Chuyện tình người nổi tiếng: Những phụ nữ đi qua cuộc đời Trần Tấn Quốc

18/11/2016 10:07 GMT+7

Trần Tấn Quốc (1914 - 1987) tên thật Trần Chí Thành, quê ở làng Mỹ Trà, Q.Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp), là một trong những nhà báo lừng danh của miền Nam. Tài hoa là thế nhưng ông lận đận không kém trong tình duyên.

Năm 1930, Trần Tấn Quốc tham gia rải truyền đơn tuyên truyền cho cuộc biểu tình nổ ra ở Cao Lãnh, bị thực dân Pháp bắt và đày ra Côn Đảo. Ông may mắn được sự giúp đỡ của người cộng sản nổi tiếng là Nguyễn Văn Nguyễn - người đầu tiên giác ngộ cho ông ý thức về vai trò của báo chí trong cuộc đấu tranh chống thực dân, đế quốc.
Ngôi sao cải lương bất đắc dĩ
Dù sống ở Côn Đảo nhưng trong ngày tết, người tù vẫn tổ chức “Gánh cải lương An Hải”, khi diễn chỉ nói bằng tiếng Pháp. Được ông Nguyễn phân công vai chánh án trong vở Tội của ai? (soạn giả Năm Châu), khi xuất hiện trên “sân khấu”, ông Quốc nổi lên như một... diễn viên “ngôi sao”. Tất nhiên, ngoài bạn tù còn có cả những người thân trong gia đình cai ngục ái mộ!
Một sáng đầu xuân, lúc ông đang múc nước từ dưới giếng sâu để tưới rau thì con gái của ông Quản Thiên xuất hiện. Nàng tên Xuân Hoa. Trong hồi ký của mình, Trần Tấn Quốc kể lại: “Mặt trời càng lên cao. Nắng thêm gay gắt. Nàng nói vọng xuống giếng như để giải thích sự có mặt:
- Hôm nay, tôi vào đây mua gà. Chợt thấy chú làm ở đây, tôi dừng lại hỏi thăm. Chú hát cải lương hay quá. Hồi ở trong đất, chú có đi hát hôn?
- Thưa cô, ở ngoài này buồn quá, chúng tôi mới bày trò hát xướng để giết thì giờ và để lãng quên niềm xa xứ, chứ hát cải lương không phải là nghề của tôi.
- Tôi cũng vậy. Buồn quá, nên chúa nhựt là tôi thích vào đây. Tuần sau, tôi sẽ xin phép ba má vào nữa.
Anh em chính trị phạm ở An Hải thì thầm bàn tán về nàng. Tất cả đều thán phục Xuân Hoa, vì chỉ có nàng là thiếu nữ xi-vinh (civil: dân sự) đầu tiên và duy nhất đến nay dám tiếp xúc với tù nhân. Rồi từ hôm đó, nàng có đến hỏi xin tôi một bài ca. Đây là lần thứ hai Xuân Hoa gặp tôi vào giờ làm của một tù nhân. Không còn cái giọng trêu ghẹo dạn dĩ để làm quen như lần sơ ngộ bất thần, lần này, Xuân Hoa hỏi xin tôi bài ca vọng cổ Con nhạn đành kêu sương nơi biển Bắc. Cũng may cho tôi đã thuộc bài ca này lúc chưa vào tù”.
Bài ca vừa kể trên của soạn giả Huỳnh Thủ Trung, tức Tư Chơi, vọng cổ “nhịp hai” gồm sáu câu. Thế là ông hát luôn: “Nhạn đành kêu sương nơi biển Bắc/Én cam khóc bạn dưới trời Nam/Thảm thương thay Ngưu nữ chia lòng/Kẻ ăn thảm, người lại nuốt nồng/Kẻ chân mây ruột tím gan bầm/Người góc biển, tâm xào phế cang...”.
Những ngày sau thỉnh thoảng họ lại gặp nhau. Trong xưng hô không rõ từ bao giờ, họ đã đổi thành “anh em” ngọt lịm! Tình cảm đang độ nồng nàn thì bất ngờ, ông nhận được tin là ba má của Xuân Hoa sẽ đưa nàng vào đất liền. Họ liều lĩnh hẹn gặp nhau ở suối Đá Mòn. Sau này, ông kể lại: “Nàng bạo dạn vượt qua trường thành kiên cố đến với tôi, một chính trị phạm trẻ tuổi mà trước ngày vào tù chưa biết thú vị của ái ân... Tôi cầm lấy bàn tay mềm mại của nàng mân mê trìu mến, im lặng. Cả rừng cây nơi lưng chừng núi không một tiếng động. Làn da trắng mịn trên gương mặt trái xoan của Xuân Hoa bỗng ửng đỏ, một màu sắc thật quyến rũ, tố giác sự rung động mãnh liệt của con tim. Tôi siết chặt bàn tay nhỏ bé của nàng...”.
Ít lâu sau, nàng về đất liền. Dù có thư từ qua lại nhưng chỉ mười tháng sau, Xuân Hoa vâng lời ba má để se duyên kết tóc với người khác.
Gian nan yêu người đẹp
Tháng 10.1934, được thả tự do, Trần Tấn Quốc lên Sài Gòn chính thức sống với nghề làm báo. Năm 1937, ông quen và yêu cô Bảy Tới. Lúc hai người chuẩn bị tiến tới hôn nhân, bỗng sét đánh ngang tai! Mẹ của nàng trả lời dứt khoát: “Nó là một thằng tù chính trị mới ngoài đảo về lại đi làm nghề viết nhựt trình. Má ghét mấy thằng viết báo dữ lắm. Má không chấp nhận nó trở thành con rể nhà này!”.
Nghệ sĩ Thanh Loan ẢNH: T.L
Lời nói như đinh đóng cột của bà đã chia lìa đôi lứa. Ít lâu sau, ông lại “bước thêm bước nữa” với bà Lê Thị Tuất, nhưng rồi “tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi” (về sau bà Tuất kết duyên với ông Trần Văn Kỷ và sinh ra nữ nghệ sĩ Kiều Mai Lý). Có lẽ, người sống với ông lâu hơn cả là nữ nghệ sĩ tài danh Thanh Loan. Hai người đầu ấp tay gối từ năm 1948 đến năm 1958. Do mật vụ Ngô Đình Diệm đánh hơi Thanh Loan là “người của phía bên kia” nên bà phải ra chiến khu. Mối tình của hai người chấm dứt lúc ông đang làm chủ nhiệm báo Tiếng dội miền Nam.
Người phụ nữ cuối đến với ông là bà Hà Thị Tám, bút danh Thu Tâm, nhỏ hơn ông 19 tuổi. Thiếp báo tin cho bạn hữu chỉ ghi ngắn gọn: “Báo tin riêng: Với sự đồng ý của cha mẹ hai bên, chúng tôi đã chánh thức làm lễ thành hôn tại xã Mỹ Trà, Cao Lãnh (Kiến Phong) hôm 13.1.1962 nhằm mùng 8 tháng Chạp năm Tân Sửu. Vậy chúng tôi hoan hỉ báo tin này cùng quý thân hữu”. Chung sống hạnh phúc như thế, dù bà Tâm nhỏ tuổi hơn nhưng lại “đi” trước ông. Bà mất năm 1972, lúc mới 39 xuân.
Đó là nỗi đau chất ngất trong tâm trí của Trần Tấn Quốc - một nhà báo trong hơn 40 năm cầm bút đã viết báo và sáng lập nhiều tờ báo tiến bộ ở miền Nam. Một trong những dấu ấn rực rỡ nhất của ông là thành lập giải Thanh Tâm dành cho các nam, nữ nghệ sĩ triển vọng nhất trong lĩnh vực sân khấu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.