Chuyện “quốc gia thông minh” ở Singapore

24/01/2023 16:00 GMT+7

Thông qua chương trình Impact Media Fellowship do Quỹ Quốc tế Singapore tổ chức, đoàn nhà báo Đông Nam Á, trong đó có phóng viên Thanh Niên, có dịp tìm hiểu về chiến lược “quốc gia thông minh” của Singapore.

Đăng ký khai sinh bằng một cú nhấp chuột

Trong một phiên thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh các thành phố thế giới (WCS) 2022, được tổ chức từ 31.7 - 3.8 ở Singapore, ông Chng Kai Fong, quan chức Văn phòng Quốc gia Thông minh và Chính phủ Kỹ thuật số Singapore (SNDGO) đề cập ứng dụng LifeSG.

Buổi triển lãm về khái niệm “quốc gia thông minh” ở Phòng trưng bày Singapore

Thụy Miên

LifeSG được thai nghén vào năm 2018 và trở thành cổng thông tin phục vụ công dân về các thủ tục hành chính thường ngày. Kể từ đó, khai sinh trực tuyến trở thành dịch vụ được thực hiện nhiều nhất trên nền tảng LifeSG. Các bậc cha mẹ có thể hoàn tất hồ sơ khai sinh cho con bằng một cú nhấp chuột, ngoài ra còn có hơn 40 dịch vụ của chính phủ, từ lên kế hoạch cho gia đình và sinh con; làm việc và hỗ trợ thông tin tuyển dụng đến chăm sóc y tế, nhà cửa và bất động sản.

Ông Wilson Loke, Phó giám đốc Ban Sẵn sàng và Tiếp thu kỹ năng số thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông Singapore, cho biết “quốc gia thông minh” là sáng kiến được chính quyền Thủ tướng Lý Hiển Long chính thức triển khai vào ngày 24.11.2014. Theo đó, đảo quốc sư tử khai thác công nghệ thông tin dữ liệu, mạng trực tuyến và dữ liệu lớn để đưa ra những giải pháp hỗ trợ về mặt công nghệ theo hướng phục vụ tốt hơn cho người dân.

Tại triển lãm “Cảnh quan quốc gia thông minh”, chính quyền Singapore đã trình bày nỗ lực tích hợp công nghệ trong cuộc sống thường nhật cho người dân. Chẳng hạn, Singapore đang tập trung sử dụng công nghệ cao cho hoạt động điều phối giao thông (hướng đến đô thị không bị kẹt xe); đưa vào sử dụng hệ thống 110.000 đèn đường gắn cảm biến không dây, nhằm thu thập tức thời dữ liệu ứng phó sự cố; đẩy mạnh giao dịch trực tuyến để hướng đến xã hội không dùng tiền mặt…

Không những vậy, năm 2022, Singapore chính thức hoàn thành bản sao kỹ thuật số (mô hình ảo được xây dựng dựa trên dữ liệu) của toàn bộ nước này sau 8 năm giới thiệu bản sao đầu tiên. Đó là phiên bản 3D hoàn chỉnh theo thông số 1:1, dựa vào dữ liệu chụp từ vệ tinh, công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI) để dựng nên mô hình trực tuyến. Bản sao kỹ thuật số cho phép giới hữu trách Singapore ứng phó nhiều thách thức khác nhau, bao gồm tác động của biến đổi khí hậu. Thông qua công nghệ tối tân, các cơ quan ban ngành xây dựng và theo dõi sát hoạt động quản lý nguồn nước trên toàn quốc, cũng như lên kế hoạch bảo vệ bờ biển, chống nạn nước biển xâm thực.

Tương tự với kế hoạch tích hợp năng lượng tái tạo vào mạng lưới điện quốc gia, nhờ bản sao kỹ thuật số mà dữ liệu về mô hình các tòa nhà cho phép soạn thảo lộ trình lắp đặt bảng điện mặt trời áp mái và hoàn thành cam kết của chính phủ Singapore lưu trữ 2 GW điện mặt trời vào năm 2030. Đây là một phần của Kế hoạch Xanh Singapore 2030 đang được chính phủ nước này theo đuổi.

Trả lời Thanh Niên, đại diện Bộ Phát triển Quốc gia Singapore nêu một số mục tiêu cho nỗ lực trên của đất nước này. Chẳng hạn, đến năm 2030 Singapore muốn toàn bộ các hộ gia đình đều nằm trong bán kính 10 phút đi bộ đến công viên; mở rộng thêm 130 ha diện tích công viên; trồng thêm 1 triệu cây xanh; tăng gấp 3 lộ trình tuyến đường xe đạp, từ 460 km hiện nay lên 1.300 km vào năm 2030.

Tất cả nhằm hướng đến một đảo quốc không chỉ thông minh mà còn xanh.

Tại WCS 2022, phái đoàn Việt Nam gồm lãnh đạo 9 tỉnh, thành phố đã tới tham dự hội nghị. Theo thống kê, đến đầu năm 2022, 41 trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án về đô thị thông minh. Trong đó, TP.HCM, Hà NộiĐà Nẵng đã tham gia vào mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN từ năm 2018.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.