Chuyện tình miền sơn cước: Kỳ 4: Biến tướng đi sim

25/09/2014 03:00 GMT+7

Đi sim là tục lệ yêu đương hết sức đẹp đẽ của đồng bào vùng cao Quảng Trị đã tồn tại cả hàng ngàn năm qua. Tiếc rằng, đi sim bây giờ không còn được nguyên sơ như trước.

Đi sim thời hiện đại


Thế hệ như ông Kôn Thà (xã A Ngo, H.Đakrông) chỉ còn có thể tưởng tượng ra những mùa đi sim cũ - Ảnh: Nguyễn Phúc

Không được tham dự những tối đi sim nhuốm màu huyền thoại, đầy chất thi ca như thời trước nên những trải nghiệm về đêm trăng “hò hẹn” ấy cũng khó vẹn nguyên như lời kể của người già. Tục đi sim cũng như vạn vật, có những biến tướng không mong muốn khi thời thế đổi thay.

Đã có không ít người giật mình trước sự tụt dốc không phanh xét về mặt văn hóa của tục đi sim trong thời đại hiện nay. Đối với một bộ phận người trẻ là con em của đồng bào vùng cao, việc tâm tình, đàn hát giao duyên là một thứ... xa xỉ. Giờ, có “đốt đuốc đi tìm giữa ban ngày” cũng không nghe thấy những câu hát “tán tỉnh” nhau đến xé lòng như trong tài liệu của nhà thơ Ngô Minh dẫn từ nghiên cứu của nhà văn Mai Văn Tấn:“Nhớ nhau lòng như con sóng chao/Thương nhau hơn dòng nước Khóng chảy xiết/Yêu nhau núi lở trong lòng...” hay: “Dòng nước anh đã trào đến, con nước anh đã dâng lên/Em muốn đưa tay nhận, em muốn dang tay/Thấy anh muốn so ngay ngón tay giữa/Thấy anh, em muốn đọ ngay ngón tay út, anh ơi”.

“Chúng chỉ đi sim... chay, vì hình như chúng không còn biết hát. Gặp nhau thì lấy điện thoại bật nhạc lên nghe, những bài hát không phải của đồng bào mình”, ông Kôn Thà (ở bản A La, xã A Ngo, H.Đakrông) nói, giọng buồn rười rượi.

Khá nhiều người tiếc nuối khi những người con của rừng núi được đến trường nhưng không chịu học điều hay, mà còn “soạn” ra việc đi sim ở... quán cà phê, quán karaoke. Rượu bia len lỏi vào những cuộc “đi sim” chớp nhoáng, thậm chí tình dục cũng không đứng ngoài. Câu trả lời giọng tinh ranh, không biết nên buồn hay nên vui của một cậu trai ở xã Tà Rụt khi tôi lân la hỏi về chuyện “tế nhị”: “Yên tâm, bọn em biết tránh thai như người đồng bằng rồi”.

Vậy mà những bà mẹ trẻ tuổi, những đứa con vô thừa nhận, hậu quả của những cuộc “đi sim thời hiện đại” ngày mỗi nhiều lên. Như chị H.T.H (34 tuổi, thôn Vực Leng, xã Tà Rụt) có tới 3 đứa con vô thừa nhận. Đứa đầu tiên là kết quả của đêm đi sim bên bìa rừng cùng một gã sở khanh đã có gia đình và cao chạy xa bay khi biết chị mang trong mình một hình hài bé nhỏ. Hai đứa sau là cái giá phải trả cho sự dễ dãi vì mong muốn nhanh chóng kiếm một tấm chồng. Tiếc thay, trường hợp như chị H. không đơn lẻ. Thậm chí, độ tuổi của nhiều bà mẹ nhí khác còn chưa quá 20. Chỉ tính riêng ở xã Tà Rụt cũng đếm hết ngón tay.

“Quậy tưng” bản làng

Những cuộc đi sim biến tướng không những làm cho bản làng không còn bình yên mà còn len đến những ngôi trường, nơi có khu nhà bán trú dành cho học sinh nữ.


Chị H.T.H (xã Tà Rụt, H.Đakrông) và 3 đứa con vô thừa nhận, hậu quả của những đêm đi sim chớp nhoáng - Ảnh: Quân Hoàng

Vụ náo loạn ở Trường THCS Pa Nang (xã Pa Nang, H.Đakrông) vào cuối tháng 12.2013 là một ví dụ. Do ngăn cản không cho các thanh niên địa phương vào phòng nội trú của các em học sinh nữ đang theo học tại nhà trường để... đi sim, nên các giáo viên ở ngôi trường này đã lãnh đá, gậy của đám trai hung hãn. Vụ việc thậm chí phải nhờ sự can thiệp của lực lượng công an mới được vãn hồi.

“Việc thanh niên sau khi uống rượu rồi vào trường kiếm cớ đi sim là rất phổ biến. Các em nữ dù chỉ học cấp 2 nhưng theo tục của đồng bào thì có thể đã được đi sim. Dù vậy, chúng tôi vẫn kiên quyết ngăn cản để các em còn học hành, tránh những hậu họa đáng tiếc”, thầy Lê Thanh Tùng, Phó hiệu trưởng nhà trường, nói.

Tham gia những cuộc “quậy” không chỉ là con em người đồng bào mà còn có cả người miền xuôi. Không ít người già ở miền sơn cước than thở rằng dù rất mừng khi bản có một công trình mới được dựng xây nhưng họ cũng lo thon thót với sự hiện diện của đám trai công nhân miền xuôi, vốn nhàn rỗi về đêm và rất dẻo miệng.

Những lo lắng đó là có lý khi ngày càng nhiều sơn nữ mới dậy thì đã ngã vào lòng những gã trai miền xuôi trắng trẻo, biết ăn nói, a dua đi sim. Để rồi, sau khi “no xôi, chán chè”, khi công trình đã xong thì chàng trai “quất ngựa truy phong”, để sơn nữ mỏi mòn ngóng tin nơi rừng núi. “Đám trẻ bây giờ nó yêu nhau rồi lừa nhau cốt để “ăn cơm trước kẻng”. Vạ làng không còn có uy với chúng nữa”, một già làng ở Pa Nang chép miệng, giọng ngao ngán. 

Đi sim là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô, là cách con trai con gái đi tìm bạn tình mà có thể là bạn đời về sau. Theo lệ cũ, trong những đêm hò hẹn ấy, họ có thể cùng nhau lên nương, bìa rừng, nơi có những ngôi nhà tình yêu (gọi là nhà Xu) để chuyện trò, hát giao duyên. Tất nhiên, việc “ăn trái cấm” là điều tối kỵ và nếu bị dân bản bắt được, đôi trai gái này (chủ yếu là con trai) sẽ nhận những hình phạt thích đáng (có nơi đuổi ra khỏi bản, có nơi phạt vạ bò dê...).

Nguyễn Phúc

>> Võ sư miền sơn cước
>> Đầu năm, "phượt" miền sơn cước
>> Mỹ nhân sơn cước
>> Chợ miền sơn cước

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.