng gọi râm ran của những đứa trẻ giống con vọng ra từ bụi trúc. Bọn chúng gọi con mau vào chơi với chúng. Mẹ chúng cũng bỏ chúng như mẹ sẽ bỏ con hôm nay. Và chúng nương tựa vào bụi trúc vàng trong sân. Chúng dặn con, sau khi thoát, hãy đến ngay với chúng để đừng tan ra và cũng đừng phảng phất vào những cây cỏ vớ vẩn sẽ bị người ta nhổ bỏ bất cứ lúc nào... Thế là con hiểu, mẹ mua hương để thắp cho con, khi việc đã xong xuôi. Cả bó một lần! Dù sao cũng cám ơn mẹ, dẫu rằng chắc chắn sẽ không bao giờ mẹ còn thắp thêm cho con một nén hương nào nữa.

***

Chi ngồi thẳng người lên. Cổ cô khô ran và hơi thở hầm hập. Hình ảnh cô trong chiếc gương đối diện giường ngủ xộc xệch đến khó tin. Chi nhận ra tiếng nói đó đến từ đâu và của ai rồi. Đó là tiếng nói của chính cô thuở còn là một thai nhi tội nghiệp. Những tiếng nói đã ẩn náu vào nơi sâu thẳm nhất trong cô rồi đến một ngày, bất ngờ hiện ra từ những ám ảnh của cuộc tình vụng trộm. Ý nghĩ này lóe đến trong tâm trí khi cô nhìn vào hình ảnh xộc xệch của mình trong gương. Chính chiếc gương đã soi lại quá khứ của Chi. Một quá - khứ - âm, của những ngày cô chưa chào đời. Ngày ấy, mẹ cô đã mấy lần toan rũ bỏ cái thai mà không được. Có lẽ vì sức sống trong Chi mạnh mẽ quá...

Chi ra cửa nhìn xuống đường. Tít xa, chỗ chắn tàu, cô thấy thấp thoáng bóng Thi. Cái cách anh ta cười với cô thật thiểu não, đáng thương. Chi quay lưng lại, đi vào nhà. Chắc Thi đã chết thật rồi. Nhưng anh ta không còn là vấn đề nữa. Mấy ngày tới, cô sẽ tìm cách gần chồng để hợp thức hóa cái thai. Sau đó, cô sẽ thuyết phục ông ta ở nhà nhiều hơn để những giấc mơ đừng đến. Cô sẽ ôm ấp và chiều chuộng con gái hơn nữa. Cô còn hình dung cảnh mình vào phòng con, ngồi ở đầu giường và nói chuyện để nó chuẩn bị tinh thần đón đứa em không mong đợi.

Thế là xong, mọi chuyện thực ra cũng chả có gì. Chi thắp một nén hương lên bàn thờ, vái một vái. Cô cũng không rõ mình thắp hương để làm gì và vái những ai...

***

Tôi là Thi, nhưng tên tôi không phải là Thi. Tôi chỉ là Thi trong câu chuyện vừa rồi vì tôi đã nói với Chi tên tôi như thế. Tôi vẫn sống bình thường, như mọi khi. Số điện thoại kia tôi đã không dùng ngay khi trở về Hà Nội. Tôi vứt cái sim vào một đoạn đường tắc vì chắn tàu. Chắc Chi gọi cho tôi nhiều lắm. Hôm trước, đang ngồi trong quán cà phê nhìn ra đường, tôi trông thấy Chi. Cô ta có bầu và xấu đi nhiều. Trông những người đàn bà chửa thật kinh khủng. Cô ta đi lắc la lắc lư, hai tay vung vẩy. Cam đoan sau lần đẻ tới, cô ta sẽ không bao giờ có thể lấy lại được vẻ hấp dẫn quyến rũ như những ngày tằng tịu với tôi. Thế có khi lại hay, vì cô ta sẽ xứng đôi vừa lứa với lão chồng già mà cô ta vẫn kể. Biết đâu, nhờ thế họ lại có được tình yêu...?

Tôi không phải là Thi. Tôi ngồi trong quán và nhìn theo Chi. Buồn cười thật, không hiểu tại sao khi cô ta hỏi, tôi lại nói tên của thằng cha bán nước chè thọt chân trước cửa nhà nhỉ? Có lẽ vì chúng tôi đã gặp nhau trên tàu hỏa, mà thằng cha kia thì bị thọt chân trong một tai nạn tàu hỏa, bị người tình cũ xô vào đường ray, suýt chết. Chắc lúc đó trí óc tôi đã liên tưởng đến lão.

Chiều về, tôi tặng lão Thi một cái áo phông thằng bạn cho đã lâu nhưng tôi không mặc vì xấu và già. Ít ra cũng phải trả công lão cho mượn cái tên. Lão ngơ ngác rồi rối rít cám ơn và mặc thử luôn.

Tôi lững thững vào nhà. Chà, thơm quá, mùi mực xào với đu đủ bào. Mụ vợ tôi thật khéo nấu nướng. Ra là quà của Chi vẫn còn, cô ta đã chọn loại ngon nhất khi mua cho tôi, mua thật nhiều. Hóa ra đĩa mực xào đu đủ lại trở thành phần kết cho câu chuyện của tôi với Chi...

Một chuyện qua đường...

L.S.M

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.