Người các làng ban đầu nghĩ hai đứa thanh niên làm “chuyện rồ”. Nhưng rồi kỹ năng này đã giúp nhiều em nhỏ bản địa biết bơi, thoát chết trong gang tấc khiến họ thán phục.
Cuộc sống của những cư dân bản địa Jrai dưới chân ngọn núi lửa triệu năm Chư Đăng Ya oằn gánh mưu sinh. Suốt ngày lăn lưng với đồng đất song cái nghèo vẫn đeo đẳng họ. Vậy nên việc rèn luyện kỹ năng sinh tồn cho các em phần nhiều bị lơ là, trong khi quanh làng là những suối dữ, hồ sâu. Song, hai thanh niên ở làng đã trở thành những người “gõ đầu trẻ”, trang bị cho các em kỹ năng này.
Thầy dạy bơi… tay mơ
Tây nguyên đang độ mùa mưa. Sông suối cao nguyên hiền lành là thế bỗng trở thành bao con nước dữ. Những cơn mưa dằng dặc như thối đất, thối trời khiến con suối dưới ngọn núi lửa Chư Đăng Ya trở nên dữ hơn. Hồ Ia Nâm ngờm ngợp nước… Tất cả trở thành hiểm họa khôn lường, đặc biệt là mùa mưa cao nguyên cũng trùng với kỳ nghỉ hè của các em. Không có những trò chơi như phố thị, học sinh ở đây chỉ biết tụm lại theo lũ bò. Sáng mờ sương, đám trẻ cơm đùm cơm bới lùa bò ra đồng, lên núi rồi thơ thẩn với đất cát, bên những hồ, sông sâu, tối mới về lại làng. Hành trình ấy lặp lại từng ngày và cũng hàm chứa hiểm nguy khi các em vui chơi bên các dòng nước dữ.
|
Chuyện lạ ở Chư Đăng Ya cũng từ những buổi chăn bò ấy. Bọn trẻ hỏi Pyiu và Tai rằng:
- Các anh có biết bơi không?
- Có chứ, không biết bơi đuối nước thì sao!
- Các anh dạy chúng em được không? Bọn em thèm học bơi mà không ai dạy cả.
- Được thôi, mấy hôm nữa nhé!
Từ lời hẹn của hai chàng trai bản địa buổi hôm ấy, lớp học bơi… dã chiến đã thành hình, tồn tại suốt hai năm qua.
Hai trai làng trở thành những ông thầy bất đắc dĩ. Pyiu kể: “Thấy các em hào hứng quá thì cũng hứa… liều! Tối về nghĩ lại thấy cũng lo. Học ở đâu, dạy ra sao? Lúc đầu cả hai hì hụi lục trên YouTube cách dạy bơi, các kỹ năng sinh tồn dưới nước. Trên ấy họ hướng dẫn kỹ, hay nhưng áp dụng sẽ khó bởi các em ở nhiều độ tuổi khác nhau, nhận thức sẽ không như nhau, rồi phương tiện tập luyện hạn chế. Hai anh em bàn mãi cuối cùng cũng quyết định: Lúc đầu sẽ giúp các em nổi, thăng bằng trên nước bằng vật dụng gì đó, rồi sau mới tập động tác bơi dần dần”.
Dụng cụ cho lớp học bơi dã chiến này được hai “thầy giáo” tìm mua ở các cơ sở nhôm nhựa phế phẩm. Đó là những can nhựa chưa thủng lỗ, dùng thay phao. Con suối dưới chân núi lửa Chư Đăng Ya là địa điểm của “lớp học”.
Buổi đầu hơn chục em. Rồi “lớp học” bơi tăng dần sĩ số lên 17, 20, 30… Lợi thế tiếng bản địa, động tác dễ hiểu cùng sự hứng thú đã thu hút các em.
|
Niềm vui dưới chân núi lửa Chư Đăng Ya
Khách thập phương có lẽ nhiều người biết đến Chư Đăng Ya với miệng núi lửa hàng triệu năm, vươn lên sừng sững trong ngàn mây. Độ cuối năm, cả vùng núi tràn ngập sắc vàng của dã quỳ, sắc tím cỏ đuôi chồn. Cảnh sắc nên thơ là vậy nhưng xã cùng tên núi này, cuộc sống người dân với hơn 2.000 người, hơn 80% là đồng bào bản địa Jrai vẫn còn khó khăn. Số nhà gọi là tươm tất chút có lẽ chỉ đếm chưa đủ hai bàn tay.
Khoảng 500 học sinh ở xã đang ở bậc tiểu học, THCS hầu hết chưa biết bơi. Và lớp học bơi nghiệp dư này đã giúp cho hơn 100 học sinh biết bơi. Nay thì rất nhiều học sinh đã có những kỹ năng tương đối để sinh tồn khi xuống nước. Cũng từ hai năm qua, xã này không có học sinh bị đuối nước.
Nhiều học sinh trong xã đã tìm đến lớp dạy bơi này mỗi khi hè về. Anh Pyai ở làng Ia Gri khoe: “Cháu ruột của mình, thằng Phiên (12 tuổi) đã biết bơi từ lớp học bơi này đấy. Nó học về khoe biết bơi rồi, mình chẳng tin. Đến khi thấy nó nhảy xuống hồ Ia Nâm tắm với mấy đứa nhỏ trong làng thì mới hay. Mình cũng không biết bơi, hễ thấy nước lớn là sợ. Thanh niên làm hay hơn ông già rồi! Hay lắm”.
Người làng cũng thấy lạ, mấy buổi đầu họ đến tận nơi xem, có người lắc đầu thì thầm: “Hai thằng thanh niên đang làm “chuyện rồ” rồi!”. Song chỉ ngay tuần đầu, các em đã bơi được. Em chậm hơn thì mất cả chục ngày. Lúc ấy, người làng mới gật gù khen. Lứa “tốt nghiệp” đầu tiên được liên hoan bằng mấy gói kẹo mua vội ở tiệm tạp hóa đầu làng. Khích lệ thôi nhưng niềm vui tràn ánh mắt cả thầy lẫn trò.
Vậy là như lời hẹn ước định sẵn, cứ hè đến là hai chàng thanh niên Pyiu và Tai lại “chiêu sinh” học viên học bơi. Lớp học miễn phí này đã giúp cho các em những kỹ năng cơ bản, bổ ích. Tai nói: “Mình làm nông thôi, bận rộn nhưng thấy các em vậy cũng thương. Vậy là cùng Pyiu dạy bơi cho các em. Mình học mới đến lớp 4, khổ cũng nhiều rồi. Thấy các em vậy, mình mong giúp cho các em thêm kỹ năng sống, muốn các em học cao hơn mình nhiều nữa để bớt khổ. Làm gì cũng phải học nhiều mới biết”.
Đáng phục hơn là Pyiu, Tai cùng Hrưi, một thanh niên không biết chữ nhưng có tài diễn xuất đã lập nên một tài khoản có tên Rup TV trên YouTube, tải nhiều hình ảnh, clip về phong cảnh đẹp, phong tục tập quán người bản địa… thu hút khá đông người xem. Pyiu khoe: “Nghề chính của em là thiết kế nội thất cho các quán karaoke. Nhưng cái Rup TV của em có lượng xem đông lắm đấy, có clip đến vài triệu lượt view. Cứ mỗi tháng nhóm em được 13, 14 triệu đồng quảng cáo đó”.
Nói về việc làm của “hai thầy” dạy bơi cho các em, ông Me, già làng làng Xóa, xã Chư Đăng Ya nói: “Chúng được!”. Câu nói ngắn gọn nhưng chất chứa cả sự thán phục, ủng hộ và cả tình thương nữa đối với những người làm việc tốt cho làng, cho các em!
Cứu bạn thoát đuối nước
Cách đây chưa lâu, từ kỹ năng của lớp học bơi này đã giúp cho một học sinh trong xã thoát đuối nước. Số là em A Lai học lớp 7 cùng các bạn trong xã rủ nhau đi chơi ở gần một hồ nước trong xã. Em Bích (11 tuổi) đi chơi cùng nhóm không may trượt chân xuống chỗ nước sâu. Cả nhóm đứng chết lặng. Tiếng kêu người lớn đến cứu như lạc vào thinh không bởi khoảng cách từ các làng đến hồ quá xa. Rất nhanh trí cộng với kỹ năng bơi, cứu người được học từ lớp học của thầy Tai và Pyiu, A Lai nhảy ùm xuống nước cầm được tóc của Bích kéo lên bờ, cứu bạn thoát đuối nước trong gang tấc. “Bích uống nước vào bụng rồi nhưng không sao. Sau lần ấy, Bích xin đi học bơi cùng cháu. Giờ thì bạn bơi được rồi”, A Lai kể.
Theo thống kê của cơ quan chức năng ở Gia Lai, tính từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có gần 140 vụ đuối nước khiến hơn 160 học sinh tử vong. Đây cũng là tỉnh có tỷ lệ học sinh đuối nước cao trên cả nước. Nhiều nguyên nhân dẫn đến đuối nước như: phụ huynh thiếu quan tâm, nhắc nhở, giám sát con em mình; môi trường sống thiếu an toàn cho trẻ; đa số trẻ em chưa biết bơi; thiếu các khu vui chơi cho trẻ em, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa; cơ sở vật chất để phổ cập môn bơi chưa được đầu tư thỏa đáng.
|
Bình luận (0)