Kính gửi "công ty sai" - một bạn trẻ tốt nghiệp ngành Đông phương, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM đã hồn nhiên viết như thế trong lá đơn xin việc bằng tiếng Nhật vào vị trí phiên dịch một công ty. Hóa ra, thay vì phải viết "Kính gửi quý công ty", bạn gái này lại viết sai chính tả, và "quý công ty" theo tiếng Nhật nếu viết không chuẩn sẽ thành "công ty sai". Nhà tuyển dụng đọc lá đơn của phiên dịch viên tương lai chỉ còn biết lắc đầu, lè lưỡi.
Sai lỗi chính tả, chữ viết cẩu thả, chữ hoa, chữ thường viết tùy tiện là những lỗi sơ đẳng nhất mà cũng dễ mắc nhất trong các lá đơn xin việc, đặc biệt là của những sinh viên các ngành kỹ thuật, khoa học tự nhiên... Chị Thùy Vinh, phụ trách tuyển dụng của một công ty nước ngoài tại TP.HCM kể: "Nghe như đùa nhưng hoàn toàn có thật. Có bạn viết đơn xin việc mà phần trên ghi tên mình, phần dưới ghi tên... người khác. Có lẽ bạn này "mượn" một lá đơn xin việc của ai đó, sửa lại để gửi, nhưng sửa chưa hết. Lại có bạn làm một bộ hồ sơ rất công phu, tiếng Anh, tiếng Việt, sơ yếu lý lịch, bằng cấp đầy đủ, chỉ thiếu phần... địa chỉ liên lạc. Công ty muốn mời bạn lên phỏng vấn, chẳng biết liên lạc bằng cách nào !".
Tương tự, anh V., cán bộ một công ty phần mềm tại TP.HCM kể: "Công ty tôi tuyển lập trình viên, thế mà có bạn lại gửi đơn xin việc viết tay. Chữ viết nguệch ngoạc, khó đọc, nhìn là chỉ muốn gạt hồ sơ sang một bên. Đáng ngạc nhiên, có bạn còn viết: "Qua website của công ty, tôi được biết công ty là một công ty lớn, uy tín trên thị trường". Trời ạ, công ty của chúng tôi mới thành lập, bé tí và chưa kịp làm xong website. Chẳng biết bạn đó lấy thông tin ở đâu mà "nổ" dữ vậy !".
Là người phụ trách bộ phận tuyển dụng, chị N, công ty D. cũng gặp khá nhiều trường hợp "cười hổng nổi" với bộ hồ sơ xin việc của các ứng viên. Chị kể: "Có nhiều bạn tốt nghiệp khoa Anh, mà viết đơn xin việc sai chính tả, sai ngữ pháp, câu cú ngô nghê. Điều này phần nào phản ánh trình độ của ứng viên trước nhà tuyển dụng. Nhiều bạn khi nộp hồ sơ xin việc qua mạng thì thay vì gửi cho từng công ty một, lại lấy nguyên lá đơn gửi cho công ty trước, thay đổi địa chỉ e-mail của công ty mới là xong. Lúc thư đến, nhà tuyển dụng biết được cả tên những công ty trước mà bạn này nộp đơn.
Độc đáo hơn, có bạn viết một lá đơn xin việc dài như một lá thư với phần trên là tiếng Anh, phần dưới là tiếng Nhật. Chắc bạn muốn thể hiện rằng mình biết hai ngoại ngữ, nhưng sao không viết hai đơn xin việc bằng hai thứ tiếng mà lại gộp chung như thế ? Cũng như viết thư bằng hai màu mực, viết đơn xin việc bằng hai thứ tiếng như vậy dễ tạo cảm giác khó chịu nơi người đọc".
Một bộ hồ sơ chuyên nghiệp Không phải ngẫu nhiên mà có trang web tuyển dụng có hẳn cuộc thi "hồ sơ xin việc chuyên nghiệp". Chị Thiên Trang, Phó giám đốc Công ty NetViet, một doanh nghiệp chuyên về tuyển dụng nhân sự, đã đưa ra những lời khuyên về một bộ hồ sơ chuyên nghiệp:
Nên tự mình viết đơn xin việc và sơ yếu lý lịch, đừng làm theo các mẫu bán ngoài nhà sách. Đơn xin việc và sơ yếu lý lịch do chính mình soạn sẽ độc đáo, sáng tạo, và thể hiện được phong cách của ứng viên trước nhà tuyển dụng.
Trong đơn xin việc, bạn phải nêu được điểm mạnh, điểm yếu, mục tiêu phấn đấu của mình thật rõ ràng và ngắn gọn. Riêng trong phần sơ yếu lý lịch, ngoài những thông tin cá nhân, trình độ học vấn (thứ tự bằng cấp từ cao đến thấp), hãy liệt kê tất cả những hoạt động xã hội bạn từng tham gia (như chiến dịch Mùa hè xanh, hoạt động nào đó của trường...), kể cả những công việc làm thêm khi bạn còn là sinh viên. Những điều này sẽ giúp nhà tuyển dụng phần nào hình dung được bạn là người năng động.
Liệt kê điểm mạnh, điểm yếu một cách cụ thể. Riêng phần điểm yếu, hãy viết làm sao để những điểm yếu sẽ trở thành "vô hại" đối với công việc tương lai của bạn.
Sai lỗi chính tả, sai ngữ pháp... chính là những lỗi mà nhà tuyển dụng dị ứng nhất. Sẽ chẳng ai muốn tuyển một nhân viên đến chính tả vẫn còn sai đâu bạn ạ. Vì thế, hãy đọc thật kỹ bộ hồ sơ của mình trước khi gửi chúng đi.
Sắp xếp bộ hồ sơ xin việc cũng là việc nên chú ý. Trước tiên là đơn xin việc (nên dán hình), sau đó là sơ yếu lý lịch, các bằng cấp (bằng cao nhất để ở trên, các chứng chỉ ít quan trọng hơn để ở dưới). Sau nữa mới là giấy khám sức khỏe.
Hãy chú ý đến tấm hình thẻ dán trong bộ hồ sơ. Bạn nên ăn mặc nghiêm túc. |
Lan Anh
Bình luận (0)