Chuyện tình thời chiến - Kỳ 4: 28 năm chờ đợi “người thương”

28/12/2011 00:46 GMT+7

Họ đã hy sinh tình riêng để đi theo tiếng gọi của non sông. Có khi ở cách xa ngàn dặm, nhưng cũng đôi khi đối mặt trong gang tấc mà cuộc đoàn viên như chưa hề diễn ra…

>> Kỳ 3: Tình yêu bất tử

Họ đã hy sinh tình riêng để đi theo tiếng gọi của non sông. Có khi ở cách xa ngàn dặm, nhưng cũng đôi khi đối mặt trong gang tấc mà cuộc đoàn viên như chưa hề diễn ra…

Chiếc đồng hồ vàng

Tôi biết ông đã lâu, lại là người cùng địa phương, vậy mà hôm nay tôi mới nghe ông kể về chuyện tình của ông. Ông kể: “Tôi lấy vợ sớm lắm. 18 tuổi, đang học Petrus Ký Sài Gòn thì cha mẹ kêu lấy vợ. Bà ấy học với tôi từ hồi nhỏ, nhưng tôi đâu có thương gì đâu, chỉ được cái đẹp gái chứ học dốt lắm, cưới xong ba ngày sau vẫn chưa dám nắm tay. Vậy mà, đến khi tôi thương bà ấy thì giặc đến, tôi chia tay vợ mà nước mắt cứ lưng tròng, đến khi vào chiến khu thì mới hay tin vợ đã sinh con gái đầu lòng…”.

Còn với bà, hôm tôi đến nhà, cũng là ngày sinh nhật của ông, bà lúc nào cũng ngồi sát bên ông, chăm sóc từng nếp áo cho ông như cô gái thùy mị miền Đông ngày nào. Bà nhớ lại chuyện xưa trong nước mắt: “Hồi còn học với nhau ở trường tỉnh, tôi đâu có để ý ông ấy cho dù ông ấy học rất giỏi nhưng nhà quê lắm. Ông ấy lên Sài Gòn học Petrus Ký, tôi cũng vào Trường Áo Tím. Rồi đùng một cái, cha mẹ kêu về lấy chồng thì hóa ra chính là ông ấy, hai gia đình đã hứa hôn hồi nào tôi đâu có hay. Tôi nói với cha mẹ: Thôi con không lấy anh ấy đâu, nhà quê thấy mồ. Vậy mà, cưới xong ông ấy đã dứt áo ra đi bảo vệ Tổ quốc, tôi thương lắm, thương cho đến tận bây giờ...”.

Năm 1946, chàng thanh niên quê đất đỏ miền Đông Bà Rịa -Vũng Tàu Nguyễn Văn Tàu lấy vợ, nhưng lúc đó anh đã là một điệp báo của tỉnh đội làm nhiệm vụ mật báo tin tức đồn Pháp ở Bà Rịa. Do thời điểm này, giặc càn dữ quá, ông đưa vợ về Sài Gòn và bặt tin từ đấy. Tháng 6.1949, trong một lần can thiệp cứu một cô gái sắp bị bọn Tây hãm hiếp, biết mình sẽ bị lộ, ông quyết định lên chiến khu Minh Đạm. Năm 1954, Nguyễn Văn Tàu xuống tàu tập kết ra Bắc mà không kịp chia tay vợ con, chỉ kịp nhận của vợ ba món kỷ vật như lời hẹn ước hai năm sau tổng tuyển cử sẽ trở về đoàn tụ: chiếc áo len do vợ tự tay đan, tấm ảnh con gái đã lên bảy và một lá thư đầy lời thương nhớ. Và ông ra đi biền biệt cho đến tận năm 1962 mới trở lại miền Nam để chỉ huy cụm tình báo huyền thoại với những tên tuổi điệp viên lẫy lừng như Phạm Xuân Ẩn, một huyền thoại tình báo Việt Nam. Ông chính là đại tá Tư Cang - Anh hùng Lực lượng vũ trang, chỉ huy Cụm tình báo H63 với những chiến công lẫy lừng mà cụm tình báo của ông đã được phong anh hùng từ rất sớm, khi chiến tranh còn chưa kết thúc.

Ông Tư Cang nhớ lại: “Tôi ra Bắc ban đầu công tác ở đơn vị trinh sát, sau chuyển qua thông tin. Nhớ vợ con lắm, nhưng không biết cách nào liên lạc. Đến năm 1961, khi hay tin sẽ trở về Nam chiến đấu, tôi gom hết tiền lương để dành trong suốt từ năm 1954 mang ra Bách hóa Hà Nội mua cho vợ chiếc đồng hồ Thụy Sĩ mạ vàng hiệu Movado. Lúc đó, cô mậu dịch rất ngạc nhiên bảo đồng hồ này chỉ bán cho chuyên gia nước ngoài thôi, bác tiền đâu mà hỏi. Tôi bảo, giá bao nhiêu tôi cũng mua. Chiếc đồng hồ này cho đến giờ vợ tôi vẫn còn giữ như một kỷ vật của tình yêu”.

Bà Sáu Ảnh, vợ ông Tư Cang, kể: “Tháng 5.1962, bỗng dưng có người đến móc nối và bảo rằng lên chiến khu gặp chồng tôi. Tôi hồi hộp lắm, xa nhau suốt từ năm 1946 đến giờ mới có cơ hội gặp lại chồng. Người giao liên đưa tôi và con gái lên suối Bà Tươi ở Bời Lời, Tây Ninh, nghe người ta đồn thổi Việt cộng ốm nhom, vậy mà khi ông ấy xuất hiện với dáng vẻ to lớn, trắng trẻo, lại mang súng lục bên hông trông rất oai phong, lại có thêm đồng hồ vàng tặng vợ nữa chứ, tôi òa khóc, chạy đến ôm chầm lấy chồng. Con Nhồng, đã 15 tuổi, mới lần đầu gặp mặt cha. Cứ tưởng giờ phút đoàn tụ gia đình đã đến, vậy mà chỉ được gặp ông ấy có vài tiếng đồng hồ rồi chia tay, ông ấy chỉ nói sắp vào Sài Gòn công tác…”.


Tấm ảnh hiếm hoi ông bà Tư Cang chụp chung với nhau khi bà lên chiến khu thăm ông 

Vỏ bọc người điệp viên

Năm 1962, nhà chỉ huy tình báo Tư Cang về thành chỉ huy Cụm tình báo huyền thoại H63, đặc trách điệp viên Phạm Xuân Ẩn và vợ con ông chính là một trong những mắt xích của lưới tình báo này. Ông Tư Cang trong vai một viên chức kế toán làm cho hãng Tây và ở tại nhà cô Nguyễn Thị Yên Thảo (tức Tám Thảo) - con gái rượu của một gia đình tư sản giàu có kinh doanh vải. Cô Tám Thảo cũng là một điệp viên trong lưới H63 đặc trách liên lạc với điệp viên Phạm Xuân Ẩn. Do nguyên tắc ngăn cách của ngành tình báo, dù cùng hoạt động trong cùng một lưới tình báo do chồng chỉ huy, nhưng trong suốt những năm tháng ấy, chưa bao giờ bà Sáu Ảnh được gọi tên chồng một cách thân thương. Nhiều lần vì nhiệm vụ, bà Sáu Ảnh phải đến nhà cô Tám Thảo để đưa mật thư, tài liệu cho ông Tư Cang, thấy bóng chồng đang ở cùng nhà với một mỹ nữ, bà không khỏi chạnh lòng và tự hỏi họ có tình ý gì với nhau không, sao chồng mình lại ở nhà một người đẹp suốt như thế.

Bà Sáu Ảnh nhớ lại: “Một lần, tôi cùng với mấy anh em làm cùng sở đi coi phim. Đó là một bộ phim hay mà tôi rất muốn xem. Khi chờ vào mua vé thì tôi thấy anh Tư và Tám Thảo tay trong tay sánh vai nhau đi vào rạp hát. Tôi chết điếng và không muốn xem phim nữa. Tôi nằm nhớ hoài bài hát vọng cổ Dạ cổ hoài lang: Vào ra ngóng trông tin chàng, ôi gan vàng quặn đau í a…, rồi nằm khóc một mình”.

Với bà Sáu Ảnh, thời gian ấy là những năm tháng vui mừng xen lẫn buồn tủi khi thấp thoáng đâu đó bóng chồng trên đường phố nhưng bà chưa một lần được nói lời yêu thương, bao nhiêu lần nhìn thấy chồng trong nhà của mỹ nhân mà không nhìn bà lấy một ánh mắt tình tứ. Cứ thà rằng ông ấy ở ngoài Bắc hay chiến khu lòng bà đỡ đau đớn hơn. Cứ tưởng ngày đoàn tụ đã rất gần nhưng sao xa xôi ngàn trùng…

Với nhà tình báo Tư Cang, đó là nỗi niềm riêng. Ông kể: “Đau lòng lắm chứ, nhà vợ con tôi bên Thị Nghè không xa đường Gia Long (nay là đường Lý Tự Trọng) nhà cô Tám Thảo là bao, vậy mà cứ cách xa vời vợi. Nhiều khi nhớ vợ quá, tôi nhờ giao liên nhắn bà ấy qua sở thú gặp cho đỡ nhớ nhung. Nhưng rồi cuộc gặp chỉ vài phút như hai người tình cờ gặp nhau trên đường dạo mát hay ở hai đầu băng ghế đá, chỉ kịp hỏi thăm nhau vài câu về công việc, gia đình, con cái, nói với nhau vài lời yêu thương rồi chia tay mà chưa một lần được ôm hôn vợ. Suốt từ ngày tôi về thành cho đến khi tôi trở ra miền Bắc, hai đứa chỉ gặp nhau để nói lời yêu thương có ba bốn lần tại sở thú”. (Còn tiếp)

Binh Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.