(TNO) Khi chúng tôi tỏ ý định viết bài về chuyện tình yêu của anh T.B, một người đồng tính nam (nam yêu nam, còn gọi là gay), T.B nói : “Mình thì không vấn đề gì, vì đã come out (lộ diện) từ lâu. Nhưng để mình hỏi thêm ý kiến của “bà xã” nhé”.
>> Chuyện tình người đồng giới - Kỳ 1: Hai cô gái và mối tình đầy ‘kinh ngạc’
Sau khi “hỏi ý kiến”, anh T.B phân bua: “Dù đã come out nhưng bạn ấy vẫn còn e ngại, nhất là trong công việc”. Sợ bạn đời phật ý, anh T.B đề nghị ghi tên tắt của cả hai khi chia sẻ câu chuyện bản thân.
Không muốn gia đình bị tai tiếng
Ngày 27.11.2002, tại một quán cafe khá yên tĩnh ở TP.HCM, có hai chàng trai đồng tính lần đầu hẹn hò nhau: T.B (25 tuổi) và C.H (20 tuổi). Thời gian thấm thoát trôi đi, đến nay hai người đã có với nhau gần 12 năm gắn bó, cùng trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống.
|
T.B cho biết, mấy năm trước, anh ở chung nhà với gia đình C.H. Gần đây, cặp đôi này đã mua nhà ở Q.7, TP.HCM và đã “ra riêng”. Hiện tại, cả hai đều làm công việc kinh doanh. Họ nuôi đứa cháu ruột của T.B và xem đó như là con của mình.
Hỏi về phản ứng của gia đình trước chuyện tình cảm của hai người, T.B chia sẻ: “May mắn là tụi mình có đi học những lớp kiến thức, kỹ năng liên quan nên biết cách cho gia đình biết từ từ sự thực này. Nếu người thân biết đột ngột thì sẽ rất khó chấp nhận”.
Trong cộng đồng LGBT (đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới), từ come out (lộ diện) ngày nay đã trở nên khá thông dụng. Tuy nhiên, đứng trước quyết định come out hay không, nhiều người phải suy tư, phân vân ghê gớm. Đặc biệt, việc công khai giới tính thật, công khai tình cảm và sống chung dưới một mái nhà vừa là nỗi khao khát vừa là áp lực lớn đối với những người đồng tính. Cặp đôi T.B - C.H cũng không phải ngoại lệ.
|
Không nói nhiều đến giai đoạn vượt qua những thử thách để “sống thật là mình”, anh T.B bộc bạch: “Do mình không thể lấy vợ như những người dị tính, nên mình phải cố gắng thể hiện những gì tốt nhất để gia đình có thể yên tâm. Đó là sự ổn định công ăn việc làm, tạo dựng kinh tế vững chãi, yêu thương gia đình, chủ động mọi mặt và sống như những công dân bình thường khác trong xã hội. Điều quan trọng, là cả hai đều ý thức phải luôn phấn đấu nhiều hơn để gia đình không bị ảnh hưởng, không bị mang tai tiếng”.
|
Cần sự vị tha
Đề cập tình yêu người đồng tính, anh T.B thẳng thắn nhìn nhận: “Định kiến xã hội là một trong những yếu tố khiến tình yêu của người đồng tính dễ tan vỡ. Nhiều người cũng muốn cặp bồ lâu dài, nhưng họ không dám đi chung với nhau hoài, vì sợ người ta nghĩ rằng họ có vấn đề gì mà cứ “xà nẹo” với nhau. Thế là có rào cản…”.
Anh T.B tâm tư: “Xã hội hay đánh giá người đồng tính ghen tuông dữ dội hơn những người khác. Thực ra, khi họ nóng giận, không làm chủ được bản thân, họ có những hành động bộc phát, sai lầm. Nhưng ngay cả với người dị tính và những giới khác, một khi họ đánh mất sự kiềm chế thì cũng có những hành động đáng tiếc như vậy”.
Cặp đôi T.B - C.H cho hay, những năm đầu mới quen nhau, họ hay cãi nhau trong những dịp đi chơi lễ bởi những lý do có khi là “rất vu vơ”. 12 năm, họ đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc: trách móc có, giận hờn có, ghen tuông có, cùng biết bao niềm vui sướng, ngọt ngào, say đắm…
“Khi sống với nhau một thời gian, sẽ biết được tật xấu của người kia. Vì vậy, cần phải có lòng vị tha để chấp nhận, bỏ qua cho nhau”, anh T.B nói.
Anh cho rằng: “Không riêng gì người đồng tính, tất cả những mối tình trong xã hội đều cần đến lòng vị tha thì mới mong bền chặt. Theo tôi, nơi nào có lòng vị tha, nơi đó có hạnh phúc. Và những ai yêu nhau thật lòng thì tình cảm mới có thể bền lâu. Còn nếu vì lý do gì đó, mục đích gì đó thì khó duy trì mối quan hệ”.
Bên cạnh đó, cả hai quan niệm phải biết làm mới bản thân, để tránh sự nhàm chán. Anh T.B khoe: “Cũng may, người ấy thường chủ động hâm nóng tình yêu chúng tôi!”.
Như Lịch
>> Bi kịch từ mối tình đồng tính>> Adam Lambert ẩu đả với người tình đồng tính
>> Bi kịch sau cuộc tình đồng tính
>> Chuốc thuốc mê bất thành, giết luôn bạn tình đồng tính
>> 71 tuổi, Mr. Sulu cưới người tình đồng tính
Bình luận (0)