Ngày 5.5, đoàn công tác Liên Hiệp Quốc do ông Eliasson - Jan Kenneth, Phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cùng Bộ trưởng Bộ NN- PTNT Cao Đức Phát đã có chuyến khảo sát thực tế tại Bến Tre, địa phương bị ảnh hưởng hạn mặn nặng nhất trong vòng 90 năm qua.
Tại Nhà máy nước Bảo Thuận (H.Ba Tri), ông Huỳnh Kim Mười, Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Bến Tre, cho biết chưa bao giờ nước ở khu vực xã Bảo Thuận có độ mặn như năm nay. “Người dân Bến Tre đang gồng mình chống chọi với 3 cái nhất: “Xâm nhập mặn sâu nhất, độ mặn cao nhất và kéo dài nhất” từ trước đến nay. Hiện tại, Bến Tre có hơn 80.000 hộ dân thiếu nước ngọt sử dụng phải dùng luôn cả nước nhiễm mặn”, ông Trương Duy Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, than.
Ông Lương Quang Xô, Phó viện trưởng Viện Thủy lợi miền Nam, cho biết hiện ĐBSCL có khoảng 2 triệu ha diện tích bị ảnh hưởng của hạn, xâm nhập mặn sâu 40 - 50 km, một phần do trên dòng chính sông Mê Kông ở khu vực thượng nguồn đã đắp 6 đập và hiện đang xây dựng thêm 2 đập... làm cho nước thượng nguồn không về tới hạ nguồn.
Ông Eliasson - Jan Kenneth đánh giá: "Chuyến khảo sát đã cho tôi thông điệp rõ ràng nhất về mùa màng và nước sinh hoạt bị thiếu hụt như thế nào. Ở nhiều nước liên quan sẽ cần có chương trình chung cho việc sử dụng nguồn nước (Mê Kông) và chúng tôi cũng thấy mình có trách nhiệm trong vấn đề này. Chúng tôi cần thúc đẩy mối quan hệ hài hòa giữa các nước trong cùng khu vực có điều kiện nguồn nước thông nhau. Hệ thống của chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để giúp đỡ Chính phủ và người dân bị thiên tai, trong đó sẽ vận động các tổ chức quốc tế về môi trường, nhân đạo trên thế giới hướng về các bạn. Vấn đề khoa học lọc nước biển từ chi phí 2 USD sang 2 cent là vô cùng quan trọng để giải quyết vấn đề nước ngọt".
Ông cho biết sẽ chuyển thông điệp này đến Hội nghị cấp cao về nhân đạo thế giới và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu vào ngày 26.5 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
Bình luận (0)