Trong ngôi nhà xập xệ, ông Huỳnh Duy Tế (81 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) gom ve chai, xếp từng miếng bìa các tông cho gọn. Bà Nguyễn Thị Út (74 tuổi) ăn bữa trưa muộn bằng món bánh mì chấm sữa. Dù ở tuổi xế chiều nhưng hai người vẫn xưng "anh, em" rất tình cảm.
May mắn vì ông còn sống
Tấm hình ông Tế mặc áo vest, bà Út mặc váy cô dâu đẹp lão được treo chính giữa nhà. Đó là món quà được một CLB chụp ảnh cưới tặng miễn phí cho họ cách đây không lâu. Ông khoe tấm hình với giọng vui vẻ, tự hào.
Chia sẻ với Thanh Niên, ông Tế cho biết quê mình ở Châu Đốc (An Giang) lên TP.HCM cùng ba mẹ từ nhỏ. Sau đó, ông gặp bà Út (lúc bà 5 tuổi) nên không hề có ấn tượng gì; rồi ông dọn đi chỗ khác, cho đến lúc bà 17 tuổi thì hai người gặp lại nhau nhưng ông không nhận ra. "Má vợ kể lại mới biết. Tôi quyết định cưới bà nên nói chuyện với má. Má ơi, má gả con gái cho con đi. Xấu đẹp, hiền hay dữ con cũng chịu. Nhờ câu nói đó, năm 1966 ông lấy được bà, chính thức nên duyên vợ chồng. Vợ tôi có hiếu nên má nói sao nghe vậy, lấy tôi theo sự sắp đặt của gia đình", ông nhớ lại. Ông Tế cho biết lúc đó không cần tìm hiểu trước vì hai người cũng đã biết nhau khi nhỏ..
Sau khi cưới nhau được 4 năm, vì chiến tranh, ông Tế không may bị mất một chân. Dù tàn tật nhưng cá nhân bà Út vẫn thầm nghĩ chồng còn sống là đã may mắn. Năm đó, vợ chồng ông cũng sinh con đầu lòng, ông ở nhà giữ con còn bà lam lũ, buôn bán kiếm sống. "Dù cụt chân vẫn còn hai tay làm ăn được. Khi con lớn hơn, tôi chuyển sang làm bơm vá xe đạp phụ vợ, không còn ở nhà chăm con", ông Tế chia sẻ.
Chồng U.90 mất một chân, vợ vẫn bên cạnh yêu thương gần 60 năm
"Miễn được bên nhau là vui rồi"
Cặp vợ chồng già có 3 người con đều đã lập gia đình riêng. Mỗi người một hoàn cảnh; sống ở 3 nơi khác nhau (Tây Ninh, Bến Tre, TP.HCM) và vẫn hay về thăm ba mẹ già.
Với ông Tế, vợ là người hiền lành, không bao giờ nói lớn tiếng hay giận dỗi vô cớ với chồng. "Lúc nào giận tôi quá, bà ấy làm thinh. Đó giờ vợ chồng có nhiêu thì ăn nhiêu, ngày có hai bữa cơm là được. Vợ chồng tôi sau đó chuyển sang nhặt ve chai. Giờ vợ tôi đau chân không lượm được nữa mỗi mình tôi đi, có tiền thì ăn ngon, không có thì ăn đơn giản thôi được ở với nhau là vui", người chồng bày tỏ.
Hiện tại, ông Tế thỉnh thoảng vẫn đau nhức, sưng đầu gối. Bà Út kiếm gậy để ông dễ đi lại, làm hết việc nhà để ông nghỉ ngơi. Với ông, gia đình, tình cảm vợ chồng là trên hết, không gì có thể thay thế được. "Hai vợ chồng phải nhường nhịn nhau, chúng tôi không có tiền nhưng chưa bao giờ cãi nhau vì vấn đề này. Đói cùng đói, no cùng no, không xa nhau là thấy hạnh phúc", ông Tế trải lòng.
Bà Út chia sẻ lúc đầu cưới nhau hoàn toàn không có tình yêu chỉ lấy ông vì sự sắp đặt của má. Sống với nhau, bà thỉnh thoảng giận ông nhưng tuyệt nhiên ông không bao giờ nói lời nào quá đáng, còn hiền hơn bà. "Khi về ở với nhau, tình thương nảy sinh hồi nào không hay, không thể tả được. Khổ đến mấy tôi cũng không nản, không bao giờ so đo việc người khác lấy chồng giàu", bà Út nói.
Bà Phạm Thị Xuân, tổ trưởng tổ 77, P.17, Q.Bình Thạnh, chia sẻ: "Vợ chồng ông Tế bà Út rất yêu thương nhau, sống không mất lòng ai. Tôi thấy hoàn cảnh cũng khó khăn nên có dịp gì cũng đề xuất lên khu phố, phường để họ được nhận quà, có thêm niềm vui".
Bình luận (0)