Chuyện tình bên hồ Văn Sơn

30/09/2017 09:15 GMT+7

Hẹn đến lần thứ 5, tôi mới gặp được thượng úy Lê Văn Bình, chiến đấu viên Đội đặc nhiệm chống khủng bố 6, Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 tại nhà riêng của anh (xã Trung Hà, H.Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng).

Câu chuyện diễn ra trong căn nhà giản dị của vợ chồng Bình, hướng ra mảnh vườn nhỏ có những luống rau xanh mơn mởn.
Nhập ngũ Lữ đoàn Hải quân 126 năm 2004, bằng sự phấn đấu liên tục và nguyện vọng phục vụ quân đội lâu dài, Lê Văn Bình được chỉ huy đơn vị đề nghị chuyển sang chế độ quân nhân chuyên nghiệp. Năm 2006, anh vui mừng khi nhận được quyết định cử đi học lớp phó mũi trưởng tại Trường sĩ quan Đặc công. Cầm quyết định trên tay, Bình tự nhủ sẽ nỗ lực phấn đấu hơn nữa, cố gắng học tập tốt, tích lũy nhiều kiến thức để khi ra trường về phục vụ đơn vị.
Tình yêu đến với Bình thật ngẫu nhiên. Anh nhớ lại: “Học tại trường được 3 tháng, một hôm đơn vị tôi thực hiện kế hoạch tập luyện bơi đường dài tại hồ Văn Sơn (Hà Nội). Khi chúng tôi lên bờ nghỉ giải lao, có hai cô gái đi ngang qua, xin chụp ảnh kỷ niệm với các anh bộ đội đặc công. Mấy anh lính hóm hỉnh đẩy tôi ra chỗ hai cô gái và tôi đành làm diễn viên bất đắc dĩ”.

tin liên quan

Đơn vị độc đáo nhất toàn quân
Đó là Lữ đoàn giang thuyền 962, thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đóng quân ở TP.Long Xuyên (An Giang). Cán bộ chiến sĩ đơn vị tuy 'lính đỏ' (lục quân) nhưng mặc quân phục hải quân.
Bình kể tiếp: “Vào một buổi chiều ngày nghỉ, tôi xin chỉ huy đơn vị ra ngoài cắt tóc. Trên đường về, qua con đường nhỏ dẫn đến hồ Văn Sơn, tình cờ gặp lại đúng cô gái hôm trước chụp ảnh với mình. Trò chuyện tôi được biết, cô gái đó là Đỗ Thị Thúy, quê Phú Thọ, đang học năm thứ nhất Trường cao đẳng Cộng đồng (Sơn Tây, Hà Nội)”. Cũng từ hôm đó, Bình như bị cô gái vùng đất tổ hút hồn. Những cuộc điện thoại không thể bày tỏ hết mọi điều, Bình chuyển sang viết thư thay cho lời muốn nói... Một thời gian sau, cũng tại hồ Văn Sơn, khi hai người đi dạo, Bình ngỏ lời yêu Thúy và được Thúy đón nhận.
Yêu nhau được hơn 6 tháng, Bình hoàn thành khóa học. Khi anh tạm biệt Thúy về Hải Phòng công tác, cô đã khóc rất nhiều. Lúc đó, Bình động viên người yêu hãy tin tưởng ở tình cảm chân thành mà cả hai dành cho nhau. Họ nguyện sẽ phấn đấu học tập, công tác tốt để khi Thúy học xong sẽ cưới nhau.
Xa nhau về khoảng cách không làm vơi đi tình cảm của đôi bạn. Qua nhiều đêm suy nghĩ, Thúy âm thầm thực hiện những dự định với mục đích phấn đấu cho con đường công danh sau này, đồng thời làm sao để được gần người yêu. Cô đăng ký thi vào Trường đại học Hải Phòng. Thúy nghĩ lúc này chỉ có con đường duy nhất là đỗ đại học thì mọi việc phía trước sẽ thuận lợi hơn...
Một buổi chiều, đang ở đơn vị, Bình nhận được lá thư của Thúy, anh mở ra xem và không tin vào mắt mình: giấy báo trúng tuyển vào Trường đại học Hải Phòng của thí sinh Đỗ Thị Thúy... Từ năm học 2007, Thúy chính thức là sinh viên Khoa Toán - tin Trường đại học Hải Phòng. Trong 4 năm học đại học, Thúy tranh thủ thời gian, xin đi làm tại cửa hàng bán quần áo để kiếm thêm thu nhập phục vụ cho việc học tập của mình, một phần nhỏ bé thêm thắt giúp Bình mua đất xây nhà.

tin liên quan

Tình nguyện ra Trường Sa làm việc
Tròn một năm kể từ khi Ngô Thị Thanh (SN 1986, ở xóm Bãi, thôn Vân Hội, Phong Vân, Ba Vì, Hà Nội) viết đơn tình nguyện ra Trường Sa làm việc. Vẫn nuôi khát vọng, nhưng một cô gái ra Trường Sa làm việc không đơn giản như Thanh nghĩ.
Tình yêu là động lực tiếp thêm sức mạnh để Bình phấn đấu. Năm 2009, với số tiền dành dụm và vay mượn thêm của bạn bè, Bình mua được mảnh đất cạnh đơn vị giá gần 100 triệu đồng. Khi có đất, Bình thực hiện từng công đoạn. Lúc đầu, anh mua sỉ lò trộn cùng với vôi đóng gạch... Như chú ong thợ cần mẫn, tranh thủ giờ nghỉ, ngày nghỉ, cùng với sự giúp đỡ của đồng chí, đồng đội trong đơn vị, đặc biệt là sự góp công, góp sức của Thúy, Bình đã đóng được 7.000 viên gạch các loại; anh nhờ họ hàng người thân từ Quảng Xương, Thanh Hóa ra xây giúp nên tiết kiệm được khoản tiền công khá lớn. Cuối năm 2010, ngôi nhà mái ngói có diện tích 45 m2, nền lát gạch hoa sáng bóng được hoàn thiện.
Năm 2011, đám cưới của đôi vợ chồng trẻ được tổ chức trong sự chúc phúc của mọi người. Đến nay, gia đình Bình - Thúy đã có hai con, một gái, một trai. Đó là thành quả của một tình yêu trải qua nhiều cung bậc để rồi hội tụ ở chính ngôi nhà hạnh phúc. Chính ngôi nhà êm ấm là nền tảng để thượng úy Lê Văn Bình yên tâm công tác, chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.