Chuyện tình đẹp của vợ chồng khuyết tật: 'Mong các con có tương lai xán lạn hơn'

20/11/2021 11:18 GMT+7

Tấm gương khuyết tật giàu nghị lực của vợ chồng anh Nguyễn Văn Sương (36 tuổi) và chị Phan Thị Kim Diện (43 tuổi) được người dân địa phương ngợi khen bởi hiếm có đôi nào hạnh phúc như vậy dù đối mặt muôn vàn khó khăn.

Gia đình anh Sương, chị Diện nghèo nhưng nhiều niềm vui

THANH DUY

Hai mảnh đời bất hạnh gặp nhau

Người dân xã Nhơn Ái (H.Phong Điền, TP.Cần Thơ) hay gọi vợ chồng anh Sương và chị Diện là cặp đôi hoàn hảo. Bởi chị Diện chịu nhiều thiệt thòi mà hoàn cảnh anh Sương cũng không may mắn. Song, cả 2 đều không ngừng nỗ lực vượt lên nghịch cảnh, cùng viết nên câu chuyện gia đình nhiều cảm xúc.

Chị Diện kể, năm 4 tuổi, sau cơn bệnh thập tử nhất sinh, đôi chân chị teo tóp, vĩnh viễn không thể đi lại. Còn anh Sương, tuổi thơ có phúc phần hơn nhưng năm 20 tuổi, tai nạn giao thông đã lấy đi chân phải của anh suốt cuộc đời. Cả 2 đều gặp trắc trở nhưng không bao giờ đầu hàng số phận. Hơn 10 năm trước, họ gặp nhau trong một lớp dạy nghề dành cho người khuyết tật ở TP.Cần Thơ. Anh thấy chị giỏi giang, điềm đạm. Chị thương anh chịu khó, tính tình thật thà. Từ đó, hai người nảy sinh tình cảm rồi quyết định về chung một nhà.

Anh Sương sửa đồ dân dụng, nuôi 4 thành viên trong gia đình

THANH DUY

Ngày trọng đại của cuộc đời không đám tiệc rình rang, không người thân họ hàng, hai mảnh đời bất hạnh động viên nhau tự bươn chải, cố gắng vun đắp tổ ấm gia đình.

“Nhiều người lời ra tiếng vào vì nghèo cộng khổ nữa thì xoay xở làm sao. Chúng tôi thì nghĩ khác, cùng cảnh ngộ sẽ dễ dàng cảm thông, thấu hiểu hơn. Vì vậy mà cuộc sống dù có nghèo nhưng chúng tôi thấy rất hạnh phúc”, chị Diện Tâm sự.

Ẵm con trên tay, mừng rớt nước mắt

Hoàn thành khoá học nghề, nhưng không có vốn liếng nên những gì anh chị học được đành "cất vào trong vở". Anh Sương chuyển sang học nghề cơ điện. Khi đó, chị Diện gánh vác trọng trách lo kinh tế gia đình.

Trên chiếc xe lăn cũ, người phụ nữ liệt nửa người rong ruổi trên nhiều con đường bất kể nắng mưa, bán vé số hỗ trợ chồng vượt qua khó khăn. Những lúc rảnh, chị nhận làm khẩu trang, đan móc tại nhà kiếm thêm thu nhập. Còn anh Sương, ngày không lên lớp thì chống nạng đi bán vé số đỡ đần cùng vợ.

Đồng hành trên con đường mưu sinh vất vả của anh Sương là chiếc xe ba bánh và đôi nạng cũ

THANH DUY

Khi ra nghề, anh Sương vẫn không xin được việc. Thấu cảm hoàn cảnh của vợ chồng anh, một nhà hảo tâm đã cho thuê mặt bằng mở tiệm sửa đồ dân dụng với giá "rẻ như cho". Có chỗ an cư, vợ chồng nghèo lo lập nghiệp.

Khi có được công việc như ước mơ, vợ chồng anh Sương cũng mơ ước có một tổ ấm đúng nghĩa. Theo chia sẻ của chị Diện, vì căn bệnh sốt bại liệt từ nhỏ, chị sợ không thể có con. Mất vài năm, tin vui mới đến. Ngày được ẵm con trên tay, vợ chồng nghèo vỡ òa cảm xúc, mừng rớt nước mắt.

Sau hơn 10 chung sống, tài sản lớn nhất của anh Sương và chị Diện hiện là 2 đứa con kháu khỉnh: Nguyễn Phan Ánh Dương (8 tuổi) và Nguyễn Phan Phúc Thịnh (4 tuổi). Người bình thường nuôi con đã không dễ dàng, chăm trẻ với đôi chân tật nguyền như vợ chồng anh Sương càng vất vả.

“Không có ai phụ giúp nên cả 2 chỉ biết nương tựa nhau kiếm tiền, chăm sóc và nuôi con. Nhiều người trong dãy trọ thương tình cho gạo, sữa, quần áo. May mắn là các con từ nhỏ đến lớn đều dễ nuôi, khoẻ mạnh, biết nghe lời cha mẹ” chị Diện bộc bạch.

Tìm tương lai cho con

Từ khi có hai nhóc tì, cửa tiệm đồng thời cũng là nhà ở của vợ chồng anh Sương lúc nào cũng rôm rả tiếng cười, nhưng cuộc sống cũng từ đó có nhiều khó khăn hơn. Chị Diện tạm gác công việc dành thời gian chăm sóc con. Anh Sương trở thành trụ cột trong gia đình.

Hai con thơ đã đến tuổi ăn, tuổi học

THANH DUY

Trước dịch Covid-19, tiệm sửa đồ dân dụng của anh Sương tuy thu nhập bấp bênh, nhưng có đồng ra đồng vô trang trải cuộc sống. Khi dịch bùng phát, cơ sở buộc đóng cửa, 4 thành viên khăn gói về nhà nội tá túc. Anh Sương tâm sự, 4 tháng qua là khoảng thời gian thật sự túng thiếu. Vì hoàn cảnh, vợ chồng anh không thể làm thuê, làm mướn gì. Ngay cả việc tự túc cho bữa ăn hằng ngày thôi cũng đã quá khó khăn. Theo chia sẻ của chị Diện, gia đình vượt qua mùa dịch cũng nhờ vào sự giúp đỡ của mọi người xung quanh. Người cho mớ cá, người cho bó rau đắp đổi bữa ăn qua ngày.

Anh Sương cho biết, hiện cửa tiệm đã mở lại nhưng khách rất thưa. Mỗi ngày, anh vượt hàng chục cây số ngày hai lượt đi, về. Đồng hành cùng với anh trong con đường mưu sinh vất vả là chiếc xe ba bánh và đôi nạng cũ.

Vợ chồng anh Sương không ngừng nỗ lực để vượt lên nghịch cảnh

THANH DUY

Tìm miếng cơm đã chật vật, 2 con thơ đến tuổi ăn, tuổi học càng khiến vợ chồng anh Sương nặng nỗi âu lo. Con gái đầu lòng học lớp 3, thiết bị học trực tuyến chưa sắm nổi. Hằng tuần, cô giáo chuyển bài giảng bằng văn bản thay thế. Vấn đề học phí của con, vợ chồng anh Sương phải tích góp khá lâu mới có được. Khó khăn là vậy nhưng ước mơ lớn nhất của đôi vợ chồng nghèo là cố gắng cho con học hành đến nơi, đến chốn để thay đổi tương lai.

“Dù khuyết tật, nhưng còn sức lao động thì tôi sẽ cố gắng bươn chải để các con được đến trường. Số phận vợ chồng tôi đã không may mắn, điều mong mỏi nhất là tương lai các con được xán lạn hơn”, anh Sương tâm sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.