Chuyện... tình phí

24/09/2005 21:32 GMT+7

Không là những cuộc đổi chác tình - tiền giữa người đẹp và đại gia, cũng không là cuộc mây mưa, thác loạn của những tay thừa tiền nhiều của, những cuộc tình trong bài viết này đều xuất phát từ trái tim, từ tấm lòng. Tuy nhiên không vì thế mà nỗi nhớ nhung, khắc khoải, đợi chờ... trong tình yêu không làm các "khổ chủ" hao tài tốn của.

Tình phí của "sao"

Đừng tưởng đã là "sao" thì sẽ được săn đón, cung phụng thừa mứa tiền bạc, của cải. "Sao" vẫn là người nên đương nhiên cũng có con tim cùng với nỗi khát khao yêu, được yêu. Làm hao tốn giấy mực của giới truyền thông trong thời gian gần đây nhất là câu chuyện của ca sĩ "Búp bê đẹp xinh" lấy chồng. Chú rể đến từ xứ sở sương mù, nghe đâu cũng thuộc giới doanh nhân thành đạt, hiện là tổng giám đốc một công ty có tiếng tăm. "Tiếng sét ái tình" nổ như pháo bông trên bầu trời cách đây vừa tròn 7 tháng. Cô dâu ngây ngất và yêu thương người trong mộng lắm lắm, sẵn sàng gạt sang bên cuộc tình nên thơ chừng như sắp cưới với chàng ca sĩ đẹp trai đến từ miền Trung "đất cày lên sỏi đá". Không yêu sao được khi chàng rể Tây quá ga-lăng, phong độ. Nhưng hơi bực tí xíu là cả chàng và nàng đều phải "tỏ lời yêu thương" bằng động từ "tu quơ" nhiều hơn bằng lời! Vì quá mến mộ cô ca sĩ đẹp xinh nên trong lần thết đãi bạn bè nàng do chính tay chàng nấu nướng, chàng đã ra giá 500 đô la nếu ai đó có thể đặt riêng cho chàng một diễm tình ca thương tặng "búp bê" trong vòng một tuần. Đơn hàng tăng lên 600 đô la trong ba ngày và giá cuối cùng được niêm yết là 750 đô la nếu 24 giờ sau có bản nhạc! Tức mình, ca sĩ - nhạc sĩ trẻ P.U muốn cho "đối phương" biết rõ "nội lực" sáng tác của nghệ sĩ Việt Nam bèn thức thâu đêm đặt nhạc và sáng hôm sau viết nốt phần lời. Vậy là bài "Anh đã đến bên đời" với điệu slow êm ả, lãng mạn như nước sông Thames ra đời. Sau lần tỏ tình đáng giá hơn 11 triệu đồng đó, "Búp bê" ngất ngây vì tấm lòng, trái tim của chàng đã đồng ý ký tên vào "bản cam kết" chung sống. Phải hai ba ngày sau, cũng chính P.U mới sáng tác riêng bản "Búp bê happy" chúc mừng hạnh phúc của bạn. Và bài hát đó nhanh chóng được giới trẻ yêu thích khi lần đầu tiên được trình diễn trong chương trình Việt Nam ca hát.

Một doanh nhân ngoại đến từ xứ sở kangouru dùng "chiêu" khác để chinh phục trái tim của "chân dài" N.Ng. Bửu bối của chiêu này chính là "con dế" lủng lẳng bên người. N.Ng cho biết hồi trước có những ngày chàng gọi và nhắn tin cho cô đến cả ba, bốn chục lần. Đôi khi chỉ là những câu ngắn gọn bày tỏ tình cảm dù lúc đó chàng đang làm việc tại Việt Nam hay trở về Úc. N.Ng bật mí: "Tháng nào cũng vậy, anh ấy tốn riêng cho khoản nhắn tin và điện thoại độ chừng 4 - 5 triệu đồng. Quà thì chỉ đến những dịp cuối năm, lễ Tết, sinh nhật anh mới mua tặng. Chàng của em không bao giờ tiếc tiền mua hoa. Cứ đúng 3 hay 6 tháng quen nhau, anh mua một bó hoa hồng ít nhất 80-100 bông mang đến tặng em. Nhìn bó hoa em thấy lòng lâng lâng, khó tả lắm! Một hôm, khi đang ở nhà nấu cơm, anh lại ôm một bó hoa to đùng về tặng. Em chẳng biết mô tê gì. Đến hồi nghe anh nói hôm đó là kỷ niệm hai tháng ngày cưới, em mới ngớ người ra". Tình phí của chàng rể Úc chinh phục trái tim N.Ng kể ra cũng không phải là quá tốn kém.

Riêng cặp "chân dài" khác là T.L và A.T lại có nhiều kỷ niệm đẹp trong những ngày hai người "phải lòng" nhau hơn 5 năm về trước. "Hồi đó làm gì có tiền, hai đứa chỉ biết dắt nhau đi Công viên Lê Văn Tám ngồi ăn gỏi đu đủ, uống nước mía. Hôm nào trúng sô, rủng rỉnh chút đỉnh thì "tự thưởng" nhau chầu cá viên chiên ở đường Cách mạng Tháng Tám hay ốc luộc ở khu kênh Nhiêu Lộc. Tình phí hả? Biết làm sao mà tính được, nhưng cũng độ chừng vài trăm nghìn một tháng thôi". L. và T. thổ lộ. Những lần đi nước ngoài biểu diễn, A.T phải ráng ăn mì gói để dành tiền mua card điện thoại gọi điện và nhắn tin cho người yêu.

Ca sĩ H.N.H thì khẳng định, với cô tiền nong không quyết định tình cảm. Khi yêu nhau quà tặng chỉ là phương tiện chuyển tải tình cảm đến người yêu. Hằng năm cứ đến ngày 22.2, kỷ niệm lần hai người quen nhau thì nhạc sĩ Đ.T và H.N.H mới tặng nhau những món quà nho nhỏ, có khi là một khuôn hình hay tấm ảnh chụp chung. "Quà đắt tiền nhất mà tôi mua tặng anh là chiếc đồng hồ đeo tay chỉ vài trăm đô nhưng tôi nghĩ anh rất thích và sẽ luôn nhớ đến tôi mỗi khi mang nó. Tôi không hề quan niệm khi yêu nhau thì các khoản chi phí nuôi dưỡng tình yêu đều phải do đàn ông chi trả. Đôi lúc đi ăn tôi cũng giành trả tiền. Tính ra mỗi tháng chúng tôi chi cho tình phí độ hai, ba triệu gì đó, chủ yếu là đi ăn tối với nhau" -  H.N.H cho biết.

Chàng trai đến từ Hà Nội có giọng hát trầm ấm L.H quan niệm quà tặng không phụ thuộc vào giá trị vật chất. Với anh, những món quà ghi dấu kỷ niệm của hai người sẽ đáng trân trọng hơn. Anh tâm sự thích tặng bạn gái nước hoa, quần áo trong những dịp sinh nhật. Món quà bạn gái tặng mà anh thích nhất là chiếc áo thun và hộp đựng nến mua ở Pháp. Dù không phải là những món quà giá trị nhưng với anh đó là cách người yêu thể hiện tấm lòng đồng thời chứng tỏ cô ấy rất am hiểu sở thích của anh là thú sưu tập nến.

Chi phí cho một cuộc tình

Khác với các "sao", đôi khi tình phí chỉ là "chuyện nhỏ", đa số giới trẻ đang yêu luôn "vật vã" với khoản này. L.N, sinh viên ĐH KHXH - NV luôn bị cháy túi vào những ngày giữa tháng. N. phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi vay mượn bạn bè, bà con để đủ chi trả tiền cơm hằng ngày, tiền nhà trọ. Ở quê nhà Kiên Giang, mẹ N. mỗi tháng chỉ gửi cho cậu con trai cưng được vài trăm nghìn, không thấm vào đâu với mức bội chi của cậu. N. quen với một em bên trường kinh tế, cũng là dân tỉnh lên thành phố trọ học. Đôi trẻ yêu nhau nhưng cứ thiếu trước hụt sau vì kinh tế eo hẹp. Lần nào đi chơi, N. cũng chỉ dẫn bạn gái vào những quán cà phê ven đường, ăn đĩa gỏi hay uống ly nước mía. Mỗi lần vi vu với người đẹp, N. phải chi thêm tiền thuê xe gắn máy chứ chẳng lẽ lại còng lưng đạp xe? May mà bà bác trong xóm ở trọ cho thuê xe giá rẻ, chỉ 50.000 đồng! Cứ như vậy mà đến giữa tháng, 500 nghìn mẹ gửi lên vèo một thoáng mây bay.

T.S lại là trường hợp khác. Mới học đến lớp 11 nhưng S. được cha mẹ cho cái điện thoại di động. Mối tình học trò của S. với chàng H.C học lớp 12 bên trường B.S xem ra tốn khá bộn. Vậy mà gặp C. sau tối sinh nhật, với gương mặt buồn, C. thổ lộ cậu vừa chia tay bạn gái vì "nó quen với thằng khác rồi". C. cho biết có lần nhìn thấy bill điện thoại của S., C. tá hỏa vì chỉ toàn số của C. mà hóa đơn lên đến ngót nghét 2 triệu đồng. C. nói cậu cũng hao tài không kém khi hằng tháng cái card 300 nghìn bố cho trong 15 ngày đã trống huơ trống hoác tài khoản. Đôi trẻ giận hờn, làm lành, ghen tuông nhau qua "con di động". Có khi 1, 2 giờ sáng hai đứa còn thức để nhắn tin tâm sự vì sợ nói chuyện cả nhà biết.

Q.V, 26 tuổi, nhân viên Công ty Sản xuất bánh kẹo K.Đ tốn cho khoản khác. Cứ cách độ hai, ba ngày V. phải xách xe lên tận Bình Dương thăm người yêu. Quen nhau được gần một năm, V. đã thấy quá oải vì đường xa mà giá xăng cứ lên vùn vụt. Tính ra cứ mỗi tuần V. đổ 200.000 đồng tiền xăng mà vẫn không đủ vì còn phải lòng vòng mỗi ngày tiếp thị bánh kẹo cho công ty. Gặp nhau, V. chỉ biết ngồi nhà người yêu nói chuyện, không dám đến hàng quán nào vì khoản xăng dầu đã ngốn hết gần nửa tháng lương của V. rồi. Có lần vì "sơ ý", V. đón bạn gái dạo một vòng thành phố rồi ghé một quán cà phê "sành điệu" tâm sự. Đến lúc tính tiền, V. giật thót mình khi phát hiện không mang theo đồng nào cả. Cô bạn gái cũng chỉ dằn túi ba chục nghìn, không đủ trả tiền nước. V. phải năn nỉ nhân viên phục vụ hết lời, rồi để lại giấy CMND, hôm sau mang tiền đến trả.

Cậu ấm C. có cách chơi "độc" hơn. Quen người yêu là một người đẹp có tiếng thành phố, C. không ngại chi đậm khoản quà cáp, đổi điện thoại mới cho người yêu. Nghe đâu C. sẵn sàng rút trong tài khoản của mẹ mỗi tháng vài nghìn đô cho người đẹp đi du học tận Singapore. Gia đình C. dù biết nhưng vẫn thấy... vui vì thằng quý tử đã biết "tu tâm dưỡng tính", không quậy phá như trước. C. từng vào tù ra khám vì tội đua xe hơi "thể thức 1" giữa lòng thành phố cách đây vài năm.

Dù là "sao" hay không phải là "sao", tình phí vẫn mãi là những khoản chi cần có để nuôi dưỡng một cuộc tình. Có nhiều người tùy giá trị của món quà mà tình cảm tăng theo cấp số nhân, cũng có người lại không quan trọng chuyện quà cáp. Tuy nhiên, tình phí vẫn luôn là gánh nặng trên vai những người trẻ, khi họ đang là sinh viên, học sinh. Vậy mới hay, biết yêu đã khó, biết nuôi dưỡng tình yêu trong điều kiện kinh tế cho phép xem ra còn khó hơn. Quan trọng hơn hết vẫn là tấm lòng, thái độ ứng xử trong mối quan hệ tình cảm. Không hẳn có tiền là có tình hay "có tiền mua tiên cũng được".

Danh Nghi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.