Giới phân tích cho rằng nếu ông Kim Jong-un chọn Nga là nước công du đầu tiên thì đó là dấu hiệu cho thấy quan hệ Triều Tiên - Trung Quốc đang xấu đi.
Lãnh đạo Kim Jong-un có thể sẽ ra mắt lãnh đạo các nước vào tháng 5 - Ảnh: Reuters
|
Mới đây, Yonhap đưa tin Điện Kremlin xác nhận “một lãnh đạo cấp cao của CHDCND Triều Tiên” sẽ đến Nga dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng phát xít Đức (9.5.1945 - 9.5.2015). Tuy nhiên, Moscow không đề cập rõ tên của ông Kim Jong-un và Bình Nhưỡng cũng chưa có thông báo chính thức nhưng giới quan sát và truyền thông nhiều nước, kể cả của Nga, đều cho rằng lãnh đạo Kim sẽ chọn Nga là điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình. Nếu vậy, đây cũng được xem là màn ra mắt trước thế giới của ông Kim sau gần 4 năm cầm quyền vì dự kiến sẽ có nhiều nhà lãnh đạo các nước tham dự sự kiện trọng đại nói trên.
Nhiều ẩn ý
Hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau về việc ông Kim Jong-un trì hoãn công du nước ngoài trong suốt thời gian qua. AFP dẫn lời một số nhà quan sát phương Tây và Hàn Quốc nhận định về mặt hình thức ông Kim muốn kết thúc 3 năm để tang cha là nhà lãnh đạo Kim Jong-il (qua đời ngày 17.12.2011 - NV) trước khi thật sự bước sang thời kỳ cầm quyền mới mang đậm dấu ấn của mình. Mặt khác, lựa chọn điểm đến công du dành cho ông Kim Jong-un khi mới lên nắm quyền không nhiều, khả dĩ vẫn chỉ có Trung Quốc. Vì thế việc ông Kim “nhất quyết” không đi đâu trong mấy năm qua còn bị đánh giá là thể hiện một mức độ “phản kháng” nào đó. Ngoài ra, còn ý kiến nói ông Kim cần thời gian để củng cố vững chắc vị thế trước khi rời đất nước để tránh mọi nguy cơ xảy ra biến động trong lúc vắng mặt.
Bên cạnh đó, ý nghĩa rõ ràng nhất của việc ông Kim chọn Nga để ra mắt thế giới là phản ánh quan hệ đang ngày càng tốt đẹp giữa Bình Nhưỡng và Moscow. Gần đây, Nga đã xóa 10 tỉ USD - bằng 90% tổng số tiền Triều Tiên nợ Liên Xô trước đây - và phần còn lại được chuyển thành đầu tư trực tiếp vào Triều Tiên. Nga cũng đang nhắm tới các dự án quy mô lớn đại tu hệ thống đường sắt và mạng lưới điện ở Triều Tiên với vốn đầu tư nhiều chục tỉ USD để đổi lại quyền tiếp cận nguồn đất hiếm khoáng sản ở nước này cũng như tìm đầu ra cho thép và đồng đang tồn kho vì cấm vận của phương Tây.
Trung Quốc hậm hực ?
Những thông tin trên xuất hiện trong lúc khoảng cách giữa Triều Tiên và Trung Quốc bị cho là ngày càng lớn dần. Điều này được cho là xuất phát từ chính sách mới của nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc về nhiều mặt cũng như chủ động hơn trong quan hệ với bên ngoài. Theo Reuters, từ khi lên cầm quyền năm 2011 đến nay, ông Kim có nhiều quyết định khiến Bắc Kinh giận dữ như thử hạt nhân bất chấp cảnh báo của đồng minh cũng như xử tử người dượng Jang Song-thaek, vốn có quan hệ gần gũi với Trung Quốc. Hồi tháng 10, truyền thông Triều Tiên không đăng bất cứ tin bài gì liên quan đến kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, theo Đài Radiopress ở Nhật Bản, và thậm chí Trung Quốc không được mời dự lễ tưởng niệm 3 năm ngày mất của ông Kim Jong-il hồi tháng 12.2014.
Ngày 22.1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh tuyên bố nước này hoan nghênh việc ông Kim Jong-un sang Nga và việc 2 nước giữ liên lạc là “có lợi cho hòa bình và ổn định trong khu vực”, theo Đài Tiếng nói nước Nga. Tuy nhiên, sau đó vài ngày, bà Hoa từ chối bình luận về thông tin Trung Quốc đã không xuất dầu thô cho Triều Tiên trong suốt năm 2014. Yonhap dẫn số liệu từ Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc cho hay kim ngạch thương mại giữa Triều Tiên và Trung Quốc năm 2014 đạt 6,39 tỉ USD, giảm 2,4% so với năm 2013 và một số nhà bình luận nhận định với hãng thông tấn Hàn Quốc rằng việc Trung Quốc không bán một giọt dầu nào cho Triều Tiên trong cả năm là “cực kỳ bất thường”. Mặt khác, Trung Quốc lâu nay giữ vị thế gần như độc quyền về đất hiếm, khoáng sản cực kỳ quan trọng trong các ngành công nghệ và kỹ thuật, với một phần không nhỏ đến từ các mỏ ở Triều Tiên. Bắc Kinh vẫn thường dùng “con bài” này mỗi khi cần mặc cả hay gây sức ép với các láng giềng có nền công nghiệp phụ thuộc nhiều vào đất hiếm như Nhật Bản và Hàn Quốc. Nay nếu Nga tiếp cận được nguồn tài nguyên quan trọng này ở Triều Tiên thì chiến lược của Trung Quốc chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Có lẽ vì thế mà hồi tháng rồi, Hoàn Cầu thời báo đã tỏ rõ thái độ hậm hực khi đăng bài xã luận cho rằng sự kết nối Nga - Triều “không mang tính chiến lược” và “không chắc sẽ đạt được kết quả lớn lao” vì 2 nước “chỉ xem nhau là lối thoát trong điều kiện bị cô lập”.
Học tập ông nội ?
AFP dẫn lời chuyên gia kỳ cựu của Nga về Triều Tiên Andrei Lankov, có thể lãnh đạo Kim Jong-un đang làm theo sách lược của ông nội là Chủ tịch Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) về cân bằng quan hệ giữa 2 đối tác, đồng minh lớn. Theo ông Lankov, Chủ tịch Kim từng khéo léo vận dụng quan hệ trắc trở giữa Trung Quốc và Liên Xô trước đây để “Bình Nhưỡng nhận được nhiều lợi ích từ cả hai phía mà không phải đáp lại nhiều”. Vì thế, cũng không loại trừ sẽ có một cuộc gặp cấp cao Trung - Triều ngay tại Moscow. Theo Yonhap, Nga đã mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự lễ kỷ niệm sắp tới nhưng Bắc Kinh chưa có phản hồi chính thức.
|
Bình luận (0)