Chuyến thăm của Thủ tướng và thông điệp Việt Nam năng động, tiềm năng

Mai Hà
Mai Hà
29/06/2023 10:48 GMT+7

Chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng nhằm cụ thể hóa chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cuối năm 2022. Đặc biệt, việc tham dự WEF Thiên Tân thể hiện rõ vai trò, dấu ấn Việt Nam trong bối cảnh thách thức kinh tế toàn cầu.

Đây là chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính, cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Việt Nam tới Trung Quốc sau 7 năm.

Chuyến thăm của Thủ tướng và thông điệp một Việt Nam năng động, nhiều tiềm năng - Ảnh 1.

Chuyến thăm của Thủ tướng tới Trung Quốc nhằm cụ thể hóa và triển khai những kết quả thực chất của chuyến thăm mang ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

NHẬT BẮC

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, chuyến thăm của Thủ tướng nhằm cụ thể hóa và triển khai những kết quả thực chất của chuyến thăm mang ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc vào cuối năm 2022, trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện (2008 - 2023).

Phía Trung Quốc đã dành cho Thủ tướng sự đón tiếp rất trọng thị, chu đáo, thân tình, thắm tình “đồng chí anh em”. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm, hội kiến với 4 lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc. Theo đó, Thủ tướng đã hội đàm với Thủ tướng Lý Cường, hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế; Chủ tịch Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh.

Tại các cuộc hội đàm, hội kiến, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam nhất quán coi trọng việc phát triển mối quan hệ tốt đẹp với Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc.

Đây là chủ trương nhất quán, là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng khẳng định luôn coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong tổng thể chính sách ngoại giao láng giềng. Ủng hộ Việt Nam thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và nâng cao vai trò quốc tế.

Hai bên nhất trí thúc đẩy triển khai hiệu quả Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam -Trung Quốc.

 Phía Trung Quốc dành cho Thủ tướng sự tiếp đón trọng thị 

NHẬT BẮC - DƯƠNG GIANG

Mở cửa hàng hóa, nghiên cứu đường sắt tốc độ cao Việt - Trung

Về kinh tế, chuyến thăm cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Phía Việt Nam đề nghị Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho nông, thủy sản của Việt Nam; nâng cao hiệu suất thông quan, tránh xảy ra ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu. 

Tăng cường kết nối đường sắt, đường bộ, đường biển, nghiên cứu phát triển một số tuyến đường sắt tốc độ cao kết nối hai nước...

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng khẳng định chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc có thực lực mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực phù hợp với nhu cầu, chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam.

Về quan hệ đối ngoại, hai bên đi sâu trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí khẳng định tầm quan trọng của việc kiểm soát thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, trên cơ sở tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của nhau.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng đã dành nhiều thời gian cho các hoạt động tiếp xúc doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư và thương mại hai nước

NHẬT BẮC

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã dành thời gian gặp gỡ với cộng đồng người Việt Nam tại Trung Quốc và các nhân sĩ, trí thức hữu nghị; tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc và tiếp lãnh đạo nhiều tập đoàn hàng đầu của Trung Quốc.

Thủ tướng đề nghị kiều bào Việt Nam tại Trung Quốc đóng góp thiết thực hơn, hiệu quả hơn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước và là cầu nối vun đắp quan hệ 2 nước.

Với các doanh nghiệp, Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam tạo mọi điều kiện có thể để các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Trung Quốc hợp tác đầu tư, kinh doanh thuận lợi, trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro, khó khăn chia sẻ."

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, chuyến công tác của Thủ tướng đã ghi nhiều dấu ấn quan trọng, đặc biệt thể hiện tin cậy chính trị giữa hai nước được tăng cường mạnh mẽ, tạo cơ sở quan trọng để đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung trong tình hình mới, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước.

Tăng cường niềm tin, đẩy mạnh đầu tư và kinh doanh

Tại Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự nhiều phiên họp như đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam - WEF; phiên toàn thể  hội nghị với chủ đề "Đương đầu với các cơn gió ngược: Khởi động lại tăng trưởng trong bối cảnh mong manh" dự phiên khai mạc hội nghị WEF.

Thủ tướng đã chia sẻ với các nhà lãnh đạo chính phủ và hơn 1.000 doanh nghiệp từ các nước trên thế giới về tình hình phát triển  kinh tế, cũng như chiến lược, mục tiêu phát triển đất nước của Việt Nam.

Đáng chú ý, lãnh đạo các nước, các tổ chức và đại diện các doanh nghiệp đều đánh giá cao, nhận định Việt Nam là một trong những điểm sáng phục hồi kinh tế của khu vực, là hình mẫu thành công trong phòng chống dịch bệnh, đóng vai trò tiên phong trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cam kết chuyển đổi năng lượng.

Trước hơn 300 khách mời lãnh đạo các nước và các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, Thủ tướng cũng đã chia sẻ những giải pháp ứng phó với "cơn gió ngược" đang ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam.

Thủ tướng dành thời gian cho kiều bào, nhân sĩ trí thức hai nước và đi thăm, tìm hiểu quy hoạch khu mới Hùng An - được xem là thành phố kiểu mẫu của Trung Quốc

NHẬT BẮC

Bên cạnh đó, Thủ tướng đã có các cuộc gặp cởi mở, thẳng thắn, chân thành với lãnh đạo nhiều nước, tổ chức quốc tế để trao đổi các biện pháp cụ thể, thực chất thúc đẩy quan hệ song phương và tăng cường phối hợp trong các vấn đề cùng quan tâm như nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab, Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins, Thủ tướng Mông Cổ Oyun Erdene Luvsannamsrai, Thủ tướng Barbados Mia Mottley.

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, sự tham gia của Thủ tướng đã tiếp tục góp phần thúc đẩy thực chất quan hệ giữa Việt Nam và WEF. Việc ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giai đoạn 2023 - 2026, tập trung vào những lĩnh vực khả thi như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, tài chính xanh, chuyển đổi số… đã tạo nền tảng để tăng cường quan hệ hai bên trong giai đoạn mới. 

Với kết quả quan trọng này, WEF sẽ đẩy mạnh hơn nữa hợp tác, hỗ trợ Việt Nam về tư vấn chính sách và nâng cao năng lực thích ứng trước các xu thế phát triển mới, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương trong những vấn đề có lợi ích thiết thực như nông nghiệp thông minh, phát triển các cụm công nghiệp hướng tới phát thải ròng bằng 0, thành lập Trung tâm cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam…

Những trao đổi cởi mở, thân tình của Thủ tướng với lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu đã góp phần truyền tải đến cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu về những thành tựu, tiềm năng, thế mạnh, những mục tiêu và định hướng phát triển của Việt Nam. 

Đây là cơ hội giá trị để các doanh nghiệp nước ngoài hiểu sâu sắc hơn về chủ trương, chính sách, môi trường đầu tư, qua đó tăng cường niềm tin và đẩy mạnh đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. "Điều đáng mừng là tại tất cả các cuộc trao đổi, Việt Nam luôn được giới thiệu là một trong những nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao, một nền kinh tế năng động, đổi mới với quy mô và tiềm năng ngày càng lớn mạnh", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.