Chuyện tiêu bản rùa hồ Gươm

18/12/2010 15:20 GMT+7

Sau cái chết của cá thể rùa hồ Gươm năm 1967, Ủy ban hành chính Hà Nội khi đó đã chỉ đạo các cơ quan chức năng giữ lại làm tiêu bản.

Hiện ở đền Ngọc Sơn có trưng bày tiêu bản rùa có chiều dài hơn 2m, chiều ngang gần 1,5m. Để ý kỹ trên mai rùa, gần xương sống, ở bên phải (nhìn từ đầu) có một vết lõm nhỏ đường kính chừng 4cm. Đây được cho là dấu tích của vết xà beng đã dẫn đến cái chết của rùa.

PGS.TS Hà Đình Đức cho biết: Vào lúc gần trưa ngày 2.6.1967 tại khu vực nhà hàng Thủy Tạ có rất nhiều người xúm lại xem rùa nổi. Trên cái mai rùa có một đám bọt màu hồng to như cái mũ sùi lên. Nhìn đám bọt ấy, người ta biết rằng cụ đã bị thương. Sau khi được kéo lên bờ, Công ty Thực phẩm đã định giá tới... 2,7 đồng/kg.

Công ty Thực phẩm đang khiêng lên xe thì Chủ tịch Ủy ban hành chính Hà Nội, Trần Duy Hưng ra chỉ thị gấp cho công an phải bảo vệ “cụ rùa”, bên y tế thì có trách nhiệm cứu chữa khẩn cấp. “Cụ rùa” được đưa về hồ nước trong công viên Bách Thảo rồi lại được chuyển tới căn nhà số 90 phố Thợ Nhuộm cứu chữa, nhưng do vết thương quá nặng nên đã chết trong chiều hôm đó.

Rùa nặng tới 250kg, vết thương trên lưng có đường kính tới 5cm và sâu thấu phổi. Cơ quan công an đã vào cuộc và xác định người sát thương “cụ rùa” là một người của quốc doanh cá khi đánh cá ở hồ mấy ngày trước đó.

Hiện nay tại bảo tàng Hà Nội cũng trưng bày một bộ xương rùa hồ Gươm dưới tên: Rafetus leloii. Bộ xương này có chiều dài khoảng 1,5m, mai dài 70cm và rộng 50cm. Trên mai rùa, cũng có một lỗ thủng lớn gần bằng bàn tay.

Ông Nguyễn Tiến Đà, Phó Giám đốc bảo tàng Hà Nội cho biết: bộ xương này đã được bảo tàng tiếp nhận từ Trung tâm Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào năm 1991. Trước đây, bộ xương được bảo quản trong kho của bảo tàng ở chùa Hưng Ký (Hoàng Mai, Hà Nội). Nhưng cái chết của “cụ rùa” này là một bí ẩn. Chỉ đến khi “cụ” chết nổi, người ta mới phát hiện và vớt về lọc lấy bộ xương đem bảo quản.

Ngay khi “cụ rùa” chết, Ủy ban hành chính thành phố đã chỉ đạo cho làm tiêu bản. Công việc được giao cho hợp tác xã Quyết Thành do ông Vũ và ông Nguyễn Văn Ty phụ trách. “Quá trình làm tiêu bản phải tiến hành mổ bụng, lấy toàn bộ phần thịt và nội tạng, rồi tiến hành lột, xử lý bộ da bằng hoóc môn. Bước tiếp theo là dựng bộ xương bằng khung sắt, nhồi bông tái sinh làm phần thịt, bọc bộ da lên và dùng các dầu bóng để tạo vẻ ngoài như thật”, ông Nguyễn Văn Cường, con trai ông Nguyễn Văn Ty, cho biết.

Trong căn nhà nhỏ ở cạnh chùa Hưng Ký, ông Nguyễn Đức Hồng (nguyên cán bộ cục bảo tồn, bảo tàng) nhớ lại: Khi “cụ rùa” chết, mỗi cán bộ còn được nhận 1,2kg thịt nhưng nghĩ đến tính linh thiêng nên gia đình không dám ăn. Trong thời kỳ chiến tranh, để tránh bom đạn, tiêu bản rùa hồ Gươm sau khi hoàn thành, đã được trưng bày ở Văn Miếu. Sau đó, chính ông Hồng đã đề nghị đem về trưng bày ở đền Ngọc Sơn. “Cụ rùa hồ Gươm thì phải để ở đền Ngọc Sơn chứ để ở Văn Miếu sao được”, ông Hồng giải thích.

Hiện nay, tiêu bản rùa vẫn được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ: Trước đợt tu bổ đầu năm 2010, nhiều chi tiết bị bong, tróc, nứt do ẩm mốc, đặc biệt phần diềm mai được đắp bằng xi măng có kích thước không đúng với nguyên bản đã được phục chế. Vết nứt ở trên mai cụ rùa cũng đã được trám bằng thạch cao và latex, không để lại dấu vết, bảo đảm tính thẩm mỹ cao nhất. Nếu bảo quản tốt thì tiêu bản rùa có thể giữ được hàng trăm năm”, ông Cường, người tham gia tu bổ, cho biết.

Hoàng Giang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.