Người ta nói tình yêu là hy sinh tất cả cho người mình yêu. Nhưng có mấy ai chung thủy cả một đời để phải chịu cảnh chồng chung? Bà Ba Để nhớ lại: “Ông ấy trở về và đến thăm tôi, lúc đó tôi đang là Hội trưởng Hội Phụ nữ Q.8. Ông ấy bảo sẽ không trở lại miền Bắc nữa, ông sợ mất tôi, nhưng tôi bảo ông ấy rằng: Anh nên về với cô Oanh, vì ngoài đó còn 3 đứa nhỏ cần có cha, và cô Oanh đã hy sinh chăm sóc cho anh khi anh bị thương nặng. Nói mãi mà ông ấy có chịu nghe lời tôi đâu, cứ ở suốt trong này, nên tôi mới đành phải viết thư cho cô Oanh khuyên nhủ cô ấy”.
Với bà, sự hy sinh cho tình yêu là vô bờ bến, kể cả với người phụ nữ mà bà cay đắng gọi là “vợ của chồng mình”. Trong một lá thư gửi cho bà Trần Thị Oanh - người vợ miền Bắc của chồng bà, bà viết:
“Oanh thương mến,
Chị đã bàn với anh Vĩnh là anh ấy sẽ trở về với em, bảo đảm hạnh phúc gia đình và tương lai cho anh ấy, vì chị đã lớn tuổi rồi, không đảm bảo gì cho anh ấy được vì chị đã hy sinh đau khổ hai mươi mấy năm rồi thì giờ này cái đau khổ vẫn chịu đựng được thôi. Chị sẽ hy sinh tình cảm gia đình để em được hạnh phúc trọn vẹn, sau khi anh Vĩnh về Bắc, em nghe chị mà khuyên anh ấy đừng buồn, chị vẫn biết đứng trước hoàn cảnh này anh ấy không biết xử lý ra sao. Chị tin em nhận được thư này sẽ an tâm mà không còn lo lắng.
Cuối thư chị thăm em và các cháu, nhờ em gởi lời chị thăm bác và gia đình, chị của em”.
Những năm sau chiến tranh, không chỉ miền Nam, mà miền Bắc luôn khó khăn về kinh tế. Thương đám con nhỏ “vợ của chồng mình” ngoài đó thiếu thốn, mỗi khi đi họp hành ở đâu có bán hàng thương nghiệp, bà đều mua khi thì khúc vải, khi thì hộp bánh gom góp gửi ra cho đám nhỏ. Bà kể: “Cũng tội nghiệp lắm, lâu lâu cô Oanh và đám nhỏ cũng viết thư vào thăm tôi, kể chuyện ông Vĩnh cho tôi nghe để tôi đỡ buồn”.
|
Nỗi đau thầm kín
Vượt qua nỗi đau mất mát sau bao năm chờ chồng, ngày đoàn viên cũng là ngày đắng lòng xa cách, bà đã đi đến một quyết định ít ai ngờ, nhưng đó là một quyết định đầy tình người bao la. Bà đã đưa cả vợ và đàn con của chồng vào Nam cùng sống với bà.
Anh Phạm Tường Đồng, người con trai lớn của ông Vĩnh - bà Oanh vẫn không thể nào quên cái ngày đầu tiên anh gặp bà Ba Để, người mà anh gọi trìu mến bằng “má”: “Lúc đó ba tôi vào trước để thu xếp mọi việc, mẹ và chúng tôi vào sau, cả ba anh em đều mặc bộ quần áo mà mẹ may từ vải má gửi ra tặng lúc trước, vừa thấy tôi từ ngoài cổng bước vào, má nhìn rất lâu và la lên: Anh ơi, con mình vô tới rồi nè anh! Cho đến giờ này tôi không thể quên câu má thốt lên: Con mình vô tới rồi... Má đã coi chúng tôi là con của má từ ngày đầu gặp mặt”.
Lối xóm khu cư xá Q.8 nói với chúng tôi rằng: Gia đình bà là một gia đình hạnh phúc, ông Vĩnh và hai bà vợ cùng đàn con nhỏ sống chan hòa với nhau như một đại gia đình. Nhưng những ngày ngồi tâm sự với bà, bà thổ lộ nỗi niềm: “Đắng cay lắm chứ với cảnh chồng chung, nhiều đêm tôi không thể nào ngủ được, nhưng cứ nhìn đàn con nhỏ của cô Oanh tôi lại tự nhủ lòng mình phải ráng sao lo chu toàn sự đầm ấm cho cả nhà”. Và bà vượt lên tất cả để giữ trọn nghĩa vợ chồng và hy sinh cuộc sống riêng tư của chính mình để vun đắp tình yêu thương cho mái ấm chung này.
Khi ông Vĩnh còn sống, bà là một người vợ tần tảo nuôi cả gia đình đông đúc, khi ông qua đời, bà là người chị cả gánh vác mọi việc trong gia đình. Lúc đó bà chỉ mong được sớm theo ông về bên kia thế giới để hai người được thỏa lòng sống trọn kiếp bên nhau. Bên cạnh ngôi mộ ông Vĩnh ở Tiền Giang, bà đã xây sẵn cho mình một kim tĩnh để chờ ngày về nằm cạnh ông.
Một lòng cho đến trọn đời
Vậy mà số trời có chiều lòng bà, khi bà Oanh - người vợ miền Bắc của chồng bà - đau nặng, biết không thể qua khỏi, bà Oanh đã trăn trối với bà rằng: “Con em còn nhỏ, chị đã hy sinh cả đời vì mẹ con em, xin chị hãy cưu mang đàn con của em nếu em ra đi”. Bà đã định nhường phần kim tĩnh bên mộ ông Vĩnh cho bà Oanh, vì theo bà: “Thôi thì cũng là vợ ông ấy, để hai người nằm bên nhau cho ấm lòng”. Nhưng trước khi trút hơi thở cuối cùng bà Oanh vẫn cương quyết không muốn được chôn bên cạnh ông Vĩnh, bà nói với bà Để: “Em chỉ muốn nằm dưới chân anh chị là em hạnh phúc lắm rồi, chị đừng làm vậy em không thể nhắm mắt ra đi...”.
Sau khi bà Oanh qua đời, bà lo cho đàn con mà chưa một lần mang nặng đẻ đau, với tình yêu thương của một người mẹ cao cả. Đám cưới Hùng Tường, rồi Hồng Lũy, một tay bà đứng ra hỏi cưới vợ cho các con. Ngay như căn nhà của bà, bà cũng để lại cho đàn con của chồng khi chúng đã trưởng thành, có dâu, có cháu; bà âm thầm dọn về vùng ngoại thành ở với người em trai.
Tôi cùng bà và các con lại về quê thăm hỏi họ hàng bên chồng và viếng mộ phần của ông Vĩnh và bà Oanh - công việc mà bà làm thường xuyên với tư cách một nàng dâu nhà chồng. Trước mộ phần của bà Oanh, thật xúc động khi mộ chí người đã khuất có khắc dòng chữ: “Chị và các con đồng lập mộ”. Với mẹ con bà Oanh, bà là một người chị cao cả che chở cho đến tận cuối đời.
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, mọi vật chốn làng quê ngày xưa giờ đã lắm đổi thay, nhưng với bà, tấm lòng chưa một lần đổi thay. Và nơi bến sông này hơn 50 năm trước, bà đã chia tay ông đi tập kết, xa cách nghìn trùng 21 năm.
Gần trọn một đời chờ chồng, gần trọn một đời hy sinh vì tình yêu, giờ đây bà đã có thể yên vui với đàn con hiếu thảo cho dù bà chưa một lần được diễm phúc làm mẹ. Với những người con mà bà chưa một lần sinh ra, tình yêu của bà là một tình mẹ bao la, tình yêu bất tử, một huyền thoại của tình yêu...
Binh Nguyên
Bình luận (0)