Chuyện tình ở nhà tù Hỏa Lò

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
11/07/2024 07:08 GMT+7

Hồi ký của bà Mai Ngọc Thuyết cho biết lễ cưới của bà rất đơn giản: "Chúng tôi nói chuyện tình yêu, cách mạng và uống nước suông, không chè, không thuốc".

Những trích đoạn hồi ký của bà Mai Ngọc Thuyết được giới thiệu trong trưng bày chuyên đề Thắp ngọn lửa hồng, khai mạc ở di tích nhà tù Hỏa Lò ngày 9.7. Trong đó, bà kể về chuyện tình với người đồng chí Nguyễn Văn Mẫn, từ đám cưới đến biệt ly tại đây. Họ gặp nhau khi đi "vô sản hóa" ở nhà máy dệt Nam Định, rồi yêu và cưới nhau. "Trước khi trở về Hà Nội, tôi kết hôn với anh Tám Mẫn. Lễ cưới của chúng tôi thật là đơn giản. Tối hôm đó hai chúng tôi ngồi giữa 3 đồng chí thân thiết của mình: Phiếm Chu, Ba Ngọ và đồng chí Hạp. Chúng tôi nói chuyện tình yêu, cách mạng và uống nước suông, không chè, không thuốc", bà Thuyết viết.

Chuyện tình ở nhà tù Hỏa Lò- Ảnh 1.

Cuộc gặp, cũng là cuộc chia ly trong nhà tù Hỏa Lò

DI TÍCH NHÀ TÙ HỎA LÒ

Một phần câu chuyện của bà Thuyết - ông Mẫn đã được tái hiện thành tiểu phẩm, trong chuyên đề Thắp ngọn lửa hồng. Trong đó, ông Mẫn bị bắt khi con mới vài tháng tuổi, sau đó được bế con lần đầu khi hai mẹ con vào Hỏa Lò tiễn biệt ông đi đày ở Côn Đảo năm 1933. Đây cũng là lần gặp cuối cùng của họ vì sau đó ông hy sinh do chế độ tù đày khắc nghiệt năm 1943. Câu chuyện của hai ông bà cũng là câu chuyện của nhiều cặp đôi "Khi Tổ quốc cần ta biết sống xa nhau", họ yêu thương và lìa xa khi chiến đấu cho lý tưởng.

Một số tư liệu khác về các cặp vợ chồng từng bị tù đày, hy sinh cũng có mặt trong nội dung "Khi Tổ quốc cần ta biết sống xa nhau" thuộc trưng bày. Đó là hai vợ chồng Lê Hồng Phong - Nguyễn Thị Minh Khai, với lời chúc mừng: "Hôm nay, Đảng làm lễ thành hôn cho anh Vương và chị Duy (bí danh). Hiện nay, Đảng ta còn nghèo lại hoạt động bí mật, không cho phép tổ chức lễ cưới lớn cho hai anh chị được nhưng chúng ta vẫn rất vui. Chúng tôi chúc mừng anh chị bách niên giai lão".

Trưng bày Thắp ngọn lửa hồng còn có những nội dung khác như Tiếng súng mở đầu, Trọn một lời thề Dấu xưa vang mãi. Trong đó, Tiếng súng mở đầu kể về 3 cuộc khởi nghĩa đã nổ ra ở 3 miền Bắc, Trung, Nam là khởi nghĩa Bắc Sơn (9.1940), khởi nghĩa Nam Kỳ (11.1940), binh biến Đô Lương (1.1941). Đây chính là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc. Trọn một lời thề kể về các chiến sĩ như Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Thị Minh Khai… dù bị tra tấn, đày ải trong lao tù, nhưng vẫn bất khuất. Dấu xưa vang mãi giới thiệu về những địa danh lịch sử, từng là trường bắn giờ đây đã thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.